Nỗ lực tiêu nước ứng cứu, bảo vệ lúa mùa mới gieo cấy
Trước tình hình mưa lớn liên tục kéo dài trong những ngày qua đã khiến một số diện tích lúa mùa mới gieo cấy bị ngập úng. Để bảo vệ lúa mùa, ngành Nông nghiệp và bà con nông dân các địa phương cùng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ứng cứu.
Tại cánh đồng của đội sản xuất số 3, xã Đại An (Vụ Bản), bác Phạm Văn Hưng đang tranh thủ mưa tạnh để khua váng, cấy dặm diện tích lúa bị chết do ngập nước. Bác Hưng cho biết: Đợt mưa này thật bất thường, mưa to, kéo dài làm hơn 2 sào lúa mới cấy của gia đình bác bị ngập sâu. "Sáng nay (20/7), tranh thủ thời tiết tạnh ráo, tôi nhổ mạ dự phòng, cấy dặm vào những chỗ lúa chết, cây yếu...". Cách đó không xa, bác Vũ Thị Sen, đội sản xuất số 6 cũng đang tập trung bắt ốc bươu vàng, té nước, khua váng để hạn chế bám bẩn lá lúa khi nước rút, tạo điều kiện để lúa mới cấy quang hợp tốt, nhanh hồi xanh, phát triển trở lại và cấy dặm cho hơn 4 sào lúa mùa nhằm bảo đảm mật độ sau đợt mua kéo dài vừa qua…
Chủ động ứng cứu lúa mùa mới cấy trên địa bàn, Cụm Thủy nông miền trung huyện Vụ Bản đã vận hành đồng thời 26 trạm bơm cố định và di động để bơm tiêu nước cứu lúa mùa, cây màu hè thu của 6 xã: Liên Bảo, Đại An, Quang Trung, Trung Thành, Kim Thái và Hợp Hưng. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Cụm trưởng cho biết: Tổng diện tích gieo cấy lúa mùa của cụm miền trung là 2.714ha, trong đó có khoảng 30% diện tích lúa mới cấy bị ngập sâu, ngập phất phơ. Để chủ động cứu lúa, ngay từ sáng 15/7, Trạm bơm Đồng Lạc, xã Hợp Hưng là trạm bơm tiêu lớn nhất cụm đã vận hành 6/6 tổ bơm với tổng công suất 2.500m3/h bơm tiêu rút nước. Đội ngũ cán bộ, công nhân của trạm gồm 10 người chia nhau túc trực suốt ngày đêm để vận hành máy bơm, tổ chức vớt bèo, rác thải bảo đảm dòng chảy luôn thông thoáng, tăng khả năng thoát nước… Nhờ đó đến 10 giờ sáng 20/7, toàn cụm đã có trên 300ha lúa mùa mới cấy tiêu thoát hết bị ngập nước, nông dân đã ra ruộng cấy dặm, chăm sóc lúa. Hiện, Cụm đang phối hợp với các xã trên địa bàn tổ chức vận hành 10 trạm bơm cơ động để tiêu úng cho diện tích úng ngập cục bộ. Nếu trời không mưa nữa thì tới sáng 22/7, toàn cụm sẽ không còn diện tích lúa mùa bị ngập…
Báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, đến ngày 17/7/2024 toàn tỉnh đã gieo cấy được 65,55 nghìn ha, đạt 92% tổng diện tích gieo cấy lúa mùa; trong đó, diện tích cấy là 36,35 nghìn ha, diện tích gieo sạ 29,2 nghìn ha. Theo số liệu đo được của Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Định thì tổng lượng mưa trung bình trong toàn tỉnh từ ngày 14 đến hết ngày 18/7 là 260mm; cục bộ có nơi đo được lượng mưa rất cao như: Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) 463mm, xã Yên Lộc (Ý Yên) 378mm, xã Đồng Sơn (Nam Trực) 329mm, xã Hải Đường (Hải Hậu) 287mm… Đến 7giờ ngày 18/7/2024, ước tính diện tích gieo cấy lúa mùa bị ngập do mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 34,14 nghìn ha, trong đó diện tích lúa mùa mới gieo cấy bị ngập khoảng 34,7 nghìn ha. Huyện Hải Hậu là địa phương có lúa mùa bị ngập nhiều nhất với 8,8 nghìn ha, tiếp đó là huyện Nghĩa Hưng hơn 6,4 nghìn ha, Ý Yên 4,8 nghìn ha, Vụ Bản hơn 4,5 nghìn ha…
Trước tình hình mưa kéo dài, xuất hiện tình trạng ngập úng ở một số địa phương và lịch xả lũ của các hồ thủy điện, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 714/UBND-VP3 ngày 17/7/2024 về việc phòng, chống ngập úng do mưa lớn và đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ các hồ thủy điện. Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến thời tiết khí tượng thủy văn, nhất là các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Định tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến các đơn vị, địa phương, các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL để chủ động vận hành công trình thủy lợi phòng, chống úng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL chủ động tiêu nước đệm, tập trung tiêu thoát nước chống úng khi có mưa; kiểm tra, đôn đốc quyết liệt việc tiêu úng trong các ngày 15, 16, 17 và 18/7/2024. UBND các huyện, thành phố đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đơn vị quản lý KTCTTL tập trung công tác chống úng cứu lúa mùa mới cấy, gieo sạ.
Các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL của các địa phương và Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đã chủ động, tích cực vận hành các trạm bơm để bơm tiêu nước đệm khi có mưa, vận hành tối đa cống tiêu vùng thủy triều, các trạm bơm điện, phối hợp với các địa phương sử dụng bơm dã chiến để chống úng. Toàn tỉnh đã vận hành 348/355 máy bơm tiêu để tiêu nước cứu lúa. Đối với các cống tự chảy vùng thủy triều, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã tranh thủ thời gian không kể ngày đêm, mở cống tiêu nước với thời gian tiêu tối đa cho phép.
Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Những ngày tới đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà và các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 714/UBND-VP3 ngày 17/7/2024. UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, phân loại, đánh giá thiệt hại các trà lúa và rau màu hè thu. Đôn đốc, hướng dẫn nông dân cấy dặm tỉa, bón phân kịp thời; đối với những diện tích lúa bị thiệt hại nặng do ngập úng cần khẩn trương tổ chức gieo cấy lại bằng các giống lúa phù hợp, ưu tiên giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ nền, tận dụng mạ dư, mạ dự phòng...
Khi ruộng rút nước, bà con nông dân nên té nước để hạn chế rong rêu, váng bám bẩn lá lúa, tăng khả năng quang hợp cho cây lúa, đồng thời có thể phun ngay một số chế phẩm như: K-H, ET, Pennac P... để kích thích lúa ra rễ. Khi cây lúa ra rễ trắng, hồi phục trở lại mới được chăm sóc. Tiến hành tỉa, cấy dặm kịp thời những cây chết, cây yếu để bảo đảm mật độ. Chủ động áp dụng các biện pháp thủ công để bắt, tiêu hủy trứng ốc và diệt ốc bươu vàng để hạn chế ốc cắn lúa non làm khuyết mật độ. Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra và phát hiện sớm hiện tượng nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ và các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Bài và ảnh: Văn Đại