Nỗ lực tìm lời giải cho bài toán định hình tương lai ASEAN
Trong khuôn khổ các phiên khai mạc và thảo luận của Diễn đàn Tương lai ASEAN ngày 23/4, nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển ASEAN đã được đưa ra, trong đó chú trọng tới nỗ lực tăng cường vai trò của ASEAN song song với bảo vệ an ninh khu vực.
ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình
Phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone - nước Chủ tịch ASEAN 2024 - nhấn mạnh rằng hướng tới tương lai, ASEAN cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN hay Phương thức ASEAN, đồng thời tăng cường sự gắn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo Thủ tướng Lào, ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình bằng cách nhất quán duy trì các mục tiêu cơ bản của ASEAN là duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác nhằm củng cố Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ASEAN và vai trò của ASEAN.
Bên cạnh đó, đối mặt với bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, trong đó bao gồm thông qua thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và nâng cao năng cạnh lực tranh kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN.
Phát huy vai trò tiên phong
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá rằng Việt Nam có tầm nhìn xa và trông rộng khi tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN lần đầu tiên. Việc tổ chức Diễn đàn tập trung vào tương lai của ASEAN rất là phù hợp với những gì ASEAN hiện đang theo đuổi trong việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Tổng Thư ký ASEAN đánh giá, với vị thế của Việt Nam là thành viên chủ chốt của ASEAN về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực. Diễn đàn Tương lai ASEAN cũng có thể phát huy vai trò tiên phong ở nhiều cấp độ như góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiếp tục chính sách hợp tác của ASEAN với các đối tác bên ngoài…
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trong bài phát biểu được ghi hình lại nhận định các nước ASEAN đã xây dựng những nền kinh tế năng động, kiên cường và đầy đa dạng trong gần 6 thập kỷ qua.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng ASEAN đại diện cho tiếng nói mạnh mẽ của hòa bình, đối thoại thẳng thắn, giải trừ vũ khí, và không phổ biến vũ khí trên toàn cầu. Trong đó, Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ giúp khu vực phát triển bền vững và xác định mục tiêu cho quãng đường phía trước.
Đề cập đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9 tới, ông Antonio Guterres khẳng định đây sẽ là cơ hội để thế giới đoàn kết và chia sẻ giải pháp nhằm hình thành tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn. “Các nước ASEAN có vai trò then chốt trong bối cảnh đó, và chúng tôi mong đợi nâng cao quan hệ đối tác với ASEAN lên tầm cao mới”, Tổng Thư ký LHQ bày tỏ.
Tương lai số gắn liền với bảo đảm an ninh toàn diện
Phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên có chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Phát triển nhanh là phát triển số. Phát triển bền vững là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai cuộc chuyển đổi quan trọng nhất trong những thập kỷ tới”.
Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong kỷ nguyên số, khi nói về tương lai của ASEAN, chủ yếu là nói về chuyển đổi số, về một ASEAN số. “Tương lai của ASEAN là tương lai số. Chúng ta cần xây dựng thể chế số mới, hạ tầng số mới và nhân lực số mới”, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, với ba đề xuất được đưa ra gồm xây dựng thể chế số mới, phát triển hạ tầng số và đào tạo nhân lực số.
Tại phiên họp, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Erywan Yusof cho rằng, trước những thách thức và thay đổi lớn, ASEAN cần sẵn sàng và chuẩn bị cho người dân tận dụng những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy nền kinh tế khu vực phát triển có tính cạnh tranh cao hơn, bao trùm hơn.
Tại phiên toàn thể thứ hai có chủ đề “Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho rằng ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy những biến chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác trong khu vực.
Theo bà, điều cần thiết hiện nay là xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, hùng cường và tiếp tục duy trì vai trò trung tâm để ứng phó với các thách thức. Đồng thời, ASEAN cần đoàn kết hơn để khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác, và phát triển, trong đó đối thoại đàm phán, đôi bên cùng thắng được thúc đẩy.
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" là một sáng kiến quan trọng do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 43 vào tháng 9/2023.
Đây là ý tưởng mới của Việt Nam với mong muốn tạo diễn đàn chung cho các nước thành viên ASEAN cũng như các bạn bè đối tác của ASEAN, người dân ASEAN cùng đóng góp vào việc thúc đẩy, định hình con đường phát triển cho tương lai của ASEAN.
Điểm khác biệt lớn nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN so với các diễn đàn khác, đây là diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN.