Nỗ lực trồng rừng được đền đáp
Rừng ngập mặn ven biển tỉnh Ninh Bình, được tạo ra bằng nỗ lực của con người, đã góp phần tạo ra nguồn thủy sinh phong phú, giúp người dân có thêm thu nhập đáng kể
Từ những bãi triều trơ trọi, sau khoảng 20 năm nỗ lực, khu vực ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng sú, vẹt, bần chua...
"Lá chắn xanh" bảo vệ đê điều, làng mạc
Ninh Bình là địa phương có đường bờ biển khá khiêm tốn, chỉ dài khoảng 15 km. Vùng biển này nằm trọn trên địa bàn 4 xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông, Kim Tân của huyện Kim Sơn. Do nằm trong vịnh Bắc Bộ và tiếp giáp với sông Đáy nên vùng biển Ninh Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn… ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, sự phát triển kinh tế biển của địa phương.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, suốt thời gian dài vừa qua, Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước trồng hàng trăm hecta rừng ngập mặn.
Giờ đây, dọc các tuyến đê biển đã và đang được xây dựng, những cánh rừng sú, vẹt, bần chua… phát triển xanh tốt, vươn mình trước biển. Ở Kim Sơn, có nhiều nơi cây đã phát triển cao lớn tới 3 - 5 m, gốc to tạo thành những bộ rễ lớn giữ đất, chống xói lở, xâm thực rất hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Kim Tân, huyện Kim Sơn) cho biết ngày trước cứ tới mùa mưa bão là người dân rất lo lắng. Khi ấy, không có cây cối che chở nên sóng biển cứ xô thẳng vào chân đê, tràn vào đồng ruộng, ao nuôi thủy sản. Bắt đầu từ năm 2004, những cánh rừng ngập mặn đã được trồng, diện tích cứ tăng dần lên theo từng năm và giờ đã hình thành nên "bức tường xanh" bảo vệ đê điều, làng mạc bên trong.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, hiện vùng biển Kim Sơn đã trồng được khoảng 615 ha rừng ngập mặn. Từ đó, giúp phát huy hiệu quả rừng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ các tuyến đê biển; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thu nhập đều đặn dưới tán rừng
Những cánh rừng ngập mặn thành hình không chỉ tạo "bức tường thành" vững chắc trước biển mà còn tạo ra nguồn thủy sinh dồi dào ngay dưới tán rừng. Tôm, cá, cua, cáy… có nơi trú ngụ, sinh sôi nảy nở, từ đó, giúp cho những người dân, đặc biệt là những người không có tàu thuyền đi biển, ngày ngày vào rừng mưu sinh, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Ông Doãn Văn Nên (ngụ xóm 4 Tân Văn, xã Kim Mỹ) cho biết ông được giao trông coi bảo vệ rừng ngập mặn 10 năm nay, với diện tích khoảng 5 ha. Từ việc trông coi này, ông Nên được khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng. "Trước đây chưa có rừng, vợ chồng tôi làm lụng rất vất vả với đủ nghề. Giờ có rừng, tôm, cá, cua, cáy… về trú ngụ nhiều nên việc đánh bắt thuận lợi, đơn giản hơn rất nhiều, giúp vợ chồng tôi có nguồn thu ổn định để trang trải cuộc sống" - ông Nên phấn khởi.
Anh Phan Văn Toàn (SN 1988; ngụ xã Kim Đông) cho biết công việc đánh bắt tôm, cá dưới tán rừng của anh cho thu nhập trung bình khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày, hôm may mắn có thể kiếm được 1 triệu đồng.
Ngoài khai thác nguồn lợi thủy - hải sản dưới tán rừng, khi tới mùa hoa sú, vẹt nở, nghề nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn cũng phát triển, giúp nhiều hộ nuôi ong có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi mùa.
Phát triển du lịch sinh thái
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, phát biểu tại buổi lễ khởi động trồng rừng trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng do Bộ NN-PTNT tổ chức hồi tháng 2-2023 tại Kim Sơn: "Trồng rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn sẽ góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát huy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế biển và cải thiện sinh kế cho người dân đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/no-luc-trong-rung-duoc-den-dap-20230914205303288.htm