Nỗ lực trụ hạng của đội bóng chuyền nam Hà Nội
Kết thúc Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023 vừa qua, đội bóng chuyền nam Hà Nội, được xem là 'nghèo' nhất giải đấu, xếp hạng 7/10. Thành tích ấy giúp đội trụ hạng và đương nhiên khiến người trong cuộc hài lòng dù kỳ vọng thì ai cũng muốn cao hơn thế.
Vẫn cái khó cũ
Ngay trước giải đấu năm nay, các đội bóng chuyền: TP Hồ Chí Minh, Vật liệu xây dựng Bình Dương, Hà Nội được đưa vào nhóm có thể xuống hạng do tiềm lực tài chính eo hẹp so với các đội khác. Cũng phải kể thêm, giải đấu năm nay có tới 2 đội phải xuống hạng ở mỗi nội dung nam, nữ. Đây cũng là một bước đi trong hành trình cơ cấu giải bóng chuyền vô địch quốc gia còn 8 đội tham dự ở mùa giải 2025.
Tính chất giải đấu khốc liệt vậy nhưng vì nhiều lý do cả 3 đội bóng không thể đầu tư lực lượng cầu thủ ngoại để nâng chất lượng đội hình. Riêng với đội bóng chuyền nam Hà Nội (thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), lý do dẫn đến việc này vẫn rất quen thuộc là không có kinh phí từ nguồn xã hội hóa, cả đội vẫn phải trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách được cấp hằng năm và phân bổ cho bộ môn bóng chuyền thuộc Trung tâm. Tổng thu nhập mỗi tháng của mỗi cầu thủ là hơn chục triệu đồng, nếu trừ tiền ăn thì cũng chỉ còn khoảng một nửa. Với chế độ như vậy, đương nhiên cầu thủ Hà Nội thuộc diện “nghèo” so với cầu thủ nhiều đội khác ở cùng giải đấu, trong đó có những đội được đầu tư cả chục tỷ đồng cho lương của Ban huấn luyện, cầu thủ.
Thực sự, việc xếp hạng Ba tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2022 từng được kỳ vọng sẽ là lực hút các nhà tài trợ đồng hành cùng đội. Nhưng đến trước khi dự Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023, đội bóng vẫn không thể tìm được doanh nghiệp đồng hành và vẫn chưa “thoát nghèo” so với mặt bằng chung của giải đấu. Những người có trách nhiệm với đội cũng đã tìm nhiều cách để “hút” các doanh nghiệp nhưng có lẽ “đường đi nước bước” chưa đủ để đạt mục tiêu. Có lúc, Trưởng bộ môn bóng chuyền Hà Nội Bùi Đình Lợi từng bộc lộ rằng chỉ mong có doanh nghiệp tài trợ vài trăm triệu đồng để hỗ trợ cầu thủ trong cả năm. Để yên tâm, doanh nghiệp có thể chuyển thẳng tiền đến cầu thủ, không cần qua lãnh đạo đội. Nếu có nguồn này thì việc trụ hạng, thậm chí giành vé vào bán kết, sẽ không đến nỗi quá khó khăn. Mong muốn ấy tưởng đơn giản so với nhiều đội song lại là khó với đội bóng chuyền của Thủ đô, từng có truyền thống lẫy lừng dưới cái tên Bưu điện Hà Nội, với không ít lần vô địch quốc gia hoặc giành ngôi á quân.
Cũng vì khó khăn tài chính nên khi tham dự Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023, đội chỉ có thể trông vào dàn cầu thủ nội trưởng thành từ hệ thống đào tạo của bộ môn bóng chuyền Hà Nội, được xem là lò đào tạo có chất lượng hàng đầu cả nước. Không kể, cho đến lúc dự vòng 2 của giải, 2 cầu thủ của đội vẫn chưa có tên trong quyết định triệu tập tập huấn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do khâu thủ tục tại đơn vị chủ quản. Như thế cũng đồng nghĩa cầu thủ diện này chưa có chế độ ăn, tập, kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nếu họ có “chung chiêng” về tâm lý thì cũng dễ hiểu. Khó khăn như vậy nên lãnh đạo đội chỉ biết động viên tinh thần cầu thủ để họ tiếp tục cống hiến hết mình cho bóng chuyền Thủ đô như đã thể hiện trong nhiều năm qua. Đó cũng là cái may cho người làm bóng chuyền Thủ đô bởi thực tế, nhiều cầu thủ Hà Nội nhận được lời mời từ không ít đội bóng khác với mức đãi ngộ tốt hơn hẳn hiện tại. Nhưng vì cái tình với những người thầy đã dìu dắt, vì danh dự bóng chuyền Thủ đô nên họ vẫn gắn bó. Không ngẫu nhiên khi nhiều người đánh giá cao về chuyên môn, quyết tâm, ý thức cống hiến cho bóng chuyền Thủ đô của dàn cầu thủ bóng chuyền nam Hà Nội.
Mong muốn tìm được nhà tài trợ
Thực tế tại giải đấu năm nay đã cho thấy đội bóng chuyền Thủ đô biết vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu trụ hạng. Việc xếp hạng 7 chung cuộc và trụ hạng ở mùa giải năm nay được xem là thành công nếu nhìn vào sự đầu tư mà đội bóng nhận được. Thậm chí, người trong cuộc cũng có chút tiếc nuối khi không vào được bán kết. Trước đó, ở trận cuối vòng đấu bảng của giai đoạn 2 với Vật liệu xây dựng Bình Dương, cầu thủ trụ cột Vũ Ngọc Hoàng bị chấn thương dẫn đến phải phẫu thuật và sớm chia tay giải đấu. Trưởng đoàn bóng chuyền nam Hà Nội Bùi Đình Lợi nhấn mạnh, kể cả khi không có cầu thủ ngoại nhưng với dàn cầu thủ nội đã chứng tỏ được khả năng, Hà Nội vẫn có cơ hội vào đến bán kết. Nhưng chấn thương của Vũ Ngọc Hoàng thực sự ảnh hưởng rất lớn đến hành trình tranh hạng của đội.
Tuy vậy, ở một mùa giải có tính cạnh tranh khốc liệt như mùa giải năm nay, việc không bị xuống hạng đã là quá tốt với đội bóng như Hà Nội. Đối với nhiều đội khác được đầu tư mạnh tay, xếp hạng 7 chẳng là gì nhưng với đội bóng có tiềm lực tài chính hạn chế như Hà Nội, đó lại là thành công. Tất nhiên, để có thể tiếp tục góp mặt ở sân chơi cao nhất của hệ thống thi đấu quốc gia những năm tới lại là câu chuyện khác.
Ngay lúc này, những người có trách nhiệm với đội lại đang “đau đầu” với bài toán trụ hạng ở mùa giải năm 2024, khi cũng có 2 đội bóng phải xuống hạng ở giải nam để hoàn thành lộ trình còn 8 đội dự mùa giải 2025. Khả năng phải trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách, không có nhà tài trợ như mùa giải 2023 đang là lớn hơn cả. Không kể, chuyện thực hiện chế độ chính sách với cầu thủ kịp thời hay không cũng là điều khó nói trước nếu nhìn vào những gì đã diễn ra từ đầu năm 2023 đến nay với đội. Tất nhiên, họ vẫn nỗ lực tìm nhà tài trợ cho đội trong mùa giải tới và chắc sẽ lại làm theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”. Miễn là thêm thắt được chút chế độ cho cầu thủ để họ thêm động lực thi đấu, để bớt tiếng “nghèo”.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/no-luc-tru-hang-cua-doi-bong-chuyen-nam-ha-noi-i714679/