Nỗ lực từ sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm nỗ lực triển khai xây dựng nông thôn mới, bằng tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân, diện mạo nông thôn huyện Đông Anh đã có nhiều khởi sắc. Đời sống người dân tiếp tục ổn định, các tiêu chí nông thôn mới ngày càng được nâng cao chất lượng. Qua đó, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh phấn đấu xây dựng huyện trở thành vùng quê đáng sống của Thủ đô.

Được công nhận là huyện hoàn thành nông thôn mới năm 2016, có được thành quả đó là nhờ sự đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Phát huy truyền thống anh hùng, quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, hộ gia đình, cá nhân hy sinh lợi ích riêng để hiến đất mở đường, đóng góp tiền của để xây dựng công trình công cộng như trạm xá, nhà văn hóa... nhiều cán bộ ở cơ sở trong quá trình chỉ đạo, thực hiện bị dèm pha, dị nghị vẫn cùng người dân kiên trì, bền bỉ, tổ chức họp đi, họp lại hàng chục lần nhằm được sự thống nhất, đồng thuận nhất, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện...

Đông Anh hoàn thành nông thôn mới nhờ phát huy sức mạnh toàn dân

Đông Anh hoàn thành nông thôn mới nhờ phát huy sức mạnh toàn dân

Kết qua, sau 10 năm huyện đã huy động được 7.523 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó có hơn 344 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa. Nhiều công trình mới đã được tu bổ, xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, nổi bật như: Đình làng Lê Xá; trạm y tế xã Mai Lâm với kinh phí hàng tỷ đồng do gia đình ông Hoàng Việt Hùng đóng góp; một số đường dây điện trong thôn cũng được hạ ngầm với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện phong trào “sáng - xanh - sạch - đẹp”, các thôn đã vận động người dân đóng góp kinh phí và ngày công để cải tạo, nâng cấp các ngõ, xóm, các di tích lịch sử văn hóa với tổng số tiền trên 800 triệu đồng.

Hòa chung không khí xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện, người dân xã Mai Lâm cũng tập trung nâng cấp thêm cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa. Trưởng thôn Thái Bình (xã Mai Lâm) Đỗ Trí Dũng chia sẻ, việc tăng cường thêm các thiết chế văn hóa cộng đồng đã giúp đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Ngoài ngôi đình mới được xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, hiện thôn có 3 sân thể thao cộng đồng, một nhà văn hóa có diện tích 300m2.

Còn tại xã Nam Hồng, từ năm 2010, được sự chấp thuận của huyện, xã đã quy hoạch 7 điểm đất xen kẹt trong khu dân cư với diện tích hơn 5.800m2 để đấu giá quyền sử dụng, thu về gần 120 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, xã đã đầu tư hàng chục công trình để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới như: Bê tông hóa đường ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng hạ tầng khu chuyển đổi trồng rau sạch…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, bên cạnh những đóng góp tự nguyện của nhiều người dân trong xây dựng nông thôn mới, từ nguồn xã hội hóa của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện đã đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng, phát triển sản xuất. Đến nay, hệ thống chiếu sáng, đường giao thông nông thôn trên toàn huyện cơ bản đáp ứng được đời sống người dân, hệ thống thủy lợi được quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh bảo đảm tưới tiêu cho 100% đất canh tác…

Qua đó, giúp diện mạo đô thị và nông thôn của huyện ngày càng đổi mới, khang trang; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15%. Dự kiến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 50 triệu đồng/người/năm.

T.M

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-tu-suc-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-99157.html