Nỗ lực tuyên truyền để tránh rơi vào 'cạm bẫy' lừa đảo trên không gian mạng
Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều biện pháp khác nhau, tuy nhiên số nạn nhân mắc bẫy vẫn ngày càng gia tăng.
Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, nhắn tin quảng cáo các nội dung “đen” tại một số tỉnh, thành phố, với mục đích lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng của người dân hoặc quảng cáo các nội dung “đen” như mại dâm, cờ bạc...
Các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động. Trong đó, Bộ TT&TT phát hiện và phối hợp Bộ Công an bắt 11 vụ, Bộ Công an mở rộng điều tra bắt 4 vụ. Ngoài ra Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam giảm 4,2% so với 6 tháng đầu năm 2022 (6.641 cuộc).
Cục An toàn thông tin cũng đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện, xử lý các trang web lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật (559 trang lừa đảo trực tuyến). Bảo vệ hơn 2,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Gửi 430 cảnh báo và hướng dẫn khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin. Giám sát, phân tích thông tin nổi bật trên không gian mạng.
Ở nhiều địa phương, Sở TT&TT các tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở đã hoạt động với cường độ rất cao, huy động tối đa các phương tiện hiện có truyền tải những thông tin cần thiết nhất về phòng ngừa các vụ việc lừa đảo trên mạng xã hội, mạng viễn thông đến người dân, đặc biệt là một số tỉnh vùng sâu, vùng xa nơi tiếp cận thông tin còn hạn chế.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại. Một thủ đoạn được các đối tượng hay sử dụng là lừa “đặt đơn hàng, kiếm tiền online”, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là đưa các tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Khi bị hại liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”.
Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20%. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên bị hại sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin. Đến khi số tiền đặt các đơn hàng của bị hại ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở các chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Ngoài ra hình thức lừa đảo trực tuyến này, còn lừa đảo qua hình thức học làm giàu theo chuyên gia mạng; lừa đảo cúng giải hạn online; lừa đảo từ thiện qua mạng xã hội; mạo danh các tổng đài nhà mạng; nhân viên ngân hàng; các chiêu trò mạo danh chương trình cơ quan báo chí, đài truyền hình để lừa đảo…
Tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến
Trong những tháng gần đây, bẫy lừa đảo tiếp tục rộ lên với chiêu thức tải app "Tổng cục thuế" trên link lạ về điện thoại, sau đó điện thoại tắt đột ngột, khi mở được, vào tài khoản ngân hàng thì phát hiện toàn bộ tiền đã bay biến.
Chị Khánh Thư, một chủ hộ kinh doanh tại Hà Nội cho biết, sau khi vừa đi nộp thuế về, chị nhận được cuộc điện thoại, người này tự xưng làm cán bộ thuế quận, đề nghị chị tải app để tiện việc khai báo nộp thuế. Do không tiện đến tận nơi nên đề nghị được hướng dẫn online. Chị được hướng dẫn vào một đường link lạ để tải app về. Sau đó máy điện thoại bị tắt, một ngày sau chị vào app của ngân hàng để chuyển tiền thì toàn bộ tiền trong tài khoản đã biến mất. Ngân hàng xác định tiền chuyển đi từ chính điện thoại của chị.
Tương tự, một nạn nhân tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng mất 100 triệu trong tài khoản sau khi cài app "Tổng cục thuế" qua một đường link lạ, cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận vụ việc và cho biết đã nhận được nhiều trình báo tương tự.
Tại buổi họp báo của Bộ TT&TT cuối tháng 7 vừa qua, ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, xu hướng dịch chuyển của các nhóm lừa đảo trực tuyến, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp được thể hiện khá rõ trong năm nay.
“Khi công nghệ phát triển, phổ cập smartphone nhiều, hiện nay trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đều đã có smartphone. Thế nhưng, khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của các nhóm đối tượng này còn khá thấp. Vì thế, các nhóm lừa đảo đã tập trung mạnh vào những đối tượng này”, ông Trần Quang Hưng phân tích.
Mặt khác, Cục An toàn thông tin cũng nhận thấy, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không còn chỉ giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung tại các cơ sở ở các nước.
Lãnh đạo Cục An toàn thông tin cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số một cách bền vững.
Được biết, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ phát động tiếp tục thực hiện chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện các hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.