Nỗ lực về Ukraine của Pháp, Đức khiến châu Âu 'bối rối'
Những nỗ lực của Pháp và Đức nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine có nguy cơ gia tăng căng thẳng trong nội bộ Liên minh châu Âu về cách giải quyết mối quan hệ với Nga và tình cảnh này có thể làm phức tạp các nỗ lực hòa bình.
Tiến trình đàm phán giữa các đặc phái viên Nga và Ukraine đã làm tăng hy vọng triệu tập hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên trong ba năm qua về việc chấm dứt cuộc chiến giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng chính phủ Ukraine.
Nhưng một số quốc gia EU, trong khi hoan nghênh một hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga, lo lắng và nói rằng EU có thể dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với Moscow – bị áp đặt kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Sự chia rẽ trong EU về quan hệ với Moscow đã gia tăng sau khi có thêm nhiều đề nghị, dẫn đầu là Paris, về việc thương thảo với Điện Kremlin trong những tháng gần đây.
Những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến nhiều chính phủ ở các nước EU- từng thân cận với Liên Xô- thất vọng. Lo ngại về sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga, họ phản đối mọi động thái đẩy châu Âu ra xa khỏi các hành động cứng rắn với Nga.
"Chúng ta có nên thưởng cho Nga vì họ đã không làm bất cứ điều gì kỳ lạ trong vài tháng qua không?", một nhà ngoại giao EU đặt ra câu hỏi.
Trong các cuộc họp của EU, các bức thư và những bài phát biểu, sự chia rẽ về Nga đã từng nằm trong tầm kiểm soát đang tái xuất hiện, các nhà ngoại giao cho hay.
Căng thẳng có thể khiến EU gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nhất trí về các biện pháp trừng phạt mới nếu Nga tăng cường điều thường được các nhà lãnh đạo phương Tây miêu tả là những nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm làm suy yếu các thể chế phương Tây.
Sự căng thẳng cũng có thể chia rẽ khối này - với một nhóm các đồng minh do Pháp lãnh đạo tương đối thân thiện với Nga, trong đó có Ý và một bên là các nước Baltic, Ba Lan và Romania. Tình cảnh này có thể làm suy yếu quyết tâm của các chính phủ được phương Tây ủng hộ về việc ủng hộ Ukraine, các nhà ngoại giao cho biết.
Các nhà ngoại giao EU vẫn hy vọng các nhà lãnh đạo khối này sẽ gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga trong sáu tháng nữa tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ vào tháng 12 tới.
Nhưng trong khi ông Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nói rằng không thể nới lỏng trừng phạt cho đến khi Nga thực hiện thỏa thuận hòa bình về Ukraine - đã được các bên nhất trí vào năm 2014-2015, họ đều coi các biện pháp trừng phạt là một rào cản cho việc cải thiện quan hệ với Moscow.
Loạt động thái từ Pháp
Các biện pháp trừng phạt, được áp đặt với Moscow sau 2014, đòi hỏi tất cả các chính phủ EU phải đồng ý. Bất kỳ sự cọ sát nào cũng có thể cho phép chỉ một quốc gia, có thể là đồng minh của Moscow, như Hungary, kết thúc chúng.
"Đã đến lúc chính phủ Đức gây sức ép lên EU để dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt, nhà lập pháp Đức Peter Ramsauer nói với Reuters.
Các nước Baltic, từng là một phần của Liên Xô, lo sợ một cái bẫy của Nga trong việc ngăn chặn mong muốn gia nhập NATO và EU của Ukraine. Kiev với 42 triệu dân có biên giới với cả Nga và các nước trong EU và NATO.
Khi Đức cởi mở trong việc để Pháp đóng vai trò tích cực hơn đối với Nga, ông Macron bất ngờ khởi động lại một nỗ lực cải thiện mối quan hệ tốt hơn với Nga vào tháng Bảy.
Cử các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của mình tới Moscow vào tháng 9 và chấm dứt 4 năm đóng băng các chuyến thăm ngoại giao cấp cao như vậy, ông Macron đang tìm cách đưa Moscow trở lại thế giới của các quốc gia công nghiệp hàng đầu.
Ông Macron, người đã nói vào tháng 8 rằng xa lánh Nga là một sai lầm chiến lược sâu sắc và ông muốn Moscow giúp đỡ để giải quyết các cuộc khủng hoảng khó khăn nhất thế giới, từ Syria đến Triều Tiên.
"Địa lí, lịch sử và văn hóa Nga là cần cho châu Âu" ông Macron phát biểu hôm thứ 3 vừa qua.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã nói với các nhà ngoại giao EU vào tháng trước rằng mặc dù Nga là mối đe dọa về an ninh, nhưng họ "vẫn là hàng xóm và chúng ta phải giải quyết thực tế này".
Trong một bức thư gửi các nhà ngoại giao EU vào tháng trước, đại sứ EU tại Moscow cũng kêu gọi một cách tiếp cận thực tế đối với Nga.
"Bối rối" về cách tiếp cận
Các nhà ngoại giao EU từ các quốc gia phía đông, Baltic và Bắc Âu cho biết họ bối rối trước cách tiếp cận của ông Macron và họ đặt câu hỏi về những sự thay đổi của Nga có xứng đáng với sự phục hưng trong quan hệ.
Nga và Ukraine đã trao đổi tù nhân vào tháng 9 – điều được coi là dấu hiệu đầu tiên của sự cải thiện trong quan hệ. Nhưng cuộc xung đột miền đông Ukraine đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng kể từ tháng 4/2014.
NATO cũng cáo buộc Nga cố gắng gây bất ổn cho phương Tây bằng vũ khí hạt nhân mới, rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí, tấn công mạng và nhiều hành động bí mật.
Năm ngoái, các chính phủ phương Tây, bao gồm Pháp đã trục xuất một số lượng lớn các nhà ngoại giao Nga sau khi một cựu điệp viên Nga ở Anh bị tấn công bằng chất độc thần kinh – điều các nhà lãnh đạo EU cho rằng là do Moscow. Điện Kremlin bác bỏ mọi sự liên quan.
Đề nghị hiện tại của ông Macron đối với ông Putin hiện dựa trên việc xây dựng đối thoại có cấu trúc tập trung vào năm điểm: chia sẻ về chuyên môn và tình báo; có một cơ chế để xoa dịu căng thẳng EU-Nga; vấn đề kiểm soát vũ khí ở châu Âu; các giá trị châu Âu và làm việc cùng nhau về các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Còn chiến lược năm điểm riêng của Liên minh Châu Âu để đối phó với Nga liên quan đến điều gọi là cam kết có chọn lọc. Nhiều nhà ngoại giao EU cho rằng cách tốt nhất là tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong các vấn đề như biến đổi khí hậu để có thể xây dựng lại niềm tin.