Nỗ lực 'vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn'

Tối mai (12-5), Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) chính thức được tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Vượt qua mọi khó khăn, nước chủ nhà Việt Nam đã nỗ lực hết mình trong công tác tổ chức và chuyên môn, sẵn sàng đón chào hàng vạn quan chức, cán bộ, chuyên gia, trọng tài, phóng viên quốc tế, huấn luyện viên, vận động viên 11 đoàn thể thao các quốc gia trong khu vực về dự đại hội, thực hiện tốt thông điệp 'Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn'.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 Nguyễn Văn Hùng gặp gỡ, trao đổi cùng các phóng viên quốc tế tại Trung tâm Báo chí - Truyền hình SEA Games 31.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 Nguyễn Văn Hùng gặp gỡ, trao đổi cùng các phóng viên quốc tế tại Trung tâm Báo chí - Truyền hình SEA Games 31.

“Thưởng thức” những ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á

Chương trình thi đấu của SEA Games 31 gồm 523 nội dung của 40 môn thể thao là điền kinh, thể dục, bắn súng, taekwondo, xe đạp, bắn cung, đấu kiếm, judo, wushu, pencak silat, vật, boxing, karate, vovinam, khiêu vũ thể thao, kurash, muay, kickboxing, triathlon và duathlon; jujitsu; thể thao dưới nước, lặn, cử tạ, rowing, đua thuyền canoeing/kayak, bóng đá, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, cầu mây, thể hình, billiards, bi sắt, cờ vua, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, golf, bowling, thể thao điện tử.

Diễn ra tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 12-5 đến hết ngày 23-5 (một số môn như nhảy cầu, bóng ném bãi biển, kurash, pencak silat, bóng đá nam, nữ… thi đấu sớm hơn), SEA Games 31 chắc chắn tạo nên những ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp những “bữa tiệc” thể thao đặc sắc và hấp dẫn cho các khán giả.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games (lần thứ nhất Việt Nam đăng cai là kỳ SEA Games 22 năm 2003). Ở lần đăng cai đầu tiên, SEA Games 22-2003 đã tạo “cú hích lịch sử”, giúp thể thao Việt Nam vươn lên giành ngôi vị Nhất toàn đoàn đại hội và duy trì vị thế trong nhóm các quốc gia dẫn đầu khu vực liên tiếp các kỳ SEA Games tiếp sau đó suốt 19 năm qua.

Thông qua công tác đăng cai, hàng loạt công trình thể thao của Trung ương và Hà Nội quản lý đã được đầu tư xây dựng mới (Sân vận động quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa…), tạo đà về cơ sở vật chất phát triển thể thao lâu dài. Thực tiễn tổ chức, trình độ quản lý, vận hành các công trình thể thao, chất lượng điều hành công tác thi đấu của đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên… được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, Thể thao Việt Nam ngày càng có những bước tiến ấn tượng.

Có thể nói, việc đăng cai thành công SEA Games 22-2003 đã tạo đà giúp thể thao Việt Nam vững bước phát triển, từng bước chinh phục các đấu trường cao hơn, nhiều lần giành Huy chương vàng Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), và đặc biệt là tấm Huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic năm 2016 - đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.

Lần thứ 2 đăng cai SEA Games của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nước chủ nhà buộc phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ năm 2021 sang tháng 5-2022. Nhưng điều đáng mừng là các đoàn thể thao các quốc gia trong khu vực đều đặc biệt chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam khi phải tổ chức đại hội trong bối cảnh đại dịch vừa mới dần được kiểm soát, đẩy lùi.

Không phải ngẫu nhiên tại buổi thăm, kiểm tra Trung tâm báo chí, Trung tâm truyền hình, Trung tâm điều hành của đại hội sáng 11-5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 Nguyễn Văn Hùng đã nhận được những phản hồi trực tiếp rất tích cực từ các phóng viên quốc tế.

Phóng viên người Malaysia Elmi Rizal Elias cho biết, anh đã đến Việt Nam từ ngày 3-5 và rất ấn tượng với sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nơi đây, việc tác nghiệp tại Trung tâm báo chí khá thuận lợi, mạng tốc độ cao phục vụ tốt cho việc tác nghiệp của các phóng viên.

Còn phóng viên Ahmad Nazrin Syahmi Mohamad Arif cho biết, tuy thẻ của anh có bị nhận muộn một chút nhưng việc tác nghiệp tại Trung tâm báo chí khá thuận lợi. Tất cả đều tin tưởng sẽ có những dấu ấn tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và có những trải nghiệm đáng nhớ trong những ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam.

Hà Nội nỗ lực hết mình cho thành công của đại hội

Với vai trò là địa phương đăng cai chính, Hà Nội là nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu của SEA Games 31. Xác định công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thống nhất, đồng bộ trong công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 trên địa bàn thành phố.

Trong đó, về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ tổ chức SEA Games 31, Hà Nội tổ chức 18 môn thi đấu tại 16 địa điểm, trong đó có 12 địa điểm tại quận, huyện và 3 địa điểm do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, 1 địa điểm do doanh nghiệp quản lý. Các đơn vị, sở, ngành và UBND các quận, huyện được giao nhiệm vụ phục vụ SEA Games 31 đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình sẵn có của địa phương bảo đảm tiêu chí, quy định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.

Cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng, Hà Nội cũng tập trung đầu tư cho công tác chuẩn bị lực lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu góp 30% tổng số Huy chương vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31.

Nhiệm vụ được quan tâm lúc này là các vận động viên, huấn luyện viên phải giữ gìn sức khỏe, nhất là phòng, chống dịch Covid-19 thật tốt, tập trung với ý chí quyết tâm cao trong tập luyện, huấn luyện, bảo đảm đúng điểm rơi phong độ; phấn đấu đạt thành tích cao nhất, góp phần đưa Đoàn thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường thể thao khu vực.

Về công tác chuẩn bị lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31, bám sát chủ đề của đại hội “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a stronger South East Asia", các cán bộ, chuyên gia, nhà quản lý cùng các lực lượng được huy động đã nỗ lực miệt mài trong điều hành, luyện tập nhằm tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc biệt thực sự ấn tượng, tạo điểm nhấn không quên về kỳ đại hội đặc biệt lần này, khẳng định một Việt Nam thân thiện, một Đông Nam Á đoàn kết, mạnh mẽ và đầy tiềm lực phát triển.

Đến thời điểm này, toàn bộ công tác tổ chức, chuyên môn, hậu cần, an ninh, y tế… đều đã sẵn sàng. Tất cả đã sẵn sàng cho “giờ G” - khi đài đuốc SEA Games 31 được thắp sáng, chính thức đánh dấu những ngày hội thể thao lớn nhất khu vực diễn ra tại Việt Nam.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1031612/no-luc-vi-mot-dong-nam-a-manh-me-hon