Nỗ lực vì sự bình đẳng giới của phụ nữ dân tộc thiểu số

Triển khai Đề án 'Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số' giai đoạn 2018 - 2025 (Đề án) theo Quyết định số 1898 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 912 của UBND tỉnh Gia Lai về thực hiện Đề án, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua những rào cản, tự tin phát triển bản thân.

Ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ái Vân

Ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ái Vân

Vợ chồng anh Đinh Suây và chị Đinh Thị Cuôi, xã Đak Plinh, huyện Kông Chro được dân làng quý mến bởi sự đồng sức, đồng lòng cùng chăm lo cho tổ ấm, cũng như phát triển kinh tế gia đình. Điều đáng khâm phục ở anh là, từ một hộ nghèo của xã, nhờ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất để phát triển kinh tế, năm 2022, gia đình anh chị đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá trong xã. Hiện nay, với hơn 10ha keo lai, hơn 4ha mì lúa, chăn nuôi hàng chục con bò, 3 năm nay, vợ chồng anh chị đã có nguồn thu hơn 500 triệu đồng/năm. Để kinh tế gia đình ngày càng yên ấm, sung túc, ngoài việc chịu khó làm ăn, anh chị còn cùng nhau chia sẻ công việc gia đình, nuôi dạy con cái, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Anh Đinh Suây cho biết: "Có việc gì trong gia đình, tôi cũng mang ra bàn bạc với vợ, hỏi ý kiến của vợ, hai vợ chồng cùng thống nhất. Trong gia đình, tôi cũng hay giúp đỡ vợ, chia sẻ việc nhà cùng vợ, chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái".

Xác định thực hiện Quyết định số 1898 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 912 của UBND tỉnh về hỗ trợ Dự án bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo sở, ngành, các đơn vị ở địa phương, các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số được phát huy quyền năng và vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho hơn 600 cán bộ thôn, làng, người có uy tín trong cộng đồng, chi hội trưởng phụ nữ, hội viên phụ nữ; tập huấn kỹ năng điều hành Tổ truyền thông cộng đồng; tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ em, vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế.

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chung tay phòng chống bạo lực gia đình, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò của hội, kiên trì, sáng tạo, linh hoạt trong công tác vận động, tuyên truyền. Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, Hội còn vận dụng linh hoạt chế độ mẫu hệ, thuyết phục hội viên phụ nữ, người chủ trong gia đình tham gia vào cuộc vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, khéo léo. Lồng ghép với việc thành lập các mô hình thiết thực, ý nghĩa như: “Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi”, do vậy, nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số đã chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, việc thành lập các “Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi” của các trường ở vùng khó, đông học sinh người dân tộc thiểu số đã thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những ngôi nhà là địa chỉ tin cậy, an toàn tại cộng đồng, giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Ảnh: Ái Vân

Những ngôi nhà là địa chỉ tin cậy, an toàn tại cộng đồng, giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Ảnh: Ái Vân

Năm 2023, cả tỉnh xảy ra 44 vụ bạo lực gia đình, so với năm 2022, giảm 79 vụ. Kết quả trên cho thấy những hiệu ứng tích cực trong quá trình thực hiện Đề án. Để ngăn chặn và hỗ trợ kịp thời các nạn nhân không may bị bạo lực gia đình, tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập được hơn 1.220 địa chỉ tin cậy, an toàn tại cộng đồng, giúp đỡ kịp thời cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình.

Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số là đối tượng dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới, nhiều nơi, nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, định kiến giới, tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn còn trong một bộ phận nhân dân, chị em ngại lên tiếng khi bị bạo lực, một số chị em còn an phận không có chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Phụ nữ dân tộc ít có cơ hội học tập, tham gia vào các hoạt động xã hội, đây là rào cản lớn trong thực hiện bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và sự phấn đấu vươn lên của mỗi người dân, hộ gia đình, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế, quyền năng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bà Rơ Chăm H’Hóng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: "Chúng tôi chủ động triển khai 16 hoạt động, thuộc 4 nhóm nội dung chính của Dự án 8, phấn đấu vượt chỉ tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 đề ra. Đặc biệt, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm; xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng; nhân rộng các mô hình hay; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới; giải quyết những vấn đề cấp thiết cho trẻ em và phụ nữ; đảm bảo tiếng nói thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại cộng đồng. Cùng với đó, giám sát phản biện, nâng cao năng lực cho phụ nữ, trang bị về kiến thức bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn".

Thời gian tới, Gia Lai phấn đấu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 100% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản làng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực; 100% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 100% các trường dân tộc bán trú và nội trú được tuyên truyền về kỹ năng sống, giới và bình đẳng giới phù hợp với lứa tuổi; xây dựng ít nhất 20 mô hình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã đặc biệt khó khăn hoặc xã biên giới. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-vi-su-binh-dang-gioi-cua-phu-nu-dan-toc-thieu-so-post480622.html