Nỗ lực vì sự phát triển lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực và trên thế giới
Cuộc họp trực tuyến của Ban Điều hành Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 58 do Kiểm toán Nhà nước Pakistan đăng cai tổ chức đã thành công tốt đẹp. Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung đã trao đổi với TTXVN về sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với vai trò là thành viên Ban Điều hành ASOSAI.
Xin Phó Tổng Kiểm toán đánh giá về thành công của cuộc họp và chia sẻ về những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong các hoạt động của Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024?
Cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI 58 mới đây đã được tổ chức thành công; mang đến cơ hội thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững, hướng tới cải tiến hoạt động của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI), góp phần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính công tại chính phủ mỗi nước.
Tại cuộc họp, các Cơ quan Kiểm toán tối cao thống nhất rằng, trong thế giới ngày càng năng động và kết nối, các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên cần trở nên chuyên nghiệp, toàn diện và có khả năng phục hồi để mang lại giá trị và lợi ích cho chính phủ và công dân mỗi nước. Phát triển chuyên môn và năng lực của các Cơ quan Kiểm toán tối cao là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu này.
Cuộc họp đã chia sẻ, thông qua các báo cáo quan trọng nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xác định các thách thức và đề ra các giải pháp hợp tác ở cấp khu vực cho các thành viên tham gia như: Báo cáo về kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027; Báo cáo của Nhóm công tác kiểm toán môi trường ASOSAI (WGEA); Báo cáo của Nhóm công tác kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững ASOSAI (SDG); Báo cáo của Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI (CMA); Báo cáo của Ủy ban đặc biệt nghiên cứu tính khả thi thành lập Nhóm công tác mới về kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước của ASOSAI (SOE); Báo cáo về Quỹ hỗ trợ các SAI thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Ngoài các báo cáo trình bày, cuộc họp cũng cung cấp một số báo cáo quan trọng dưới dạng tài liệu như các Báo cáo của Nhóm công tác các mục tiêu phát triển bền vững và các chỉ số phát triển bền vững then chốt, Nhóm công tác kiểm toán công nghệ thông tin, Nhóm công tác Dữ liệu lớn, Ủy ban giám sát với các vấn đề mới nổi của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI)...
Sau khi kết thúc cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 tại Đại hội ASOSAI 15 (tháng 9/2021), Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của ASOSAI trong vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 và thành viên các Nhóm công tác: Tham gia xây dựng Kế hoạch hoạt động và tham dự cuộc họp khởi động của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng tháng 4/2022; Tham gia cuộc họp Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán phát triển bền vững (SDGs) tháng 5/2022; Cuộc họp Nhóm nòng cốt về sửa đổi Điều lệ ASOSAI tháng 5/2022; Cuộc họp Ủy ban tăng cường phát triển năng lực ASOSAI tháng 5/2022. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia tích cực với vai trò là thành viên Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 13 về “Kiểm toán từ xa cho SAI: Tương lai và thách thức”; Nhóm nòng cốt sửa đổi quy định và điều lệ ASOSAI.
Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027 đã đưa ra các mục tiêu liên quan đến phát triển năng lực đổi mới và ứng phó các vấn đề mới nổi, cũng như các mục tiêu phát triển bền vững. Những nội dung này được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện như thế nào thông qua Kế hoạch kiểm toán năm 2022?
Một trong những quan điểm quan trọng được xác định trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2030 là phát triển Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; là thành viên có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực và trên thế giới.
Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm nói chung và kế hoạch kiểm toán năm 2022 nói riêng, Kiểm toán Nhà nước luôn căn cứ vào các mục tiêu, định hướng của Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2030. Vì vậy, chúng tôi luôn tham chiếu tới các kế hoạch chiến lược, các mục tiêu của các tổ chức hợp tác quốc tế, đặc biệt là ASOSAI.
Để ứng phó với vấn đề đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam định hướng tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 không tăng so với năm 2021, các hoạt động kiểm toán cũng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là các cơ quan y tế, quốc phòng và an ninh.
Một trong những lĩnh vực quan trọng trong Kế hoạch kiểm toán năm 2022 là kiểm toán chuyên đề. Kiểm toán Nhà nước lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.
Trọng tâm là hai cuộc kiểm toán chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ" và "Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn, tổng công ty, tỉnh, thành phố".
Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội… theo đúng các quy trình, chuẩn mực đã được ban hành phù hợp với các quy định và chuẩn mực kiểm toán quốc tế.
Được biết, Kiểm toán nhà nước Việt nam đã tham gia Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán phát triển bền vững (SDGs) và Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng (WGCMA). Xin Phó Tổng Kiểm toán cho biết vai trò, nhiệm vụ và những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện những nội dung này với tư cách thành viên Ban Điều hành ASOSAI?
Nhóm công tác ASOSAI về SDGs được thành lập theo sáng kiến của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, nhằm theo đuổi mục tiêu hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững theo tinh thần Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tại cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 54 năm 2019, Báo cáo nghiên cứu của Kiểm toán Nhà nước Kuwait về đề xuất thành lập Nhóm công tác ASOSAI về thúc đẩy SDGs đã chính thức được thông qua. Tiếp đó, tại cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 55 năm 2020, trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về kiểm toán phát triển bền vững do SAI Kuwait chủ trì và sự tham gia của 6 Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên, trong đó có Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Ban Điều hành ASOSAI đã thảo luận và nhất trí thông qua việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về Kiểm toán phát triển bền vững.
Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15 tổ chức vào tháng 9/2021, Nhóm công tác kiểm toán phát triển bền vững chính thức thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia của 11 thành viên gồm: Nga, Trung Quốc, Azerbaijan, Việt Nam, Thái Lan, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ và Philippines. Cuối tháng 5/2022, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tham dự cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm công tác SDGs do Kiểm toán Nhà nước Kuwait chủ trì với sự tham dự của Ban Thư ký ASOSAI và 11 thành viên của nhóm công tác. Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã thảo luận về các hoạt động phát triển năng lực; báo cáo kiểm toán hoạt động hợp tác/phối hợp; tăng cường chia sẻ kiến thức về các mục tiêu phát triển bền vững; các báo cáo theo dõi của ASOSAI...
Dựa trên những ý kiến của các thành viên tham gia về Kế hoạch hoạt động tiềm năng đã được gửi lấy ý kiến và nhận xét trước đó, các SAI thành viên đã đồng ý thực hiện một số thay đổi đối với các hoạt động nêu trên để cải thiện Kế hoạch và đảm bảo gia tăng giá trị cho tất cả những thành viên tham gia trong mỗi dự án/hoạt động.
Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng (WGCMA) được thành lập theo sáng kiến của Ủy ban Kiểm toán Hàn Quốc (BAI) tại cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 55 được tổ chức vào cuối tháng 7/2020, nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cũng như hợp tác với các thành viên ASOSAI, tìm kiếm vai trò của các SAI trong việc ngăn ngừa và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng, ứng phó và phục hồi hiệu quả sau các cuộc khủng hoảng ở cấp khu vực và quốc tế.
Từ cuối năm 2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam bắt đầu tham gia nhóm WGCMA cùng với 20 thành viên khác là Australia, Azerbaijan, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Nga, Thái Lan và Hàn Quốc.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tham gia xây dựng Kế hoạch hoạt động và tham dự cuộc họp làm việc đầu tiên của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Tại cuộc họp này, các thành viên đã thông qua Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng.
Trong đó, xác định mục tiêu chiến lược của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng là hỗ trợ ASOSAI trong việc thực hiện và đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI, cũng như ưu tiên số 4 về ứng phó các vấn đề mới nổi và tình hình mới nổi, thông qua chia sẻ kiến thức và hợp tác lẫn nhau giữa các SAI thành viên.
Các thành viên của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng cũng thống nhất lập kế hoạch và triển khai 4 dự án để đạt được các mục tiêu chiến lược của Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng, bao gồm: Tăng cường chia sẻ kiến thức về quản lý khủng hoảng; khuyến khích các thành viên ASOSAI thực hiện các khuôn khổ quốc tế liên quan đến quản lý khủng hoảng; thực hiện kiểm toán hợp tác/song song về quản lý khủng hoảng; hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan đến quản lý khủng hoảng.
Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán!