Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Chị Đinh Thị Hường, một phụ nữ khuyết tật người dân tộc thiểu số ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan gặp rất nhiều khó khăn thiệt thòi. Thế nhưng dù cuộc sống có khắc nghiệt thế nào đi chăng nữa, chị vẫn chọn cho mình một cách sống tử tế và khiêm nhường.

Chị Hường (váy xanh) đã vận động, quyên góp được hàng chục chiếc áo dài gửi tặng chị em phụ nữ khuyết tật.

Chị Hường (váy xanh) đã vận động, quyên góp được hàng chục chiếc áo dài gửi tặng chị em phụ nữ khuyết tật.

Ngay từ khi sinh ra chị Đinh Thị Hường đã bị khuyết tật đôi chân không thể đi lại bình thường. Mỗi khi muốn di chuyển, chị Hường phải có người bế, hoặc tự lết trên sàn. Vì gia đình nghèo nên tuổi thơ của chị chịu nhiều thiệt thòi.

Chị Đinh Thị Hường tâm sự: Bố mẹ thương tôi lắm nhưng đến cơm ăn còn chẳng có thì tiền đâu cho đi phẫu thuật, chữa trị. Thêm nữa, vì là người dân tộc miền núi nên họ cũng không để ý nhiều, coi đó như là lẽ trời, là sinh tồn bắt buộc phải vượt qua. Thấy tôi thích đi học, bố mẹ cũng cho đi. Không nhớ có biết bao lần các bạn cười rồi chỉ trỏ, chế giễu đôi chân mình, cũng không nhớ đã bao lần mình ngồi khóc trong góc lớp và tự dằn vặt bản thân, ước rằng mình không được sinh ra trên đời. Năm vào lớp 10, vì điều kiện nhà xa, đi lại khó khăn nên tôi phải gác lại ước mơ đến trường.

Sau khi nghỉ học, quyết tâm không đầu hàng số phận, chị Đinh Thị Hường đã tìm đủ nghề để kiếm sống. Ban đầu chị đi hát cho các đoàn trẻ em khuyết tật, rồi sau đó chị học may vì nhận thấy công việc này khá phù hợp. Ngày đầu khi tiếp xúc với máy may, đã có lúc chị bật khóc vì loay hoay mãi không thực hiện được thao tác vận hành máy. Chị cho biết: "Người bình thường lên máy đạp rất dễ, nhưng với đôi chân khuyết tật của tôi thì đạp máy may rất khó khăn và đau đớn vô cùng...".

Thế nhưng với bản tính cần cù, siêng năng và tinh thần lạc quan, chị quyết tâm tập luyện ngày đêm; trong đầu luôn có suy nghĩ cố gắng và cố gắng, bằng mọi cách làm được, không bỏ cuộc. Vậy là những sản phẩm đầu tiên được ra đời, nhiều cái áo cái quần được khách khen đẹp, đơn hàng cũng nhiều dần lên khiến chị cảm thấy vui và tự nhủ cố gắng hơn nữa.

"Cảm giác được cầm trên tay những đồng tiền do chính công sức mình làm ra hạnh phúc và vui sướng không gì tả nổi. Tiền công tuy ít nhưng tôi vui vì có thể lao động được, kiếm tiền như những người bình thường" - chị Hường xúc động chia sẻ.

Những năm gần đây, khi đôi chân ngày một yếu đi, chị đăng ký tham gia các lớp khởi nghiệp, kinh doanh cho người khuyết tật. Hiện ngoài công việc bán hàng online chị còn nuôi lợn, bán hàng nước để kiếm thêm thu nhập. Chị cho biết: "Còn sống ngày nào tôi sẽ cố gắng lao động và trau dồi bản thân ngày đó. Nhìn xung quanh còn bao chị em còn khuyết tật nặng hơn mà họ vẫn vui sống, thì cớ gì mình lại buông xuôi, phó mặc cho số phận? Khi buồn hãy hát lên, khi chán hãy đứng dậy, làm việc, kiếm tiền, lan truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Mình đâu phải cái cây nên mình không thể đứng im lìm được".

Không chỉ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Nho Quan, ở chị Hường người ta còn cảm nhận được sự nhiệt tình, lối sống giản dị, chân thành, thiện lương. Dù hoàn cảnh cũng còn muôn vàn khó khăn nhưng chị luôn đau đáu trước những thiệt thòi của chị em khuyết tật khác.

Bà Lưu Thị Khuy, là phụ nữ khuyết tật xã Gia Lâm, huyện Nho Quan xúc động chia sẻ: Năm 2021, chị Hường đứng ra quyên góp, kêu gọi các mạnh thường quân xây sửa công trình phụ cho tôi với tổng số tiền gần 9 triệu đồng và một số mạnh thường quân tài trợ vật liệu xây dựng. Tôi vui và xúc động vô cùng. Bởi gọi là công trình phụ nhưng lại có vai trò quan trọng trong sinh hoạt của phụ nữ khuyết tật. Giờ đây mưa gió bão bùng không còn phải lo lắng nữa, điều mà tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Cảm ơn chị Hường, cảm ơn các mạnh thường quân rất nhiều. Hoàn cảnh chị ấy cũng khó khăn mà lúc nào cũng nghĩ cho mọi người trước tiên".

Năm 2022, chị Hường đã đứng ra quyên góp, may mới hàng chục chiếc áo dài cho chị em phụ nữ là người khuyết tật trong huyện. Chị cho biết: "Chị em phụ nữ khuyết tật phần đa là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc sắm cho mình một bộ áo dài không phải dễ dàng. Hơn nữa chị em bị khiếm khuyết cơ thể nên sau khi quyên góp áo về tôi chỉnh sửa, cắt may cho vừa vặn với từng người. Có một câu nói của một hội viên khi nhận được áo dài mà tôi vẫn nhớ mãi, cô ấy nói: "Hơn 70 tuổi rồi, hôm nay cô mới có bộ áo dài của riêng mình mà không phải đi mượn nữa". Nhìn ánh mắt dâng lên xúc động và cảnh cô nhìn ngắm mình trong bộ áo dài mới, tôi hiểu rằng, niềm vui cho đi là niềm vui còn mãi".

Đó chỉ là hai trong số nhiều hành động đẹp mà chị Hường mang đến cho chị em phụ nữ khuyết tật trong huyện. Với người bình thường thì đó là việc không mấy khó khăn, nhưng với một phụ nữ khuyết tật, đang phải chắt bóp từng đồng bạc lẻ lo cho cuộc sống mưu sinh thì đó là cả sự cố gắng không hề nhỏ.

Ôm cô con gái bé bỏng trong lòng, chị Hường mỉm cười hạnh phúc "Cuộc đời đã ưu ái ban tặng cho tôi một người chồng luôn thương vợ và 2 con đáng yêu, khỏe mạnh. Với tôi, hạnh phúc thế là đủ đầy rồi. Nếu còn làm được gì để chị em phụ nữ khuyết tật thấy vui vẻ, hòa nhập với cuộc sống là tôi sẽ cố gắng hết mình".

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/no-luc-vuon-len-trong-cuoc-song/d20220606154654106.htm