Nỗ lực vượt dốc

Thế giới vừa đi qua một năm đầy biến động và thách thức, khi dịch Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu xuống đáy suy thoái nghiêm trọng. Bước sang năm 2021 cũng là thời điểm nỗ lực tăng tốc nhằm thoát khỏi đại dịch và 'hồi sinh' các nền kinh tế. Bên cạnh khó khăn vẫn có những động lực tích cực, khích lệ cuộc vượt dốc đầy gian nan trên toàn cầu.

Thế giới vừa đi qua một năm đầy biến động và thách thức, khi dịch Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu xuống đáy suy thoái nghiêm trọng. Bước sang năm 2021 cũng là thời điểm nỗ lực tăng tốc nhằm thoát khỏi đại dịch và “hồi sinh” các nền kinh tế. Bên cạnh khó khăn vẫn có những động lực tích cực, khích lệ cuộc vượt dốc đầy gian nan trên toàn cầu.

Niềm khích lệ lớn khi thế giới bước vào năm mới đó là một số loại vắc-xin ngừa Covid-19 có hiệu quả đã được chấp thuận và đưa vào sử dụng, cho phép cuộc sống bình thường dần được khôi phục và cách thức vắc-xin tiếp tục được phát triển và phân phối hợp lý trên toàn cầu sẽ củng cố tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế vượt qua những thách thức chung. Năm 2021 được dự báo là năm của phục hồi kinh tế, với triển vọng kinh tế toàn cầu sớm lấy lại đà tăng trưởng nhờ hy vọng về vắc-xin ngừa Covid-19 cùng các biện pháp kích thích tài chính của nhiều nền kinh tế.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi sự xuất hiện của vắc-xin phần nào giúp nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động kinh tế, thì tác động của cơn địa chấn do Covid-19 vẫn kéo dài trong năm 2021. Thực tế, đại dịch đã gây các tác động tồi tệ với kinh tế thế giới suốt một năm vừa qua, với dự báo suy giảm ở mức 5,2% trong năm 2020. Trong đó, các nền kinh tế kém phát triển chịu ảnh hưởng nặng nhất khi bị đẩy xuống đáy suy thoái, đồng thời những tiến bộ sau cả một thập niên trong cuộc chiến chống đói nghèo bị xóa bỏ.

Nhận định chung của giới chuyên gia là, tiến trình phục hồi kinh tế năm 2021 sẽ diễn ra không đồng đều, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng dẫn đầu xu hướng trên toàn cầu. Không phủ nhận tin tốt về vắc-xin ngừa Covid-19 đem đến “luồng gió hy vọng”, song mức độ ảnh hưởng lại khác nhau, trong đó các quốc gia có mức nợ công thấp, quản lý kinh tế hợp lý và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sẽ tận dụng được tối đa động lực tích cực từ luồng gió mới. Sự khác biệt trong khả năng kiểm soát đại dịch giữa các quốc gia và khu vực sẽ quyết định triển vọng phục hồi kinh tế, trong đó xu hướng tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tích cực hơn so các nền kinh tế phát triển ở phương Tây.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh hiện được kiểm soát khá hiệu quả ở châu Á, song tại các khu vực như châu Âu, Mỹ la-tinh, hay ở Mỹ, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Tại nhiều nước ở châu Á, các hoạt động kinh tế được nối lại, trong khi các quốc gia phát triển phương Tây vẫn vật lộn chống chọi làn sóng bùng phát Covid-19 mới, buộc các chính phủ duy trì phong tỏa hay siết chặt các biện pháp hạn chế, khiến việc mở cửa trở lại nền kinh tế trở thành thách thức lớn.

Các chuyên gia tin rằng, sự phục hồi các nền kinh tế châu Á và các thị trường mới nổi được khởi động trong năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi đó các điều kiện tăng trưởng chưa rõ ràng sẽ làm chậm tiến trình phục hồi của các nước phát triển. Thời gian tới, chất xúc tác quan trọng hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á đó là khả năng phục hồi kinh tế theo chu kỳ, phục hồi thu nhập, việc làm và cả yếu tố đồng USD yếu. Hy vọng về chính sách thương mại ổn định từ chính quyền mới ở Mỹ cũng góp thêm động lực tích cực cho tăng trưởng của các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tiến trình phục hồi kinh tế thế giới nhìn chung diễn ra chậm, sớm nhất phải đến giữa, thậm chí cuối năm 2022 mới đạt mục tiêu, trong khi tình trạng nghèo đói vẫn gia tăng. Vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại, du lịch và kiều hối, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển càng trở nên dễ bị tổn thương hơn do đại dịch, nhất là trong vấn đề nợ công.

Dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu ước đạt từ 4% đến 5% trong năm 2021. Tổng giá trị GDP của thế giới chỉ có thể trở lại mức trước đại dịch sớm nhất vào cuối năm 2021, phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á. Trong khi đó, trước năm 2022, Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch; các khu vực châu Âu và Mỹ la-tinh có thể giảm tỷ trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Với tất cả các nền kinh tế, nhiệm vụ chính trong năm nay là hồi sinh và duy trì các hoạt động kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu được hỗ trợ của người dân tiếp tục tăng cao. Các nền kinh tế châu Á được kỳ vọng đi đầu, tạo động lực tích cực cho nỗ lực vượt dốc nhiều cam go của thế giới.

SƠN NINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/no-luc-vuot-doc-630547/