Nỗ lực vượt khó của một bệnh binh

Trở về đời thường, nhiều thương binh, bệnh binh ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã vượt qua trở ngại về sức khỏe, nỗ lực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình và tích cực đóng góp cho địa phương. Trong đó có ông Trần Văn Khôi (sinh năm 1952), điển hình của một bệnh binh vượt khó làm giàu trên quê hương Tam Bình.

Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, năm 19 tuổi, ông Trần Văn Khôi rời quê hương Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) vào Nam chiến đấu. Những năm tháng ấy, ông Khôi cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ở các chiến trường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Sau năm 1975, ông tiếp tục tham gia lực lượng Quân y tiền phương thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Khôi được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Ông Khôi bên vườn sầu riêng của gia đình.

Ông Khôi bên vườn sầu riêng của gia đình.

Năm 1986, ông Khôi phục viên với tỷ lệ suy giảm sức khỏe 61%, là bệnh binh 2/3. Mang theo ký ức của một thời nhiệt huyết, ông bước vào cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn. “Bén duyên” với quê hương Tam Bình, huyện Cai Lậy, ông cùng vợ chăn nuôi, luân canh lúa, cây màu trên 1 công đất được gia đình cho ra riêng. Với kiến thức từ lớp dược tá ngắn hạn trong thời gian quân ngũ, ông tiếp tục theo học lớp Trung cấp Dược và mở quầy thuốc nhỏ tại chợ Tam Bình. Siêng năng, khéo tích lũy, vài năm sau, vợ chồng ông Khôi mua thêm 0,4 ha đất ruộng để canh tác.

Trở ngại về sức khỏe không làm chùn bước người bệnh binh giàu nghị lực, năm 1991, ông Khôi là một trong những nông dân tiên phong cải tạo đất ruộng chuyên canh sầu riêng ở ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình. Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhạy bén xử lý mùa vụ, ông thu hoạch quả ngọt từ vườn cây ăn trái. Hiện nay, gia đình ông Khôi đã mở rộng diện tích canh tác 1,7 ha, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.

“Lúc đầu mới trở về địa phương, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Canh tác chỉ có 1 công ruộng nhưng năm nào mùa màng cũng thất bát. Có thời điểm, vợ chồng tôi phải đi làm thuê ở tận Gò Công để kiếm thêm thu nhập trang tải chi phí sinh hoạt gia đình. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn động viên cố gắng vượt qua để có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay”, ông Khôi chia sẻ.

Gắn bó nhiều năm với quê hương Tam Bình, điều ông Khôi mong muốn nối gần những khoảng cách xa xôi với trung tâm xã và những địa phương lân cận. Khi tuyến đường ấp Bình Hòa A trước nhà được mở rộng theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Khôi đã hiến hơn 300 m2 đất để công trình thi công đúng tiến độ.

Chủ tịch UBND xã Tam Bình Nguyễn Văn Sang cho biết: “Tại ấp Bình Hòa A, gia đình ông Khôi là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu, bản thân ông là đảng viên gương mẫu, nêu gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ” trong lao động sản xuất và các phong trào do địa phương phát động. Năm 2022, ông Khôi là điển hình của huyện Cai Lậy tham dự Hội nghị tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc”.

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202212/no-luc-vuot-kho-cua-mot-benh-binh-965940/