Nỗ lực xanh hóa các tuyến kênh
Để nâng cao chất lượng sống, mỹ quan đô thị, TP cần có chương trình hành động cụ thể để xanh hóa các tuyến kênh
Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho người dân, giai đoạn 2021-2025, TP HCM sẽ khơi thông, nạo vét kết hợp chỉnh trang đô thị cho hàng loạt tuyến kênh, rạch lớn và nhỏ trên địa bàn. Trong đó, những dự án được hàng triệu người dân mong chờ phải kể đến là dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (đi qua 7 quận, huyện), cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), hồi sinh kênh Hàng Bàng (quận 5, 6)...
Sẽ có nhiều "kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè"
Nghe tin dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên được HĐND TP thông qua, sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Cát (quận 12) không giấu được niềm vui sướng. Gia đình bà Cát 3 đời sống ven bờ kênh, từ lúc dòng kênh còn trong xanh, đầy cá tôm đến khi bị ô nhiễm, bồi lắng bởi đô thị hóa nhanh. Nhìn con kênh gắn liền với tuổi thơ của mình ngày càng "chết dần", lòng bà vô cùng đau xót.
"Nay nghe tin sẽ cải tạo kênh, người dân vui mừng lắm bởi từ khi kênh bị ô nhiễm, vào mùa nắng, chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối từ kênh bốc lên, mùa mưa thì muỗi mòng, chưa kể sau những cơn mưa lớn, nước kênh tràn vào nhà mang theo đầy rác, bùn đất rất ô nhiễm" - bà Cát nói.
Dọc bờ kênh, từ phía quận 12 qua Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân, khi biết dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sắp khởi động, người dân đều bày tỏ vui mừng. Nhiều người mường tượng vài năm nữa thôi, dòng kênh sẽ trong xanh trở lại, chẳng khác nào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đi qua 7 quận, huyện (gồm quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh) sẽ xây dựng kè và đường giao thông dọc hai bên bờ kênh dài 32,7 km; nạo vét toàn tuyến kênh, xây dựng hệ thống cống đầu kênh cấp 2... với tổng vốn 8.200 tỉ đồng, kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đô thị, giao thông, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho hơn 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.
Kế đến, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có chiều dài 6,2 km (quận Gò Vấp, Bình Thạnh) dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Gần 20 năm qua, rạch Xuyên Tâm được xem là một trong những nơi ô nhiễm nặng nề của thành phố bởi tình trạng người dân lấn chiếm làm thu hẹp, bít dòng chảy.
Đứng trên cầu liên phường 2 và 15, quận Bình Thạnh nhìn rạch Xuyên Tâm khi thủy triều xuống, trơ đáy để lộ nhiều rác thải đủ loại, ông Trần Thanh Tuấn (70 tuổi), sống sát mé rạch thuộc phường 2, cho biết mình sống ở đây từ khi mới lọt lòng, thuở nhỏ chứng kiến dòng kênh rất xanh, sạch, người dân lấy nước để sinh hoạt, tưới rau. Nhưng từ khi dân cư đông đúc, con rạch càng ô nhiễm do ý thức kém, mọi người thi nhau vứt rác bừa bãi khiến rạch Xuyên Tâm đổi màu và trở thành con rạch "chết". Khi nghe tin thành phố có kế hoạch hồi sinh con rạch, người dân ở đây rất mừng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư), cho biết dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư 9.352 tỉ đồng. Mục tiêu dự án là cải tạo thoát nước, môi trường cho con rạch kết hợp xây dựng đường giao thông mới dọc hai bên nhằm cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố. Dự án góp phần nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, giao thông, đáp ứng nhu cầu thoát nước cho lưu vực 703 ha.
Bước sang trang mới
Tuy chỉ dài 1,8 km đi qua quận Tân Bình nhưng nhiều năm nay, con kênh Hy Vọng bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng sống hàng trăm hộ dân quanh khu vực. Len lỏi đi qua nhiều con hẻm của đường Cống Lở, Nguyễn Phúc Chu, Phan Huy Ích…, dòng kênh nước đen hôi, nhiều đoạn đầy rác đọng mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Nhiều người dân khi được hỏi đều mong mỏi dòng kênh sớm cải tạo để họ được hít thở không khí trong lành, thoát khỏi cảnh ruồi muỗi, chuột bò vào tận nhà. Dự án cải tạo kênh Hy Vọng với tổng vốn 514 tỉ đồng, dự kiến triển khai trong thời gian tới sau khi HĐND TP thông qua.
Chúng tôi đến khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, nhìn rạch Rỗng Tùng khoác lên chiếc áo mới mà vui mừng lây. Bà Nguyễn Thị Tâm, người dân ở đây, cười nói từ khi rạch Rỗng Tùng được cải tạo đã giúp cuộc sống người dân bước sang trang mới, phấn khởi, tươi vui hơn. Trước đây, án ngữ bên cạnh nhiều nhà dân là một dòng kênh đen, hôi thối, nhiều rác, gây ngập úng. Nay con rạch đã trở thành công viên, cây xanh mát mẻ, hai bờ được kè bê-tông kiên cố, người lớn và trẻ nhỏ tha hồ ra tập thể dục, hít thở không khí trong lành.
Trong nỗ lực cùng chính quyền TP HCM xanh hóa các dòng kênh, hàng loạt công trình nạo vét, chỉnh trang kênh rạch được quận 12 thực hiện liên tục 3 năm nay. Theo UBND quận 12, đến nay, toàn quận đã thực hiện nạo vét, cải tạo, làm đường bê-tông, trồng hoa 17/18 tuyến kênh, rạch; ngoài ra, hơn 30 tuyến kênh khác được nạo vét, khai thông dòng chảy.
Không chỉ quận 12, nhiều địa phương khác của TP HCM cũng tiến hành nạo vét, cải tạo các dòng kênh trước đây vốn là nỗi ám ảnh của người dân về ô nhiễm, ngập úng: cải tạo, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5 km (đi qua các quận 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân); cải tạo rạch Lăng tại quận Bình Thạnh; TP Thủ Đức cải thiện môi trường, khai thông dòng chảy cho tuyến kênh rạch Bầu Hòn... Tính chung đến nay, TP HCM đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét 81,2 km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến; khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài gần 60 km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường...
Cần chương trình hành động cụ thể
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho biết việc xanh hóa đô thị kênh rạch là ước mơ thật sự của nhiều thành phố trên thế giới chứ không riêng gì TP HCM. Kênh rạch ô nhiễm không chỉ gây mất văn minh đô thị mà còn làm giảm chất lượng môi trường sống - nước và khí trời của người dân đô thị.
Do nguồn vốn hạn hẹp của thành phố, nhiều năm nay, việc xanh hóa các tuyến kênh thực hiện khá chậm, chưa kể cách nhìn nhận của các lãnh đạo qua các thời kỳ khác nhau, chưa có chương trình hành động cụ thể để đánh giá hiệu quả trong quá trình thực hiện. Để nâng cao chất lượng sống, mỹ quan đô thị, TP cần có chương trình hành động cụ thể để xanh hóa các tuyến kênh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, không xả rác ra kênh rạch.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/no-luc-xanh-hoa-cac-tuyen-kenh-2021050220593915.htm