Nỗ lực xây dựng lòng tin
Ba nước châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức mới đây đã xuất khẩu thiết bị y tế tới Iran, quốc gia vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đây là giao dịch đầu tiên qua Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), cơ chế được thiết lập nhằm giúp Iran tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong hai năm qua, các lệnh trừng phạt của Mỹ gây thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Iran khoảng 200 tỷ USD. Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành tại Iran, chính sách gây áp lực tối đa của Washington đang cản trở 80 triệu người dân quốc gia Hồi giáo này tiếp cận những thứ vốn cơ bản trong cuộc sống, như lương thực, thực phẩm và các thiết bị y tế cần thiết để phòng, chống dịch bệnh. Bởi thế, đối với Iran, việc 3 nền kinh tế lớn của châu Âu thực hiện giao dịch đầu tiên thông qua cơ chế INSTEX là "tín hiệu tốt lành" giữa lúc nước này đang phải vật lộn với những khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19.
INSTEX là cơ chế thương mại được xây dựng sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi năm 2018. Từ bỏ JCPOA, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu thu hẹp các cam kết theo JCPOA, đồng thời cũng đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu các bên còn lại trong thỏa thuận không thể bồi thường thiệt hại do Washington gây ra. Để níu giữ Iran ở lại JCPOA, các cường quốc châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức đã thiết lập cơ chế INSTEX nhằm duy trì các hoạt động thương mại với Iran, góp phần bảo đảm lợi ích của nước này theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Cơ chế này cho phép không cần sử dụng đồng USD trong trao đổi thương mại với Iran, qua đó tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ. INSTEX chỉ được sử dụng trong các giao dịch nhỏ với Iran liên quan tới lương thực, dược phẩm và nhân đạo, không sử dụng trong các giao dịch liên quan tới lĩnh vực dầu mỏ.
Từ khi London, Paris và Berlin thiết lập INSTEX hồi tháng 1-2019, giới chức Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng cơ chế này không đáp ứng được kỳ vọng của Tehran. Chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rouhani gợi ý rằng, 3 cường quốc châu Âu có thể tạo ra một nguồn tín dụng dài hạn để mua dầu từ Iran và sử dụng nguồn tài chính đó cho thanh toán thương mại. Ðiều này vừa giúp Tehran bán được dầu mỏ, vừa khiến INSTEX trở nên ổn định và hoạt động hiệu quả hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cảnh cáo rằng, nếu INSTEX không thể đáp ứng yêu cầu của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân thì nước này sẽ có những bước đi quyết đoán hơn, trong đó có gia tăng nguồn dự trữ urani được làm giàu.
Dù đánh giá quyết định xuất khẩu hàng hóa y tế của 3 nước châu Âu tới Iran thông qua INSTEX là “tích cực” nhưng Tehran cho rằng điều này vẫn chưa đủ. Là quốc gia có nền kinh tế bị “bóp nghẹt” bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Iran kỳ vọng các nước châu Âu thực hiện đầy đủ các cam kết trong nhiều lĩnh vực, như ngân hàng, bảo hiểm... Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trở ngại chính cho việc thực hiện đầy đủ cơ chế này là Mỹ. Washington đã cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng họ có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt vì INSTEX.
Việc Pháp, Anh, Ðức thúc đẩy cơ chế INSTEX sẽ giúp xoa dịu Iran trong thời điểm quốc gia Hồi giáo này phải đối mặt với thách thức kép là các lệnh trừng phạt từ Mỹ và đại dịch Covid-19. Đây cũng được xem là nỗ lực của các cường quốc châu Âu nhằm xây dựng lòng tin với Tehran, hướng tới việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang bên bờ sụp đổ. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao cho rằng mục tiêu bảo đảm lợi ích cho Iran của châu Âu khó có thể đạt được khi quy mô trao đổi thương mại còn khiêm tốn, chủ yếu là hàng hóa nhân đạo và thực phẩm.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/no-luc-xay-dung-long-tin-614918