Nỗ lực xây dựng 'vườn ươm' hòa bình

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

(HNM) - Nhằm đối mặt với những thách thức trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi và chủ nghĩa đa phương gặp nhiều khó khăn, trong hai ngày (12 và 13-11), Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 2 đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị La Villette (Pháp) với sự tham dự của 30 nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn.

Tổng thống Pháp E.Macron phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 2.

Sự kiện thường niên này là một phần trong nỗ lực do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương. Với mục tiêu khuyến khích hợp tác quốc tế và hành động tập thể vì một thế giới hòa bình, các đại biểu đại diện cho các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã trình bày, thảo luận, đồng thời thúc đẩy các giải pháp, song song với việc củng cố hoặc tạo ra các quy tắc, tiêu chuẩn và phương pháp thực hành mới.

Theo thống kê, diễn đàn đã nhận được hơn 700 dự án và sáng kiến từ 115 quốc gia. Các dự án và sáng kiến này gắn liền với tình hình của từng đất nước, theo 6 chủ đề chính: Hòa bình và an ninh, môi trường, phát triển, công nghệ mới, tăng trưởng kinh tế bao trùm, văn hóa và giáo dục. Trong số đó, 120 dự án và sáng kiến được lựa chọn trình bày tại diễn đàn, thông qua đó các tác giả có dịp gặp gỡ, trao đổi với các nhà lãnh đạo và đối tác tiềm năng. Các đại biểu tham dự diễn đàn hy vọng, những dự án này sẽ giúp thúc đẩy hòa bình thông qua việc quản trị thế giới tốt hơn, góp phần giảm bớt căng thẳng quốc tế, trong đó gồm hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết thách thức vùng biên giới, quản lý tập thể các tài sản công của thế giới, điều tiết tốt hơn mạng internet và các hoạt động trao đổi trên đó.

Thế giới ngày nay đang phải chịu nhiều yếu tố tiêu cực mới nổi, như: Khủng bố Hồi giáo cực đoan, an ninh mạng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... Sự chia rẽ và bất ổn, các cuộc xung đột với những điểm nóng mới cũng đã trở thành những thách thức lớn đối với sự ổn định toàn cầu. Ngay tại châu Âu, chủ nghĩa dân túy cực đoan, bài ngoại, đang làm đảo lộn mọi giá trị và gây chia rẽ sâu sắc trong mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, nguy cơ xung đột và đối đầu giữa các cường quốc, thậm chí giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông, mâu thuẫn sắc tộc ở nhiều nơi… luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bùng nổ gây hiệu ứng domino.

Cùng với các yếu tố trên, thế giới cũng đang phải chứng kiến điều mà nhiều nhà lãnh đạo các nước gọi là "sự lộng hành của chủ nghĩa đơn phương" hay chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vốn được xem là nguồn cơn dẫn đến xung đột. Thực trạng này đã khiến hòa bình thế giới luôn trong tình trạng bị đe dọa. Trong khi đó, ngày càng nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả của mô hình đa phương và khả năng bảo vệ con người khỏi những tác động bất ổn của quá trình toàn cầu hóa. Vai trò của nhiều định chế lớn trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới, cũng vì thế mà lung lay.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 2 tiếp tục huy động và tập hợp tất cả các chủ thể đã đưa ra lời cam kết. Đây được xem như "vườn ươm" để thúc đẩy các dự án, đưa ra các sáng kiến mới và các giải pháp cụ thể về quản trị toàn cầu. Thông điệp về giá trị của hợp tác quốc tế và đa phương nhằm đem lại hòa bình, ổn định trên thế giới cũng đã được lãnh đạo các nước đưa ra ở diễn đàn. Dẫu vậy, vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức để biến những ý tưởng và sáng kiến thành hiện thực, đặc biệt là vào thời điểm hiện nay khi việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/950321/no-luc-xay-dung-vuon-uom-hoa-binh