Nỗ lực xóa nhà tạm, nhà ở dột nát

Sớm xóa bỏ nhà tạm, nhà ở dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau, huyện Sìn Hồ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó phát huy vai trò chủ lực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện.

Hiện, trên địa bàn huyện Sìn Hồ có 17.600 hộ dân, trong đó 93% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, huyện còn khoảng 60 hộ phải sống trong những ngôi nhà tạm, nhà ở dột nát. Theo khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sìn Hồ thì có khoảng 80% số nhà tạm này được làm từ tre, nứa, lá... và các vật liệu tạm bợ, không đảm bảo an toàn và vệ sinh. Vào mùa mưa, phần lớn bị dột nát, nước tràn vào nhà khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Chị Mùa Thị Hoa ở bản Thành Chử (xã Tủa Sín Chải) chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 người sinh sống trong ngôi nhà tạm đã hơn 10 năm. Mùa mưa nhà dột khắp nơi, các con tôi phải ngồi học trên giường vì nền ngập nước. Gia đình mơ ước có ngôi nhà kiên cố để an tâm làm ăn, các con học tập tốt hơn”.
Từ năm 2020 đến nay, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện theo chức năng, nhiệm vụ đã duy trì triển khai các chương trình: “Nhà kiên cố cho dân”; hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết; xây dựng quỹ “Vì người nghèo”.... Theo đó, huy động nguồn lực xã hội hóa với sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ và cá nhân hảo tâm cùng với nguồn ngân sách Nhà nước. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, huyện đã có 93 ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng và trao tặng cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng từ đầu năm đến nay có 5 ngôi nhà được triển khai và hoàn thiện, bàn giao, giúp người dân ổn định cuộc sống trước mùa mưa lũ.

Cán bộ xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) kiểm tra tiến độ xây dựng nhà đại đoàn kết của hộ nghèo trên địa bàn.

Cán bộ xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) kiểm tra tiến độ xây dựng nhà đại đoàn kết của hộ nghèo trên địa bàn.

Anh Mùa A Páo ở xã Sà Dề Phìn phấn khởi chia sẻ: “Gia cảnh nghèo khó, vợ chồng tôi từng nghĩ không bao giờ làm được nhà ở khang trang. Nhờ sự giúp đỡ của huyện, các đoàn thể, chúng tôi có kinh phí để làm nhà mới và giờ đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Gia đình sẽ cố gắng làm ăn để có cuộc sống tốt hơn”.
Những nỗ lực đó của huyện Sìn Hồ đã bước đầu mang lại kết quả tích cực, giúp thay đổi diện mạo nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Ông Phùng Hải Nam - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sìn Hồ cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể huy động sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho hộ nghèo, đối tượng chính sách. Trong năm 2023, đã có hơn 20 doanh nghiệp và 8 tổ chức phi Chính phủ chung sức với huyện xây dựng nhà ở kiên cố cho nhân dân. Trên cơ sở đó, huyện phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn không còn hộ gia đình phải sống trong nhà tạm, nhà ở dột nát”.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác xóa nhà tạm, nhà ở dột nát của huyện Sìn Hồ vẫn còn những thách thức. Bởi, điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở và nguồn lực hạn chế. Theo bà Nguyễn Thị Huyền - chủ đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng ở huyện Sìn Hồ, quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng lên các xã, bản rất khó khăn và tốn kém. Chi phí vận chuyển vật liệu thường cao gấp đôi so với vùng đồng bằng. Do đó, các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ làm nhà ở cần nhận được thêm kinh phí lớn hơn mới đảm bảo có ngôi nhà đáp ứng tiêu chí “3 cứng” mà không phải đối ứng quá lớn.
Cùng với nỗ lực vượt khó của người dân, quyết tâm của chính quyền địa phương và sự chung tay của cộng đồng, tin rằng công tác xóa nhà tạm, nhà ở dột nát ở huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Hùng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-x%C3%B3a-nh%C3%A0-t%E1%BA%A1m-nh%C3%A0-%E1%BB%9F-d%E1%BB%99t-n%C3%A1t