Nợ nần, nhiều người Mỹ thấy bằng đại học không mang lại lương cao
Gần một nửa những người mắc khoản nợ sinh viên tại Mỹ nghĩ rằng tấm bằng đại học không giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn.
"Bằng đại học không có nghĩa là bạn sẽ có được thu nhập cao", đó là câu trả lời của nhiều sinh viên mới tốt nghiệp. Một khảo sát của Insider và Morning Consult với gần 2.100 người Mỹ về vấn đề thu nhập, tài chính, nợ nần cho thấy khoảng 17% có khoản vay sinh viên và 7,5% có khoản vay sau tốt nghiệp.
Trong số những người có khoản vay, chỉ 36,7% cho rằng đại học giúp họ kiếm được công việc mức lương cao, trong khi 49% nhận thấy họ không kiếm được công việc lương cao dù có bằng đại học. Những người có khoản vay sau tốt nghiệp cảm thấy căng thẳng về khoản nợ đang phải gồng gánh.
Kể từ năm 1980, học phí đại học đã tăng hơn gấp đôi. Tổng nợ vay sinh viên toàn quốc cũng vượt quá 1.500 tỷ USD. Trong năm 2018, số khoản vay sinh viên đạt mức cao kỷ lục, ước tính mỗi người vay gần 30.000 USD.
30.000 USD mới chỉ là một nửa học phí nếu bạn theo học tại những trường đại học hàng đầu, nơi học phí dao động khoảng 60.000 USD/năm. Nhưng dữ liệu chỉ ra không phải trường đại học đắt đỏ nào cũng giúp sinh viên tìm được công việc có thu nhập cao, Business Insider nêu thông tin.
Chương trình Scorecard của Bộ Giáo dục Mỹ đã chỉ ra sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học đắt đỏ nhất thường kiếm được mức lương cao nhất trong 10 năm sau khi vào đại học. Nhưng mức lương trung bình sinh viên kiếm được không phải lúc nào cũng tương đương với mức học phí họ phải bỏ ra cho 4 năm đại học.
Ví dụ, Đại học Chicago là trường có mức học phí cao bậc nhất tại Mỹ, khoảng 70.100 USD/năm, nhưng sinh viên trường này chỉ kiếm được khoảng 68.100 USD/năm trong khoảng 10 năm sau khi vào trường. Tương tự, sinh viên Đại học Occidental phải đóng hơn 67.000 USD học phí mỗi năm, nhưng trung bình họ chỉ kiếm được 50.600 USD/năm.
Con số trên vẫn nhiều hơn số tiền trung bình các sinh viên mới tốt nghiệp kiếm được - khoảng 35.400 USD. Nghĩa là họ chỉ kiếm được số tiền cao hơn một chút so với khoản vay sinh viên.
Công ty tài chính SoFi đã thực hiện một khảo sát với 1.000 người 22-35 tuổi về vấn đề nợ sinh viên. Kết quả, 42% cho biết sai lầm lớn nhất họ mắc phải khi vay nợ sinh viên là họ đã đánh giá quá cao mức lương của công việc đầu tiên sau tốt nghiệp. Họ đã nghĩ rằng nhờ công việc đầu tiên này, họ sẽ đủ khả năng chi trả các khoản thanh toán hàng tháng.