Nổ ở nhà máy Hải Dương, 6 người thương vong: Lilama 69/3 báo cáo gì?
Báo cáo của Công ty Cổ phần Lilama 69/3 cho biết, thời điểm xảy ra vụ nổ nhóm công nhân có 7 người và 2 người chết, 4 người bị thương. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Thông tin mới nhất liên quan vụ nổ bình Oxy hóa lỏng tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69/3 – Công ty Cổ phần Lilama 69/3 (xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) khiến 2 người tử vong, 4 người bị thương, ngày 13/12, Công ty Cổ phần Lilama 69/3 đã có báo cáo chính thức thông tin về vụ tai nạn trên.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Lilama 69/3 cho thấy, vụ tai nạn lao động xảy ra tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69/3 vào khoảng 15h ngày 12/12.
Trước đó, vào khoảng 13h30, tổ chế tạo gia công thiết bị thuộc phân xưởng cơ khí số 2 do ông Phạm Mạnh Cường (SN 1982) làm tổ trưởng triển khai thực hiện công việc lắp ráp các trục vào vòng bi chân đế của cấu kiện.
Nhóm làm việc gồm 7 người, trong đó có ông Phạm Mạnh Cường làm tổ trưởng, các ông Phạm Văn Chức (SN 1965), Nguyễn Minh Đức (SN 1981), Phạm Thị Dự (SN 1980) làm tổ viên, ông Phạm Văn Nhất (SN 1982) – quản đốc phân xưởng chỉ đạo giám sát công việc. Ngoài ra còn có hai công nhân là ông Vũ Văn Tuyên (SN 1978) và Nguyễn Văn Bền (SN 1990).
Báo cáo nêu rõ, vào thời điểm trên, nhóm công nhân thực hiện nhiệm vụ lắp ráp 4 trục thép vào các vòng bi của cấu kiện. Trong quá trình thao tác đã xảy ra cháy nổ tại khu vực thi công làm nhiều công nhân bị tai nạn.
Hậu quả vụ việc khiến ông Nguyễn Minh Đức tử vong tại chỗ và 5 người khác bị thương gồm ông Nhất, ông Chức, ông Cường, ông Bền và ông Tuyên. Các nạn nhân được chuyển đến sơ cứu tại bệnh viện huyện Tứ Kỳ sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Riêng ông Phạm Văn Chức được chuyển lên bệnh viện Việt Đức để điều trị.
Trường hợp của ông Phạm Văn Nhất do chấn thương nặng đã không qua khỏi và chết vào khoảng 20h15 phút tối ngày 12/12.
Đáng chú ý, trong báo cáo công ty cho biết nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ông Đào Viết Khuây, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lilama 69/3 cho biết, ngay khi xảy ra sự cố, công ty đã tích cực chỉ đạo việc tập trung cứu chữa cho các nạn nhân, liên hệ và báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Mời độc giả xem video Hải Dương: Công ty Lilama phát nổ, nhiều người thương vong:
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đào Viết Khuây cho biết, bước đầu công ty hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/trường hợp để gia đình lo tang lễ và mỗi nạn nhân bị thương số tiền 5 triệu đồng. Công ty cũng sẽ chi trả toàn bộ chi phí viện phí cho các nạn nhân.
Nói về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, ông Khuây cho hay, hiện các cơ quan chức năng đang làm rõ và sẽ có thông báo trong thời gian tới. “Không hiểu lúc đó anh em thao tác gì bởi lúc đó loạn hết lên rồi và nhóm công nhân này làm riêng”, ông Khuây cho hay.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ nổ bình Oxy hóa lỏng tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69/3 đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là khiến 2 người chết, 4 người bị thương.
Do vậy, đối với tính chất nghiêm trọng nêu trên, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng tiến hành xác minh, điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ là gì? Đây là một tai nạn bất ngờ do yếu tố khách quan hay là do con người? Có hay không sự thiếu trách nhiệm, chủ quan lơ là của những người trực tiếp tiếp cận với bình ô xi hóa lỏng để dẫn đến gây nổ? Đối với công việc có tính rủi ro nêu trên thì nhà máy có trang bị đầy đủ cho người lao động để đảm bảo điều kiện an toàn lao động hay không?
“Trường hợp phía nhà máy Lilama không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định 95/2013 với mức xử phạt lên đến 10.000.000 đồng”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Tùng cho rằng, trường hợp có hành vi thiếu trách nhiệm nghiêm trọng của người quản lý trong nhà máy Lalima dẫn đến hậu quả nêu trên thì có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 360 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, mức phạt tù từ 3 đến 7 năm “Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao…2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 2 người”.
“Do tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đang thao tác làm lạnh trục bằng bình oxy hóa lỏng, sử dụng bình oxy lỏng để làm co ngót trục lắp vào kết cấu thì xảy ra sự cố nổ bình oxy có đến 6 người. Vậy cần phải tiến hành xác minh vai trò của từng cá nhân trong công việc này? Trong quá trình thực hiện thì có ai vi phạm các quy định thực hiện công việc hoặc an toàn lao động hay không? Nếu có vi phạm thì còn tùy thuộc vào mức độ vi phạm để xử lý”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
* PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên…