Nợ phải trả chiếm 62,7% nguồn vốn, Tập đoàn Đạt Phương liệu có trúng gói thầu giá trị 'khủng' tại Nam Định

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ làm dự án 1.175 tỷ đồng tại Nam Định, tuy nhiên kết quả sản xuất và kinh doanh trong quý II/2023 của doanh nghiệp này giảm sút, cùng với đó tổng nợ phải trả chiếm tới 62,7% nguồn vốn. Câu hỏi đặt ra là, với tình hình tài chính như vậy, liệu Đạt Phương Grup có 'ẵm trọn' gói thầu này?

CTCP Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group, Mã HOSE: DPG)

CTCP Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group, Mã HOSE: DPG)

Lợi nhuận sau thuế giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group, Mã HOSE: DPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Theo BCTC, kết thúc quý II/2023, CTCP Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 54,2 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của Công ty, do doanh thu, lợi nhuận mảng sản xuất điện và mảng bất động sản giảm so với cùng kỳ làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý II năm nay giảm so với quý II/2022.

Cơ cấu doanh thu của DPG trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023

Cơ cấu doanh thu của DPG trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023

Với mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2023 là 287,6 tỷ đồng, tính tới thời điểm quý II/2023, CTCP Tập đoàn Đạt Phương đã hoàn thành 47,6% kế hoạch năm nay.

Đáng chú ý, trong quý này, phần lớn doanh thu của Đạt Phương Group đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng khi thu về 624 tỷ đồng, chiếm 81,2% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý. Tuy nhiên, mặc dù doanh thu từ hoạt động xây dựng tăng 10% nhưng không đủ giúp tổng doanh thu tăng trưởng.

Trong quý II/2023, doanh thu bán điện cũng mang về cho DPG 128,5 tỷ đồng, qua đó trở thành lĩnh vực có doanh thu cao thứ hai trong các lĩnh vực sản xuất tại công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, chiếm 16,7% tổng doanh thu trong quý.

Sự sụt giảm doanh thu của công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cũng đến từ mảng kinh doanh bất động sản đầu tư lao dốc về doanh thu trong năm nay, từ gần 289 tỷ đồng trong quý 2/2022 xuống vỏn vẹn 13,7 tỷ đồng trong quý 2/2023.

Nợ phải trả chiếm tới 62,7% nguồn vốn

Tính tới ngày 30/6/2023, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương có tổng cộng tài sản đạt 6.020 tỷ đồng, giảm 1,92% so với hồi đầu năm nay.

Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm nhẹ từ 3.292 tỷ đồng đầu năm xuống 3.252 tỷ đồng. Về tài sản dài hạn, tới ngày 30/6/2023, Đạt Phương Group ghi nhận giá trị đạt 2.768 tỷ đồng, giảm 2,7% so với con số hồi đầu năm.

Mặc dù tổng tài sản không có quá nhiều biến động so với hồi đầu năm, tuy nhiên tổng nợ phải trả của Đạt Phương tính tới thời điểm 30/6/2023 đang ở mức 3.776 tỷ đồng, chiếm 62,7% cơ cấu nguồn vốn của công ty.

Tổng nợ phải trả của Đạt Phương hơn 3.776 tỷ, chiếm 62,7% cơ cấu nguồn vốn công ty.

Tổng nợ phải trả của Đạt Phương hơn 3.776 tỷ, chiếm 62,7% cơ cấu nguồn vốn công ty.

Phần lớn trong tổng nợ phải trả của DPG là nợ vay tài chính với 2.586 tỷ đồng, trong đó 998 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, 1.588 tỷ đồng nợ vay và thuê tài chính dài hạn.

Trong đó, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang là “chủ nợ” lớn nhất của DPG khi cho vay tổng cộng 1.786 tỷ đồng, con số này chiếm 47,2% tổng nợ phải trả của Đạt Phương tính tới thời điểm 30/6/2023. Trong đó, có 451,7 tỷ đồng cho vay ngắn hạn; đối với vay dài hạn, VietinBank đang cho DPG vay 1.334 tỷ đồng.

Về khoản vay ngắn hạn, tính tới thời điểm ngày 30/6/2023, Đạt Phương ghi nhận khoản vay trị giá 451,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Thăng Long, chiếm tới 45,2% tổng nợ tài chính ngắn hạn. Theo thuyết minh báo cáo, khoản vay này để thanh toán cung cấp công nợ với nhà cung cấp lãi suất áp dụng cho từng món vay được quy định trong khế ước nhận nợ, thời hạn vay từ 06-12 tháng.

Bên cạnh đó, khoản nợ vay dài hạn của doanh nghiệp này Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 12 Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền hơn 1.075 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, khoản vay dài hạn có hợp đồng tín dụng ngày 15/6/2015 để thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B với lãi suất thả nổi. Khoản vay được đảm bảo bằng việc thế chấp toàn bộ các tài sản hình thành từ vốn tự có và vốn vay. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp đảm bảo bổ sung là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán điện của nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B.

Tiếp đó, khoản vay dài hạn 258,6 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Nam Thăng Long bao gồm: Hợp đồng tín dụng năm 2020 để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà. Tài sản đảm bảo là dự án Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà và cổ phần của các chủ sở hữu Công ty; Hợp đồng tín dụng năm 2021 để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án khu đô thị dịch vụ Cồn Tiến. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc khu đô thị.

Mượn tài sản cổ đông cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu

Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, DPG cho biết tính tới ngày 30/6/2023, ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch DPG) và ông Phạm Kim Châu (Phó Chủ tịch DPG) dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Thăng Long với số dư nợ gốc và tiền lãi cùng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ số nợ gốc này tối đa là 18.141.000.000 VNĐ.

Tài sản cổ đông cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu

Tài sản cổ đông cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu

Ngoài ra, ông Lương Minh Tuấn, ông Trần Anh Tuấn và ông Phạm Kim Châu cũng dùng cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của Công ty. Tính tới ngày 30/6/2023, DPG đang có 62.99.554 cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.

Có thể thấy, mặc dù kết thúc quý II/2023, lợi nhuận sau thuế của Đạt Phương Group giảm 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nợ phải trả chiếm tới 62,7% nguồn vốn. Thậm chí để đảm bảo các hoạt động kinh doanh và dòng tiền, Đạt Phương đã phải đi mượn tài sản của cổ đông có trả phí để cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, Đạt Phương Group vẫn liên tục trúng và thực hiện các gói thầu nghìn tỷ đồng.

Mới đây nhất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định vừa mở thầu Gói thầu Thi công xây dựng công trình của Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (giá gói thầu 1.175,158 tỷ đồng). Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định đang đánh giá hồ sơ dự thầu.

Với tình hình hoạt động kinh doanh như vậy, liệu Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương có “ẵm chọn” gói thầu “khủng” này?

Để có cái nhìn khách quan, đa chiều, PV báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ làm việc với Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương.

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (DPG) (địa chỉ: Tầng 15 tòa nhà Handico KĐT mới Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tiền thân là CTCP Xây dựng và Vận tải Đạt Phương, được thành lập vào năm 2002. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây lắp các công trình giao thông và thủy lợi. Bên cạnh đó, DPG còn tham gia vận tải hàng hóa, kinh doanh bán điện, vật liệu xây dựng và cho thuê máy móc thiết bị ngành xây dựng.

Đức Anh - Như Hiền

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/no-phai-tra-chiem-627-nguon-von-tap-doan-dat-phuong-lieu-co-trung-goi-thau-gia-tri-khung-tai-nam-dinh-post10909.html