Nở rộ các dự án du lịch ven biển

Thời gian gần đây, trước thông tin nhiều tuyến giao thông kết nối tới Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chuẩn bị hoàn thành hoặc sắp được triển khai, giới đầu tư đã đổ dồn về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư làm giá đất tăng mạnh. Tuy nhiên, một số dự án với tốc độ 'rùa bò' đang gây lãng phí tài nguyên.

Một dự án khách sạn đang xây dựng ở Bãi Sau (TP Vũng Tàu)

Một dự án khách sạn đang xây dựng ở Bãi Sau (TP Vũng Tàu)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT, sau khi thu hồi 93 dự án du lịch chậm triển khai, hiện toàn tỉnh có 155 dự án bất động sản nghỉ dưỡng (gồm 137 dự án vốn đầu tư trong nước và 18 dự án vốn đầu tư nước ngoài), với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 48.700 tỷ đồng và hơn 8,9 tỷ USD. Hầu hết các dự án được phân bố ở những địa phương có biển như huyện Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ và TP Vũng Tàu.

Điển hình là huyện Xuyên Mộc, hơn 2 năm trước, huyện có 104 dự án, trong đó có 60 nằm ven biển, nhưng chỉ có 2 dự án hoàn thành, 15 dự án đang triển khai, số còn lại nằm “bất động”. Đây là địa phương được giới đầu tư quan tâm hàng đầu, bởi nơi này sẽ xây dựng sân bay Hồ Tràm, các bãi biển khá hoang sơ, còn nhiều dư địa để phát triển du lịch trong tương lai. Với 32km đường ven biển, hiện tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên rầm rộ, trong đó có những dự án của nhà đầu tư nước ngoài triển khai hoành tráng và được rao bán với giá lên đến cả chục tỷ đồng/biệt thự. Ăn theo các dự án du lịch, bất động sản nơi đây cũng tăng cao chóng mặt, có những nơi tăng gấp 5-6 lần so với năm trước.

Mới đây, tại cuộc họp về đề xuất ý tưởng đầu tư một số dự án du lịch lớn trên địa bàn, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, đã yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu diện tích đất xây dựng, tỷ lệ xây dựng cho phù hợp với quy hoạch và có các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn để thu hút và giữ chân du khách.

Đáng chú ý, sau nhiều năm nhen nhóm ý tưởng, mới đây 2 “đại gia” bất động sản là Novaland và FLC đã có buổi làm việc với tỉnh BR-VT để trình bày ý tưởng đầu tư một số dự án lớn, như: Vườn thú Safari kết hợp khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Xuyên Mộc, với diện tích hơn 500h; khu đô thị sinh thái Tây Nam TP Bà Rịa với diện tích hơn 1.700ha; tổ hợp du lịch Núi Dinh diện tích hơn 800ha. Riêng với dự án Faradise diện tích hơn 220ha nằm ở vị trí “đất vàng” của TP Vũng Tàu, tỉnh này đưa ra tiêu chí tổng vốn đầu tư của dự án phải từ 1 tỷ USD trở lên. Trước sự nóng lên của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tỉnh BR-VT đã quyết liệt thu hồi nhiều dự án chậm triển khai; đến nay số dự án “rùa bò” chỉ còn khoảng 1/3 tổng số dự án trên địa bàn và tỉnh đang tiếp tục rà soát các dự án này để thu hồi và tiến hành đấu giá, giao cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính.

Theo phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030, tỉnh BR-VT sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo với cơ sở lưu trú chất lượng cao kết hợp du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, gắn liền với vui chơi giải trí và tổ chức hội nghị ở các địa phương có biển như Vũng Tàu, Xuyên Mộc. Riêng với Côn Đảo, phát triển mạnh sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa, nghiên cứu hệ sinh thái và khám phá đa dạng sinh học trong vườn quốc gia.

Đối với các địa phương không có biển, tỉnh sẽ phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, hoặc du lịch tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao. Về nhu cầu sử dụng quỹ đất, tỉnh dự kiến sẽ dành ra hơn 3.460ha đất ven biển để phát triển du lịch, trong đó TP Vũng Tàu có 1.600ha. Tỉnh BR-VT phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 8,6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt khách), tốc độ tăng trưởng trung bình 11% - 13%/năm.

NÔNG NGÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/no-ro-cac-du-an-du-lich-ven-bien-598897.html