'Nở rộ' các gói tầm soát ung thư, làm sao để không lạc vào 'mê hồn trận'?
Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về giá trị thực sự của các gói tầm soát ung thư.
Gói tầm soát ung thư dựa trên giá trị kinh tế
- Dễ nhận thấy, hiện nay, các gói tầm soát ung thư “bùng nổ” theo đúng nghĩa của nó với đủ loại mức giá, đủ loại hiệu quả. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?
- Việt Nam là một trong những nước ở mức độ không thấp về nguy cơ gây ung thư.
Thống kê, hằng năm, có trung bình khoảng 150/100 nghìn dân mắc ung thư. Người dân Việt Nam thường phát hiện ung thư khi ở giai đoạn muộn. Khả năng cứu chữa và sống thêm sau 5 năm thấp hơn các nước khác.
Vì vậy, trong suốt những năm qua, việc đưa ra biện pháp và dịch vụ để làm sao chẩn đoán ung thư sớm, mang lại cơ hội cứu chữa và kéo dài sự sống, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh tốt hơn là điều được cả ngành Y tế quan tâm, nỗ lực thực hiện.
Trong bối cảnh này, các dịch vụ xét nghiệm ung thư phát triển “trăm hoa đua nở”. Thậm chí, có nhiều quảng cáo không đúng sự thật.
Thực tế, tôi cho rằng, các bệnh viện đang thiết kế những gói tầm soát ung thư dựa trên giá trị kinh tế là chủ yếu.
Hay nói nôm na, nếu người dân chi nhiều tiền hơn thì sẽ tầm soát, sàng lọc nhiều loại ung thư hơn và ngược lại.
Đây hoàn toàn là cách làm mang tính thương mại mà không hướng tới sức khỏe người dân.
Tôi đã tham khảo các gói tầm soát ung thư tại một vài cơ sở y tế. Có những gói tầm soát yêu cầu người dân làm rất nhiều xét nghiệm đắt tiền, thậm chí gây xâm lấn nhiều như chụp CT, thậm chí là chụp PET/CT, tức là tầm soát từ đầu đến chân.
Đây là những biện pháp không hợp lý về mặt y học.
Việc tầm soát ung thư là rất tốt, nhưng phải phù hợp với từng bệnh nhân. Chỉ nên tầm soát ở người có nguy cơ cao hoặc nguy cơ mắc ung thư, hoặc có những loại ung thư phổ biến ở nam, loại hay gặp ở nữ.
Theo tôi, cần có một hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng về việc ở độ tuổi, lứa tuổi nào nên tầm soát ung thư gì, phải chọn xét nghiệm, chẩn đoán ít xâm lấn gây hại cho bệnh nhân, không tốn quá nhiều tiền.
Quan trọng là biết lắng nghe cơ thể
- Khi được hỏi về thực hiện tầm soát ung thư sớm, không ít người dân trả lời rằng, nếu có đủ điều kiện kinh tế, họ sẵn sàng thực hiện “từ đầu đến chân”, dù chỉ để tâm lý cảm thấy an tâm hơn. Quan điểm của ông về thực tế này? Làm sao để người dân có thể cân bằng giữa chi phí với việc bảo vệ sức khỏe?
- Tâm lý nói trên của một bộ phận người dân là hoàn toàn dễ hiểu. Tôi cũng đã nhận được không ít tin nhắn, câu hỏi của người dân liên quan đến việc này.
Thực tế nhiều người đang vô cùng hoang mang trước ung thư.
Họ thà bỏ ra hàng triệu, hàng chục triệu để giải quyết vấn đề tâm lý, còn hơn là thấp thỏm, lo lắng rằng một ngày nào đó mình sẽ mắc bệnh mà phát hiện muộn.
Bởi tâm lý này mà hiện nay, người dân như đang lạc vào “mê hồn trận” của các gói tầm soát ung thư.
Đáng bàn hơn khi người dân cũng không biết trông mong vào ai để thoát khỏi. Bởi, bác sĩ ở bệnh viện công lập thì quá bận rộn để có thể tư vấn, hướng dẫn một cách sát sao cho người muốn tầm soát ung thư. Trong khi đó, ở bệnh viện tư nhân, họ chịu áp lực của các định mức kinh tế.
Song, trước hết, mọi người cần bình tĩnh. So với thế giới, tỷ lệ mắc mới cũng như bệnh nhân ung thư tại Việt Nam không cao, chỉ ở nhóm giữa. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần có thông tin cụ thể hơn để người dân có thể tìm kiếm trên trang tin chính thống.
Ví dụ, ở người trẻ không hút thuốc thì không nên tầm soát ung thư phổi. Hoặc, tầm soát ung thư đại tràng, dạ dày cũng tùy vào lứa tuổi.
Đối với người dân, hãy lắng nghe, quan tâm tới cơ thể mình. Khi thực sự có vấn đề sức khỏe, nếu có triệu chứng bất thường kéo dài như ăn uống không ngon, sút cân không lý do, người dân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Từ đó, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cần làm gì, thay vì chạy theo quảng cáo trên mạng.
Một điều đặc biệt quan trọng nữa là người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện lối sống lành mạnh.
- Hiện nay, trên mạng xã hội cũng xuất hiện những quảng cáo về biện pháp xét nghiệm máu tầm soát ung thư khiến không ít người quan tâm. Ông có thể đánh giá về phương pháp này?
- Rất nhiều người chia sẻ, khi đi khám sức khỏe định kỳ, họ được mời xét nghiệm máu để tầm soát ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này không có giá trị nhiều, tình trạng âm tính giả và dương tính giả đều cao.
Kết quả của phương pháp này có thể gây lo lắng không đáng có cho người dân và cuối cùng vẫn phải thực hiện xét nghiệm chuyên sâu.
Đương nhiên, phương pháp này vẫn có một số lợi ích nào đó, nhưng không quá lớn. Với phương pháp tìm dấu ấn ung thư, mỗi loại ung thư có thể khiến một số hoạt chất sinh học trong máu tăng lên. Khi xét nghiệm, nếu hoạt chất tăng lên, thì người bệnh phải thực hiện xét nghiệm thêm.
Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ bị viêm hoặc bất thường chứ không ung thư. Kết quả đó sẽ gây lo lắng cho người dân. Cuối cùng, họ vẫn cần thực hiện các xét nghiệm như chụp cộng hưởng từ, test CT hoặc sinh thiết.
Kể cả phương pháp xét nghiệm gen cũng không thể chẩn đoán ung thư. Có người thiếu một số gen nào đó, thì họ sẽ có nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, điều đó không nói lên rằng, họ mắc ung thư.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!