Nở rộ các lớp tiền tiểu học

Hiện nay, chạy đua để cho con tham gia các lớp tiền tiểu học không chỉ phổ biến tại các thành phố lớn mà cả ở vùng nông thôn. Đầu tư cho con cái học hành là điều cần thiết nhưng các bậc phụ huynh phải đầu tư đúng chỗ, tránh tiền mất tật mang.

Những ngày cuối năm học, khi đứng đón con ở cổng trường mầm non thời gian này, không khó để bắt gặp nhiều tờ rơi quảng cáo mời chào phụ huynh cho trẻ tham gia các lớp tiền tiểu học, lớp luyện chữ đẹp, lớp học số, lớp kỹ năng mềm… với những mức học phí đa dạng, thời gian học linh hoạt, đặc biệt cam kết chuẩn đầu ra các em biết "đọc thông, viết thạo".

Chị Đinh Thị Thêu, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) có con đang học lớp mầm non 5 tuổi, sau hè này cháu sẽ học lớp 1. Chị Thêu chia sẻ, điều chị lo sợ khi con bước vào cấp tiểu học là con không theo kịp kiến thức với bạn bè. Vì thế ngay từ đầu năm nay, chị đã chuẩn bị trước cho bé tham gia lớp học luyện chữ, học đếm số ngoài trung tâm, một tuần 4 buổi để chuẩn bị tốt nhất cho cháu hành trang vào lớp 1.

Chị Thêu cũng chia sẻ thêm, nghe thấy nhiều con nhà khác chưa vào lớp 1 khoe đã nhận biết hết bảng chữ cái, cộng trừ nhoay nhoáy là chị lại sốt ruột. Dù không muốn con học thêm nhiều vất vả nhưng không học lại kém cỏi so với các bạn. Hơn nữa, để cho con theo học các lớp tiền tiểu học, gia đình chị đã phải chi trả số tiền học phí không nhỏ. "Cháu không thích đi học vì cô bắt viết nhiều, cháu kêu mỏi tay. Buổi tối cháu chỉ muốn ở nhà với bố mẹ. Hiện nay, bọn trẻ học không như chúng ta ngày trước, không có sự chuẩn bị thì chỉ có thua thiệt" - chị Thêu tâm sự.

Bà Đỗ Thị Hương, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, hai bà cháu ở với nhau, mẹ cháu đi làm xa nên bà cũng không biết phương pháp dạy học như thế nào, chương trình học của bọn trẻ bây giờ có tính đặc thù riêng, dạy sai cách thì cháu khó hiểu hơn. Đó là lý do bà Hương quyết định cho cháu theo học 2 lớp tiền tiểu học, một lớp học ở trung tâm, lớp còn lại học tại nhà cô giáo gần nhà. Một tuần cháu học kín lịch, trừ tối thứ 7. Bà cho biết, học tại trung tâm đông trẻ hơn, khoảng chục bạn một lớp, mỗi buổi học phí là 50.000 đồng. Học tại nhà riêng của cô giáo thì chỉ có 3 bạn, nhưng là lớp gộp cùng 2 bạn học lớp lớn hơn, nên bà Hương cũng không kỳ vọng vào hiệu quả của lớp học này. Tuy nhiên là chỗ người quen biết, nên bà mang suy nghĩ thôi học được gì tốt nấy.

Tham gia các lớp tiền tiểu học hiện đã trở nên phổ biến, ngay từ khi các con được 5 tuổi, phụ huynh đã nháo nhào tìm lớp để gửi gắm con mình. Các lớp học có thể được mở ra từ trung tâm, từ các cô giáo dạy tiểu học, thậm chí cả các cô dạy mầm non cũng mở lớp dạy tiền tiểu học. Thực chất, do nhu cầu cho con theo học nhiều khiến các lớp tiền tiểu học liên tục được mở ra mà không có sự kiểm soát, đánh giá về mặt chất lượng.

Cha mẹ cho con theo học thường rủ nhau hoặc qua quảng cáo tờ rơi, truyền tai nhau rằng thầy cô này dạy tốt, dạy giỏi. Còn về thực tế hiệu quả học đến đâu, phương pháp học như thế nào, nội dung chương trình các con tiếp cận là gì, đa phần phụ huynh không nắm được. Phụ huynh hầu như chỉ nhìn vào kết quả học tập, ngày hôm nay viết được bao nhiêu số, bảng chữ cái đã thuộc đến đâu, chứ không hề quan tâm đến hứng thú học của con. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, trước hết là tạo ra áp lực học tập cho con trẻ từ rất sớm, thứ hai là sự tốn kém chi phí cho phụ huynh.

Thay vì đồng hành cùng con thì cha mẹ "nhét" chúng vào các lò luyện tiền tiểu học, với cam kết học xong sẽ biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ. Tuy nhiên, không phải lớp học nào cũng đạt chất lượng giảng dạy, nếu học không đúng cách, sau này khi bước vào lớp 1, giáo viên sẽ phải dạy lại từ đầu.

Cô giáo Bùi Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Đông Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, đa số các giáo viên rất áp lực khi dạy các bạn lớp 1, thậm chí sợ nhận lớp 1 vì dạy cho các bạn chưa biết gì dễ hơn các bạn đã biết viết, biết đọc. Bởi vì nếu như trẻ tiếp cận phương pháp không đúng hoặc chưa phù hợp với chương trình giảng dạy tại trường, các cô phải sửa lại cho các bạn rất nhiều, rất mất thời gian của cô, trong khi trò đã quen với cách dạy từ lớp tiền tiểu học trước đó, nên khó tiếp thu, khó sửa các thói quen đã được dạy trước đó...

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không hề có chương trình chuẩn cho các lớp tiền tiểu học. Từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm không dạy trước chương trình lớp 1. Con bắt đầu vào lớp 1 là bước ngoặt lớn, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện, nhưng toàn diện không có nghĩa là đi học trước. Hành trang tốt nhất cho trẻ bước vào năm học mới là tinh thần thật tốt, hứng thú học tập và những kỹ năng mềm được cha mẹ rèn luyện.

Việc tập viết, tập đọc, tập đếm số cứ để cô giáo tại các trường các con đi học đảm nhiệm. Vậy nên, thay vì cho các con đi học lớp tiền tiểu học, các phụ huynh hãy dạy con những kỹ năng quan trọng, cần thiết, như cách làm việc nhóm, việc giao tiếp với người lớn và bạn bè, các kỹ năng quản lý tài sản cá nhân, sử dụng thời gian hợp lý và cần hơn là dạy con những đức tính kiên nhẫn, không nói dối, biết nhận lỗi, tự lập, tự tin... trong môi trường học tập mới.

Bởi với học sinh lớp 1, các em còn rất non nớt, khi thay đổi môi trường học tập, sẽ rất khó khăn cho các em nếu không biết tự lập, không biết tương tác với thế giới xung quanh, không biết cách sống cùng người khác, từ đó sẽ làm các em gặp khó khăn khi chính thức bước vào học lớp 1 tại trường.

Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/no-ro-cac-lop-tien-tieu-hoc/d20220603092515252.htm