Nở rộ chiêu trò lừa đảo thẻ tín dụng dịp cuối năm
Dịp cuối năm, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao có rất nhiều thủ đoạn tinh vi mới.
Dịp cuối năm, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao có rất nhiều thủ đoạn tinh vi mới, phát triển mạnh mẽ trên không gian mạng để dẫn dụ người dân “sập bẫy” nhằm chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng.
Nhiều thủ đoạn, chiêu trò mới
Hiện nay, khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hầu hết các mặt hàng, dịch vụ như: Hóa đơn điện nước, Internet, tiền nhà, mua điện thoại, máy tính, ô tô hoặc các chi tiêu mua sắm đơn giản thường ngày... Chính vì sự tiện lợi của việc “tiêu trước, trả sau”, thẻ tín dụng đã và đang được sử dụng phổ biến.
Nắm được nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cuối năm, nhiều đối tượng đã mạo danh nhân của viên ngân hàng, các tổ chức tín dụng gọi điện thoại chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng online, nâng hạng mức thẻ miễn phí, rút tiền từ thẻ tín dụng, hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm…
Các đối tượng thường sử dụng cách thức kết bạn qua mạng xã hội, gửi nhiều hoạt động ưu đãi của thẻ đồng thời gửi mã QR hoặc đường link giả mạo ngân hàng, yêu cầu nạn nhân nhập thông tin cá nhân như: Ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin thẻ, mã bảo mật, mã OTP… Nếu khách hàng làm theo, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Chị Ngọc Hà (25 tuổi, Tuyên Quang) cho biết, chỉ cần thiếu tỉnh táo chút nữa là chị bị lừa đảo số tiền 20 triệu đồng. Theo chị Hà, đối tượng lừa đảo gọi điện cho chị và tự xưng là nhân viên ngân hàng, đưa ra lời mời nâng hạn mức thẻ của chị từ 10 triệu đồng lên 40 triệu đồng. Chị Hà đã đồng ý.
Với lý do qua tra soát, chị Hà có lịch sử trả chậm gây ảnh hưởng đến quá trình nâng cấp thẻ, đối tượng yêu cầu chị chuyển cọc số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản được chỉ định để hỗ trợ xóa lịch sử nợ.
Chị Hà cho biết: “Đối tượng lừa đảo vô cùng chuyên nghiệp, liên tục dẫn dắt nhằm dụ dỗ tôi chuyển khoản. Rất may, do không tin tưởng, tôi gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng và được biết đây là lừa đảo, ngân hàng không có dịch vụ nâng hạn mức thẻ như vậy”. Sau khi biết đã bị phát giác, đối tượng ngay lập tức chặn liên hệ của chị Hà.
Không may mắn như chị Hà, chị Trương Thị Thảo (26 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ về việc bị mất số tiền lên tới 30 triệu đồng. “Có 2 người, 1 nam 1 nữ gọi điện cho tôi. Họ giới thiệu là nhân viên ngân hàng. Họ cho biết tôi đủ điều kiện làm thẻ tín dụng với hạn mức 60 triệu đồng, sau đó kết bạn với tôi qua mạng xã hội, hỏi về công việc cũng như thu nhập hàng tháng của tôi. Do nhẹ dạ cả tin, tôi đã cung cấp cho đối tượng ảnh chụp căn cước công dân 2 mặt rồi làm theo hướng dẫn của chúng. Bọn họ hướng dẫn tôi chuyển vào thẻ 30 triệu đồng để chứng minh năng lực trả nợ”, chị Trương Thị Thảo kể.
Tiếp theo đó, kẻ gian hướng dẫn chị Thảo liên kết tài khoản với thẻ trên ứng dụng của ngân hàng, sau 1 vài thao tác nhanh gọn, các đối tượng đã liên kết thẻ tín dụng của chị với 1 ví điện tử và ngay lập tức chiếm đoạt toàn bộ số tiền 30 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị.
Khi gọi lên ngân hàng để kiểm tra, chị Thảo mới phát hiện bản thân đã bị lừa. “Tôi đã nhờ ngân hàng hỗ trợ thực hiện tra soát giao dịch, tuy nhiên hy vọng lấy lại được số tiền đã mất là rất mong manh” - chị Thảo buồn bã chia sẻ.
Nâng cao cảnh giác
“Điều 4 Nghị định 117/2018/NĐ-CP về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng quy định các tổ chức tín dụng cần phải bảo mật tuyệt đối thông tin của khách hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng và chỉ được cung cấp theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, và pháp luật có liên quan”.
Theo anh Bùi Quốc Triệu - nhân viên bộ phận tín dụng của một ngân hàng, các ngân hàng sẽ dựa vào các giao dịch cũng như mức chi tiêu của khách hàng để từ đó tự động xét duyệt nâng hạn mức thẻ, không có trường hợp cá nhân làm việc qua mạng xã hội, gọi điện thoại mời mở thẻ, nâng hạn mức hay miễn phí rút tiền qua thẻ tín dụng, tất cả đều là chiêu trò của kẻ gian.
Anh Triệu chia sẻ: “Các hình thức lừa đảo hiện nay ngày càng táo tợn, đợt cuối năm nay số lượng người dân bị chiếm đoạt tiền như thế này rất nhiều. Có trường hợp khách hàng không biết thẻ của mình đã bị trừ tiền, chỉ đến khi quá ngày trả tín dụng, bị lên danh sách nợ xấu mới phát hiện, tá hỏa khiếu nại lên ngân hàng yêu cầu tra soát. Thế nhưng trong những trường hợp này, ngân hàng rất khó để hỗ trợ lấy lại được tiền cho khách hàng do thời gian đã qua lâu”.
Đáng nói, kịch bản nhắn tin, kỹ năng gọi điện tư vấn với nạn nhân ngày càng được nâng lên, có sự chuẩn bị kỹ càng nên khi nạn nhân có câu hỏi hay thắc mắc, các đối tượng có câu trả lời vô cùng lưu loát, hợp lý. Đồng thời trong quá trình trao đổi, các đối tượng luôn hướng nạn nhân về các chính sách, ưu đãi, quyền lợi, dần dần dụ dỗ nạn nhân rơi vào cạm bẫy.
Bộ TT&TT cùng với Bộ Công an liên tục gửi tin nhắn cảnh báo tới người dân không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại. Nhận thấy tính nghiêm trọng và cấp thiết của vấn đề, để bảo vệ và giúp khách hàng không bị kẻ gian lợi dụng và lừa mất tiền, từ phía các ngân hàng có những hình thức tuyên truyền, phổ biến và đưa ra một số tình huống, nguy cơ rủi ro nhằm cảnh báo tới người dân.
Một số ngân hàng như: Agribank, VP Bank, MB Bank… cũng đã đăng bài cảnh báo các hình thức lừa đảo thông qua thẻ tín dụng. Theo đó các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hang, luôn cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ.
Đồng thời, người dân cũng nên theo dõi biến động số dư trong thẻ qua tin nhắn, thông báo trên ứng dụng. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện lừa đảo, ngân hàng khuyến cáo người dân nhanh chóng liên hệ tới hotline để được hỗ trợ sớm nhất, đồng thời nhanh chóng thu thập thông tin về hành vi lừa đảo để trình báo cơ quan chức năng.
Vì sao các đối tượng lừa đảo có thông tin cá nhân của người sử dụng thẻ, lộ lọt từ đâu, nhà băng phải chịu trách nhiệm như thế nào? Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP, tất cả các thông tin liên quan đến thông tin liên hệ hay lịch sử hoạt động của khách hàng tại tổ chức tín dụng, ngân hàng đều được coi là thông tin khách hàng. Việc thông tin khách hàng bị lộ như thế nào thì có rất nhiều nguyên do, cần phải được cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra cụ thể.
Hành vi làm lộ thông tin khách hàng (tài khoản ngân hàng) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Theo đó, hình phạt cho tội này có thể lên đến 7 năm tù.