Nở rộ dịch vụ đổi tiền mới để lì xì Tết, coi chừng tiền mất tật mang

Nhu cầu đổi tiền mới, tiền số seri đẹp để lì xì, quà tặng trong dịp Tết bắt đầu tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu này, dịch vụ đổi tiền đang ngày một nở rộ.

Nhộn nhịp đổi tiền mới, tiền seri đẹp

Hiện nay, chỉ cần gõ các cụm từ "đổi tiền lì xì Tết", "đổi tiền mới" trên Facebook, ngay lập tức hàng trăm bài viết quảng cáo về dịch vụ này sẽ xuất hiện. Các hội, nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới cũng hoạt động sôi nổi với thành viên tham gia đông đảo.

Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như “phí đổi thấp”, "cam kết tiền thật", "tiền nguyên seri"... các chủ tài khoản còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền.

Việc thỏa thuận giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng, địa chỉ giao nhận... được trao đổi qua tin nhắn riêng.

Dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.

Dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.

Sau khi liên hệ qua điện thoại, phóng viên đến một cơ sở đổi tiền mới tại phố An Hòa (Hà Đông, Hà Nội).

Chị Đỗ Thùy D. - chủ cơ sở - cho biết với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, phí đổi là 6%. Còn với những mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, phí đổi là 5%, rẻ hơn một chút.

“Tiền bên mình là tiền thật, mới hoàn toàn, nguyên seri, dùng cạo râu còn được. Đổi càng nhiều thì phí càng rẻ. Ví dụ, mệnh giá 500.000 đồng có phí là 5%, nếu đổi 100 tờ thì mình 'ra lộc' cho còn 4%”, chị D. nói.

Còn với tiền “lướt” (tức tiền đã qua sử dụng, chủ yếu đến từ nguồn tiền công đức của người dân tại các đền, chùa, miếu đình, sau đó quay ngược ra thị trường - PV) thì mức phí chỉ khoảng 2-3%.

Một cơ sở khác trên phố Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) không chỉ đổi tiền mới mà còn kinh doanh cả tiền số seri đẹp như seri “tứ quý” (4 chữ số cuối giống nhau), “thất quý” (7 chữ số cuối giống nhau), “thần tài” (đuôi seri 39,79), seri theo ngày tháng năm sinh…

Một tờ 200.000 đồng có đuôi số seri theo ngày tháng năm sinh (chẳng hạn khách sinh ngày 4/1/1963 thì đuôi số seri sẽ là 411963) có giá 400.000 đồng.

Bên trong một cơ sở kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới, tiền seri số đẹp tại Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội)

Bên trong một cơ sở kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới, tiền seri số đẹp tại Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội)

Còn nếu khách hàng muốn hàng "độc” hơn như seri năm sinh kép (chẳng hạn như khách sinh năm 1970 thì số seri sẽ là 19701970) thì giá mua vào sẽ khá “chát”.

Một tờ tiền polyme mệnh giá 10.000 đồng với seri năm sinh kép có giá 400.000 đồng, tiền polyme mệnh giá 20.000 đồng có giá 450.000 đồng, tiền polyme mệnh giá 100.000 đồng có giá 600.000 đồng…

Mệnh giá càng cao thì giá mua vào càng giảm. “Em thích seri kiểu gì bên anh cũng có thể tìm được. Tứ quý, thất quý, năm sinh kép, năm sinh cặp đôi… bên anh đều có sẵn hàng hết”, anh Vi Văn C., chủ cơ sở chia sẻ.

Trước đây, tại Hà Nội có một số con phố nổi tiếng về dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí, Đinh Lễ (Hoàn Kiếm), Quang Trung (Hà Đông), nhưng hiện giờ những người làm dịch vụ này chủ yếu giao dịch qua mạng xã hội.

Hầu hết đại lý đều công khai phí tương đương nhau, dao động từ 5-8% giá trị số tiền được đổi. Phí đổi sẽ biến động liên tục, càng gần Tết thì phí sẽ càng tăng và tùy vào độ hút hàng của mệnh giá. Do đó, các đại lý thường hỏi khách về loại mệnh giá và số lượng cần đổi để báo giá chính thức.

Coi chừng “tiền mất, tật mang”

Tuy nhiên, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền số seri đẹp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Người đổi có nguy cơ bị lừa rất cao do “nắm đằng lưỡi” vì phần lớn các tài khoản quảng cáo đổi tiền không có thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

Trong khi đó, người đổi lại phải chuyển trước một khoản tiền để đặt cọc. Không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã không liên lạc được với người nhận đổi tiền sau khi đặt cọc, có trường hợp bị trộn tiền cũ hoặc bị “rút ruột”... Ngoài những rủi ro trên, người đổi tiền còn có thể bị đổi phải tiền giả bởi vào thời điểm cuối năm, các đối tượng buôn bán tiền giả hoạt động ngày càng mạnh.

Theo điều 12 và điều 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN, các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật. Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân, 40-80 triệu đồng đối với tổ chức (theo Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền cũ sang tiền mới chỉ được thực hiện khi đồng tiền bị rách, nát không đủ điều kiện lưu thông. Tuy nhiên, thực tế, một số ngân hàng vẫn hỗ trợ khách hàng đổi từ tiền cũ sang tiền mới nếu còn có nguồn tiền mới tại ngân hàng và việc này được các ngân hàng thực hiện miễn phí để không vi phạm quy định.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, luật sư Hoàng Lê (Đoàn luật sư Hà Nội) khuyến cáo mỗi người trước khi giao dịch cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc trước cho người lạ và nên đến ngân hàng để đổi tiền. “Người dân không nên tin tưởng vào các cá nhân đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội”, luật sư Hoàng Lê khuyến nghị.

Việt Khôi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/no-ro-dich-vu-doi-tien-moi-de-li-xi-tet-coi-chung-tien-mat-tat-mang-post1705298.tpo