Nở rộ hội nhóm cho thuê nhà trọ, tân sinh viên vẫn chật vật thuê nhà
Sau mùa tuyển sinh 2022, các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đón hàng chục nghìn tân sinh viên nhập học. Theo đó, nhu cầu về chỗ ở tăng cao, tân sinh viên loay hoay đi tìm nhà, chật vật vì cảnh 'thổi giá'.
Loay hoay vì "trượt chỗ" ký túc xá
Gần đến ngày nhập học nhưng nhiều bạn tân sinh viên mới ngỡ mình đã "trượt chỗ" và không đủ điều kiện ở ký túc xá của trường. Năm nay, tình trạng quá tải cũng diễn ra hầu hết ở ký túc xá các trường đại học khi số lượng tân sinh viên nhập học trung bình cao gấp 2 lần số lượng chỗ ở ký túc xá. Cụ thể, số tuyển sinh mới của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 7.090, trong khi chỗ ở ký túc xá (toàn trường) chỉ có 2.600; Đại học Phương Đông tuyển sinh mới 2.425, chỗ ở ký túc xá (toàn trường) chỉ 500; Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh mới 2.088, chỗ ở ký túc xá (toàn trường) chỉ 800...
Chia sẻ với Tiền Phong, em Nguyễn Thị Huyền (tân sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho hay: "Sau khi nhận thông báo trúng tuyển đại học, em đã đăng ký online trên web trường xin vào ở ký túc xá ở để tiết kiệm chi phí. Một tuần sau khi đăng ký, em nhận thông báo từ chối vì không đủ một số điều kiện như khoảng cách địa lý... và do ký túc xá cũng "hết chỗ".
Trước đó, em có tham khảo qua các anh chị khóa trên và nghĩ ký túc xá dễ được vào ở nên ung dung, không đi tìm thuê trọ bên ngoài. Nhưng cuối cùng, sát đến ngày nhập học, em mới bắt đầu loay hoay đi tìm phòng".
Không chỉ có Huyền, nhiều bạn tân sinh viên khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự nên đành ngậm ngùi tìm nhà trọ ở khu xa trường học để giá phòng rẻ, có khả năng chi trả.
Nở rộ hội nhóm cho thuê, môi giới nhà trọ
Hiện nay, trên khắp các nền tảng mạng xã hội "nở rộ" hội nhóm cho thuê, môi giới nhà trọ để phục vụ nhu cầu tìm kiếm cho sinh viên, người đi làm... Cụ thể, trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các hội nhóm lên đến vài trăm nghìn thành viên với mục đích tìm, nhượng lại phòng, tìm người ở ghép, pass lại đồ cho sinh viên... Không thể thiếu và luôn "nằm vùng" trong những hội nhóm tìm nhà trọ là các bạn cộng tác viên môi giới nhà trọ với công việc chính là đăng bài viết mỗi ngày.
Là một trong những người làm cộng tác viên môi giới nhà trọ, bạn Nguyễn Thành Vinh (sinh năm 2001, quê ở Thanh Hóa) cho hay: "Thông thường, với mỗi căn hoặc phòng trọ mình chốt thành công với khách, sẽ được 20% hoa hồng cho tháng thuê đầu tiên. Vì vậy, mình đã nhận công việc này để làm thêm trong hơn 1 năm nay, chủ yếu chỉ cần đăng bài lên các hội nhóm sau đó sẽ có vô vàn số điện thoại gọi hỏi tham khảo giá, chốt phòng.
Mình nhận phần trăm hoa hồng trực tiếp từ chủ nhà, không lấy phí môi giới từ người thuê. Cũng có nhiều người môi giới khác sẽ lấy phí từ 300.000 đến 500.000 đồng từ người thuê. Thậm chí, có một số làm môi giới, lừa sinh viên chuyển cọc rồi "lặn" luôn".
Không chỉ trên Facebook, trên nền tảng TikTok cũng đã dần xuất hiện nhiều video review nhà trọ dành cho tân sinh viên. Dẫu biết, mục đích của những hội nhóm này là để mọi người dễ dàng tiếp cận, kết nối với các địa điểm, thông tin nhà trọ nhanh nhất nhưng cũng cần cảnh giác với những đối tượng môi giới lợi dụng sự "ngây thơ" của tân sinh viên để lừa đảo.
Tranh thủ "thổi giá"
Bên cạnh cơn "bão giá" của xăng dầu, thực phẩm hàng hóa vài tháng gần đây, tình trạng "bão giá" nhà trọ, chỗ ở cho sinh viên cũng là một vấn đề đang được quan tâm. Đây là nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh bên cạnh niềm vui, sự hân hoan khi con đỗ đại học.
Nhiều chủ nhà trọ tranh thủ đẩy giá cho thuê lên từ 500.000 đến 1.000000 đồng khi nhìn thấy nhu cầu thuê tăng cao. Thậm chí, có trường hợp kết thúc hợp đồng với người đang thuê để lấy phòng "chào hàng" với giá cao hơn cho tân sinh viên.
Em Mạnh Tâm (sinh viên trường Cao đẳng FPT) tâm sự: "Tân sinh viên nếu muốn tìm được phòng trọ hợp lý chắc phải thuê từ khi chưa biết điểm đỗ đại học. Bởi nếu gần đến ngày nhập học mới thuê thì sẽ rơi vào cảnh: phòng hẹp, tiền đắt nhưng... vẫn phải thuê.
Ví dụ thực tế, em từng đi tham khảo ở các khu nhà trọ quanh trường, diện tích chỉ 5m2 đến 15m2 đã có giá hơn 2 triệu đồng chưa bao gồm dịch vụ. Trong khi giá trước đó vài tháng chỉ khoảng 1.5 triệu đồng".
Chật vật tìm nhà không được, nam sinh tên Phạm Cương trải lòng và nhờ sự giúp đỡ trong hội nhóm tìm nhà. Cương nhấn mạnh: "Không phải là không có đủ phòng trống mà vì không có đủ kinh tế để thuê. Câu chuyện của em sẽ giống nhiều người ở đây, là sinh viên, em chỉ sống một mình. Em đã tìm phòng cách đây 10 ngày, 1 ngày đăng không dưới 10 bài post ở các hội nhóm nhưng đều không thu lại được kết quả gì... Đây cũng là lời khẩn thiết cuối cùng của em, hy vọng các chủ nhà và môi giới hãy hiểu cho hoàn cảnh của những người loay hoay, chật vật đi kiếm "nơi chốn thứ hai" như em".