Nở rộ phong trào đầu tư tài chính cho trẻ nhỏ, chuyên gia chia sẻ những điều cha mẹ nên biết
Các khóa giáo dục đầu tư tài chính cho trẻ nhỏ từ 7 tuổi thời gian gần đây nở rộ. Liệu rằng giáo dục tài chính, đầu tư tài chính ở lứa tuổi nhỏ có tốt, dưới đây chuyên gia đã có những chia sẻ?
Nở rộ các khóa đầu tư tài chính cho trẻ nhỏ
Phong trào giáo dục đầu tư tài chính cho trẻ em gần đây được nhiều phụ huynh quan tâm. Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa "giáo dục đầu tư tài chính cho trẻ" hay khóa học quản lý tài chính cho trẻ em, giáo dục tài chính cho học sinh tiểu học… là hàng trăm kết quả trả về sau 1 giây. Điều này cho thấy, việc cha mẹ quan tâm đến việc dạy con về tài chính ngày càng cao.
Thực tế có những bậc cha mẹ ngay từ khi con còn nhỏ đã mở tài khoản chứng khoán tích lũy cho con, tài khoản đứng tên bố mẹ. Trên các trang mạng xã hội, những khóa đầu tư tài chính cho trẻ em cũng nở rộ quảng cáo. Một khóa học đầu tư tài chính cho trẻ em từ 7 tuổi được chạy quảng cáo rầm rộ đã thu hút sự chú ý. Theo quảng cáo này, trẻ cần được học về đầu tư tài chính từ nhỏ vì giúp trẻ có thể làm chủ tài chính cá nhân, quản lý và chi tiêu tiền tệ khôn ngoan, tư duy khởi nghiệp và gọi vốn, các hình thức đầu tư sinh lời, cơ hội nghề nghiệp rộng mở...
Như một dấu chấm hỏi lớn về việc giáo dục tài chính cho trẻ em ngày càng trở nên cấp thiết trong xã hội đầy biến động, mỗi bậc cha mẹ đều đặt ra câu hỏi: "Có nên giáo dục tài chính, đầu tư tài chính từ nhỏ cho trẻ em không?".
Chia sẻ với PV, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng giám đốc Học viện Thành Công cho rằng, ở Việt Nam, các thế hệ phụ huynh trước đó đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và cảm nhận giá trị mỗi đồng tiền một cách rõ rệt. Từ đó, họ hiểu rõ tầm quan trọng của tiền bạc và nỗ lực để đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào kiếm tiền và chưa quan tâm đến việc giáo dục con cái về tài chính cá nhân đã để lại khoảng trống lớn.
Giới trẻ hiện nay thường tự mày mò và tìm kiếm cách thức quản lý tiền bạc, dẫn đến việc "lạc lối" và mắc phải những sai lầm trong cách tiêu tiền hàng ngày. Trong môi trường truyền thông xã hội, báo chí, chúng ta không khó để bắt gặp những hậu quả của việc thiếu kỹ năng tài chính, như thanh thiếu niên không biết cách quản lý tiền bạc hiệu quả, nợ nần xã hội đen và nhiều tệ nạn gia tăng.
Để giải quyết vấn đề này, việc giáo dục tài chính từ nhỏ cho trẻ em là một bước đi thiết thực và quan trọng. Bắt đầu hướng dẫn về tài chính ngay từ khi còn bé, tại lứa tuổi phù hợp, sẽ giúp trẻ phát triển khả năng quản lý tài chính từ sớm. Tuy nhiên, để tạo ra hiệu quả tối đa, việc giáo dục tài chính cần song hành cùng với quá trình giáo dục về kiến thức, kỹ năng và giá trị giúp trẻ phát triển toàn diện.
"Một yếu tố quan trọng trong việc giáo dục tài chính cho trẻ em là sự hiểu biết về chỉ số FQ (Financial Quotient) - chỉ số thông minh về tài chính. Trong khi IQ (Intelligence Quotient) đo lường chỉ số thông minh thông thường và EQ (Emotional Quotient) đo lường chỉ số cảm xúc, FQ là chỉ số đo lường khả năng quản lý tài chính, đầu tư và định hình tương lai tài chính của mỗi cá nhân. Đây là một khía cạnh quan trọng mà ít được phụ huynh biết đến hoặc thường bỏ qua trong quá trình giáo dục con cái" – chuyên gia Vũ Việt Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tài chính, vấn đề cốt lõi của việc dạy đầu tư tài chính cho trẻ em không phải nằm ở việc dạy con làm giàu ngay lúc đó mà quan trọng nhất là dạy cho trẻ các kiến thức liên quan tài chính. Đó là hiểu biết về giá trị đồng tiền, cách sử dụng đồng tiền thông minh, hướng đầu tư hiệu quả và quản trị tài chính tốt hơn trong tương lai... Điều cần lưu ý là cách quản lý như thế nào của cha mẹ.
Vì sao nên định hướng giáo dục tài chính cho trẻ em?
Theo TS Vũ Việt Anh, việc giáo dục tài chính cho trẻ em mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, nó giúp trẻ hiểu và đánh giá đúng giá trị của tiền bạc, phát triển thái độ tiết kiệm và cân nhắc trong việc chi tiêu. Trẻ sẽ nhận thức rõ rằng tiền không dễ kiếm và đòi hỏi sự công phu, từ đó trở nên tự giác và trách nhiệm hơn trong việc sử dụng tiền bạc.
Hơn nữa, giáo dục tài chính giúp trẻ xây dựng những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, từ việc lập ngân sách, tiết kiệm đến đầu tư và tạo thu nhập bền vững. Những kỹ năng này sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của trẻ trong tương lai, giúp họ đạt được mục tiêu tài chính cá nhân và định hình cuộc sống mà trước đây có thể chỉ là giấc mơ.
Đối với xã hội, việc giáo dục tài chính cho trẻ em là một cách để đảm bảo tương lai tài chính bền vững. Khi trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về tài chính, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội, góp phần giảm bớt tình trạng nợ nần và tăng cường sự ổn định tài chính.
Từ việc nhận thức vấn đề, các bậc cha mẹ cần tham gia và hỗ trợ quá trình giáo dục tài chính cho trẻ em. Đồng thời, các tổ chức giáo dục và cơ quan chức năng cũng nên đẩy mạnh việc phát triển chương trình giáo dục tài chính phù hợp với các độ tuổi, tâm lý lứa tuổi của trẻ em.
Giáo dục cũng cần bắt đầu từ nhu cầu tự nhiên của trẻ chứ không chỉ là gò ép theo mong muốn của phụ huynh và người giám hộ. Bằng cách hợp tác chặt chẽ, chúng ta có thể xây dựng một thế hệ trẻ biết quản lý tài chính, tự chủ và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Việc giáo dục tài chính cho trẻ em không chỉ đảm bảo cho cuộc sống cá nhân của trẻ mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của xã hội. Đó là một hành trình dài, đòi hỏi sự quan tâm, kiên nhẫn và tương tác liên tục từ phía các bậc cha mẹ và cộng đồng giáo dục.