Nở rộ xe ôm công nghệ 'nhái'
Tài xế 'ma', app giả nhan nhản tại các bến xe, nhà ga, sân bay, chợ, trường... trà trộn, len lỏi giữa hàng ngàn màu áo xanh, vàng chính thống. Lực lượng này hoạt động dưới vỏ bọc tài xế xe ôm công nghệ, có đồng phục, có tài khoản (giả) để lòe bịp khách hàng. Nhiều nạn nhân bị 'chặt chém' từ kiểu giả mạo này và họ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay...
Ra đường gặp tài xế “ma”
Chỉ cần lơ là, mất cảnh giác hay không rành rẽ việc đặt xe qua ứng dụng, nhiều người có thể trở thành “con mồi” của nhóm tài xế giả mạo GrabBike. Họ sử dụng phần mềm giống hệt phần mềm xe ôm công nghệ thông thường, tuy nhiên bằng cách nào đó, các app (ứng dụng) này đã nhảy giá cước cao gấp nhiều lần so với giá thực của các hãng xe ôm công nghệ đang chạy hiện nay.
Xuống xe tại bến xe Miền Đông (Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vào lúc 5h sáng, bà Lê Thị Nga (Gia Lai) đang loay hoay xếp đồ thì có một anh mặc áo xe ôm công nghệ chạy tới hỏi đi đâu, anh ta sẽ chở tới tận nơi. Cũng vài lần xuống thành phố, đã nhận diện được màu áo xe ôm công nghệ nên bà vui vẻ trả lời mình cần về hẻm gần Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh (Q.4) để thăm con gái. Anh xe ôm nhanh nhảu xách túi giúp bà Nga và hối thúc bà lên xe. Bà Nga hỏi giá bao nhiêu? Anh này nói 150 ngàn đồng. Giá đó là quá cao, vì trước đó bà Nga đi xe ôm bên ngoài chỉ hết 70-80 ngàn. Anh xe ôm liền rút điện thoại ra bật app rồi đưa cho bà Nga xem giá hiện trên app là 165 ngàn. Bà Nga nhìn thấy tận mắt rõ ràng, không tin không được. Đang phân vân thì anh xe ôm chốt lại: “Thôi lấy chị 130 ngàn, coi như tôi giảm giá mở hàng”. Bà Nga đồng ý.
Về tới phòng con gái, bà kể lại cuốc xe đắt đỏ thì con gái ngớ người ra. Cô đặt thử quãng đường từ bến xe về phòng trọ của mình thì chỉ hết 35 ngàn với xe máy, 80 ngàn với xe ô tô. Tuy nhiên, hai mẹ con bà Nga không hiểu vì sao xe ôm công nghệ lại lấy đắt thế, bà Nga tận mắt nhìn thấy giá tiền hiện trên app của tài xế.
Cũng tại bến xe Miền Đông, mới đây chúng tôi đi công tác từ Tây Nguyên về bến vào lúc 4h sáng. Khi xe ô tô thả người bên ngoài bến, có khoảng chục tài xế vừa xe ôm truyền thống vừa công nghệ chạy lại bắt khách. Chúng tôi chọn một tài xế xe công nghệ Grab để hỏi giá từ bến xe về Q.7. Tài xế này nói 160 ngàn và lôi điện thoại ra đặt app cho khách xem. Giá tiền trên app hiện 176 ngàn với chính xác địa chỉ tôi cung cấp. Chúng tôi nói giá quá cao thì anh tài xế bảo: “Đi hỏi chỗ khác cũng vậy thôi”. Chúng tôi tiếp tục hỏi một tài xế xe ôm công nghệ khác và được “chặt chém” y như vậy. Lúc này, chúng tôi lấy điện thoại của mình ra đặt app của hãng Grab chỉ hết 98 ngàn đồng, với app Be là 95 ngàn, còn app Gojek 97 ngàn, số tiền chênh lệch giữa các app rất nhỏ. Chúng tôi đưa máy điện thoại cho tài xế ban đầu xem thì anh này buông một câu rất vô tư: “Giá nhiêu chạy nhiêu” và đồng ý với giá hiện trên app của chúng tôi.
Với những chiêu thức này, tại các bến xe, sân bay nhiều hành khách từ quê lên không rành về app sẽ bị nhóm tài xế giả này “chặt chém” không thương tiếc. Thậm chí, cả những người sành sỏi về công nghệ vẫn “dính bẫy”. Vào cuối tháng 11 vừa qua, chị Lê Thị Ánh Hồng (40 tuổi, ngụ Đà Nẵng) đáp chuyến bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, khi vừa ra khỏi cổng nhà ga, chị Hồng bắt gặp một nhóm xe ôm công nghệ đứng ngay vị trí “vàng” của lối ra. Tại đây, cánh tài xế ùa vào hỏi thăm khách đi đâu, về đâu. Một tài xế mặc áo xe ôm công nghệ áp sát chị Hồng và giành lấy vali xách hộ, sau đó hỏi chị về đâu. Khi biết địa chỉ cần về ở Q.3, tài xế này bốc điện thoại ra đặt app và đưa cho chị Hồng xem giá cước 185 ngàn. Chị Hồng hỏi lại app giá cao quá thì anh này lý giải đang giờ cao điểm, không tin thì hỏi các tài xế khác. Ngay lúc này, một người trong nhóm tiến lại nói dứt khoát với chị Hồng: “150 ngàn, em chở luôn cho, khỏi đặt app nữa, xem như giúp tụi em khoản chiết khấu hoa hồng”.
“Tôi vẫn không tin nên lấy điện thoại của mình ra đặt thì chỉ có 49 ngàn và đưa cho các tài xế xem, một người nhanh chóng bỏ đi tìm mối khác, người kia thì quăng lại cho tôi một câu: Muốn rẻ thì lội bộ ra ngoài kia mà bắt xe”, chị Hồng kể.
Cũng từng bị “chặt chém” từ tài xế xe ôm công nghệ “nhái” khi bắt xe ở khu vực sân bay, chị Nguyễn Thị Thu Ngọc (ngụ Q. Bình Thạnh) bức xúc kể: “Khi tôi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, do vội về nhà có việc nên đã chọn đại một tài xế xe ôm công nghệ đang đứng ngay cổng ra vào. Tài xế nói với tôi lấy đúng giá trên app nên tôi yên tâm. Về tới nhà, tài xế mở app ra đưa cho tôi xem số tiền là 120 ngàn cho đoạn đường từ sân bay về tới đường Nguyễn Xí (Q. Bình Thạnh) chỉ khoảng hơn 5 cây số.
“Tôi giật mình, hỏi tại sao nhiều thế, bình thường bắt app từ nhà ra sân bay chỉ dao động 35-40 ngàn thôi. Cảm thấy có gì đó sai sai nên tôi đã lấy điện thoại của mình ra đặt app thì chỉ có 36 ngàn đồng. Tôi to tiếng với tài xế, nói sẽ khiếu nại lên tổng đài, lúc này tài xế mới dịu giọng và nói: “Thôi được rồi, tính đúng số tiền trên app của chị đi”. Sau lần bị app giả “chém giá”, chị Ngọc tự nhủ sẽ không bao giờ để cho tài xế tự đặt app thay mình nữa.
Ra đường gặp tài xế “ma”, app giả đã không còn là chuyện mới lạ nữa, cảnh này diễn ra thường xuyên hơn do nhiều đối tượng giả danh tài xế xe ôm công nghệ. Ngoài mượn danh qua bộ đồng phục thì nhiều người còn mua bán app hoặc chạy thuê khiến tình trạng thật giả lẫn lộn, khách hàng rất khó nhận biết dẫn đến bị móc túi, lừa tiền. Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Tươi (40 tuổi, ngụ Đắk Lắk) khi xuống Bình Dương làm hồ sơ rút bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi xong việc, chị Tươi nhờ một tài xế mặc áo xe ôm công nghệ đang đứng ở cổng khu công nghiệp chở mình từ TP Dĩ An (Bình Dương) đến ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) để từ đó đón xe khách trở về quê.
Chị Tươi không biết dùng app, nghe tài xế nói sẽ lấy theo giá trên app nên đã tin tưởng. Khi tới nơi, tài xế thông báo số tiền là 250 ngàn. Chị Tươi phản ứng lại thì tài xế đưa app ra cho chị xem. Ngậm đắng nuốt cay, chị Tươi phải móc tiền ra trả mà không biết vì sao app lại hiện số tiền cao ngất ngưởng như thế. Trả tiền xe ôm “đểu” xong, chị Tươi không còn đủ tiền để mua vé xe về lại nhà đã phải gọi điện cho người quen trợ giúp.
Đủ trò hoán cải
Vì sao vẫn app đó nhưng lại hiện giá quá cao, chúng tôi đem thắc mắc này hỏi anh Trần Công Minh, một tài xế có 6 năm làm xe ôm công nghệ. Anh Minh cho biết, họ thường sử dụng chiêu trò mở app, rồi nhập 2 hay 3 điểm đến cùng lúc trên chặng hành trình, để hệ thống báo giá cao hơn, nhằm qua mặt, lừa dối, móc túi khách hàng. Hoặc, cách khác họ sẽ mở ứng dụng Grab chọn điểm xuất phát xa hơn so với vị trí thực tế, hoặc đi loại xe máy thông thường nhưng lại lấy giá cước của loại xe khác như: Xe máy cao cấp, ô tô để "chặt chém". Thực tế, chiêu trò mà những tài xế xe ôm công nghệ giả sử dụng đã diễn ra từ lâu, họ thường chia từng nhóm nhỏ để dễ hoạt động. Tất nhiên, những người này không phải tài xế chính thức của hãng, họ chỉ mặc đồng phục để giả danh nên không nằm trong sự quản lý của hãng, khi có khiếu nại, các hãng sẽ không chịu trách nhiệm.
Xe ôm công nghệ thật đòi hỏi một quá trình nộp hồ sơ, ứng tuyển, đóng phí thế chân... và không phải ai cũng đủ điều kiện làm xe ôm công nghệ. Nạn xe ôm công nghệ giả nở rộ bởi việc mua bán đồng phục quá dễ dàng. Chỉ cần bỏ ra 150 ngàn đồng là có một chiếc áo và mũ mang nhãn hiệu xe ôm công nghệ. Khoác trên mình tấm áo, bất cứ ai cũng có thể là xe ôm công nghệ. Họ chèo kéo, giành giật khách hàng với tài xế khác, thậm chí hăm dọa nếu gặp phải phản ứng. Với chiêu trò này, các đối tượng vừa đẩy giá cước cao lên, vừa hưởng trọn số tiền mà không tốn một đồng chiết khấu nào.
Điều này làm đội ngũ xe ôm công nghệ chính thống lao đao, giảm sút đáng kể thu nhập khi phải cạnh tranh với hàng ngàn đồng nghiệp chính thống và không chính thống, đồng thời phải đóng chiết khấu lên tới trên 30%. Ông Phạm Mi Sên, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ Q. Bình Tân, cũng là một tài xế xe ôm công nghệ thổ lộ: “Các nhà máy giảm lao động, công nhân mất việc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nên lực lượng tài xế tăng rất nhanh. Nhiều đến nỗi các hãng trì hoãn nhận tài xế mới. Nhiều người đăng ký chờ 2 tháng mà chưa được mở tài khoản hoạt động. Vì nguồn cung lao động quá dồi dào nên hãng quay ra siết các quy định khiến tài xế rất dễ bị khóa tài khoản. Tài xế bị khách hàng phàn nàn 2 lần sẽ bị tạm đình chỉ, 3 lần sẽ cắt vĩnh viễn. “Khi một người trở thành tài xế tức chúng tôi vừa mất khách hàng, vừa bị cạnh tranh cuốc, để thu nhập tăng 8%, thời gian làm việc của xế phải tăng 50%. Nhiều người làm ngày đêm, không dám nghỉ ngơi, ăn ngủ trên xe mới đảm bảo thu nhập đủ sống”.
Trước thực trạng giả mạo tài xế xe ôm công nghệ hoạt động ngày càng gia tăng và phức tạp, trả lời báo chí, đại diện Grab Việt Nam khẳng định, công ty luôn thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ rất chặt chẽ. Khi đăng ký trở thành đối tác tài xế của GrabBike, người đăng ký cần hoàn thiện các thủ tục như lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương, có đầy đủ các giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận đăng ký xe và bằng lái xe đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người đăng ký cũng phải tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về dịch vụ do Grab tổ chức như quy định lái xe an toàn, quy tắc ứng xử... Sau khi hoàn tất các thủ tục bắt buộc và các chương trình tập huấn của Grab, người đăng ký mới chính thức trở thành đối tác tài xế GrabBike. Trong suốt quá trình hợp tác và khi ngừng hợp tác, công ty cũng thực hiện quy trình chặt chẽ về việc thu hồi đồng phục cũ, đồng phục lỗi, hỏng.
Nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng lợi dụng đồng phục của hãng, công ty Grab đã gửi văn bản đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đến Công an TP Hồ Chí Minh.
Về phía khách hàng, Grab khuyến khích người dùng luôn đặt xe thông qua ứng dụng Grab để có được thông tin chi tiết về tài xế (hình ảnh, tên, số điện thoại, biển số xe), đồng thời để Grab có thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/no-ro-xe-om-cong-nghe-nhai-i716092/