Nợ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm mạnh
Mặc dù nợ thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) năm 2019 chỉ tương đương 1,9% tổng số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động này, nhưng ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho biết, số nợ thuế XNK tiếp tục giảm mạnh khi ngành hải quan thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
PV. Năm 2020, ngành tài chính quyết tâm giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống tối đa 5% tổng số thu ngân sách nhà nước. Trong lĩnh vực XNK, tình hình nợ đọng thế nào, thưa ông?
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan. Tính đến cuối năm 2018, số nợ do ngành hải quan quản lý là 5.289 tỷ đồng, giảm 1,45% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.374 tỷ đồng; nợ đang chờ xử lý là 100 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu là 3.815 tỷ đồng, chiếm trên 72% tổng nợ của toàn cơ quan hải quan quản lý, trong đó 43,4% các khoản nợ khó thu phát sinh trước thời điểm Luật Quản lý thuế năm 2012 có hiệu lực.
Năm 2019, chúng tôi hạn chế tối thiểu nợ thuế phát sinh, đồng thời tăng cường các biện pháp thu hồi nợ đọng nên tổng số nợ thuế ở mức dưới 1,9% tổng số thu do ngành hải quan quản lý.
Theo quy định hiện hành, chủ hàng phải nộp thuế mới được thông quan, giải phóng hàng (trừ trường hợp được bảo lãnh), tại sao vẫn xảy ra nợ thuế XNK?
Nợ thuế của ngành hải quan là do lưu cữu từ các năm trước để lại. Nguyên nhân là trước đây, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nên Nhà nước cho phép nợ thuế XNK. Đến ngày 1/7/2007, thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2006 vẫn cho phép nợ thuế (trừ hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu), như hàng hóa xuất khẩu được nợ thuế 30 ngày; hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được nợ thuế tới 275 ngày; hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập được nợ thuế 15 ngày; hàng hóa nhập khẩu khác được nợ thuế 30 ngày.
Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp đã chây ỳ, thậm chí bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp sau khi xuất khẩu, nhập khẩu được nợ thuế gặp khó khăn về tài chính, nên không có nguồn để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Chính vì vậy, Luật Quản lý thuế năm 2012 chỉ cho phép nợ thuế 275 ngày đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện rất khắt khe, còn lại doanh nghiệp chỉ được thông quan, giải phóng hàng khi đã nộp tất cả các loại thuế, phí liên quan đến XNK (trừ trường hợp được bảo lãnh). Vì thế, nợ thuế do ngành hải quan quản lý giảm hẳn.
Số thuế có khả năng thu do ngành hải quan quản lý vẫn rất lớn, 1.374 tỷ đồng (tính đến 31/1/2018) trong khi 7 biện pháp cưỡng chế, cơ quan hải quan gần như chỉ có biện pháp duy nhất là dừng làm thủ tục hải quan. Thực ra biện pháp này ít hiệu quả, vậy làm cách nào để thu hồi số thuế nợ đọng?
Nếu chỉ áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp nợ thuế thì đúng là không hiệu quả vì doanh nghiệp nợ thuế vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của cơ quan hải quan và khi cần xuất khẩu hoặc nhập khẩu thì họ thông qua doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, chúng tôi áp dụng cả 7 biện pháp để thu hồi nợ thuế như thực hiện tra soát tài khoản ngân hàng đối với doanh nghiệp nợ thuế và yêu cầu ngân hàng nơi doanh nghiệp nợ thuế mở tài khoản phải trích tài khoản của doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.
Dừng làm thủ tục hải quan nếu doanh nghiệp vẫn chây ỳ. Chúng tôi thông báo với cơ quan thuế để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp dừng hóa đơn, đề nghị cơ quan kế hoạch - đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Thậm chí, chúng tôi đã sử dụng biện pháp mạnh là kê biên tài sản, tịch thu và tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.
Thưa ông, trong khi ngành thuế liên tục công bố danh tính doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, biện pháp này khá hiệu quả, nhưng dường như cơ quan hải quan ít thấy sử dụng biện pháp này?
Cơ quan thuế là quản lý thuế trên địa bàn từng địa phương, vì vậy hằng tháng cục thuế các địa phương, đặc biệt là Cục Thuế Hà Nội, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đăng danh tính doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biện pháp này đúng là khá hiệu quả trong việc thu hồi thuế nội địa. Trong khi đó, hải quan quản lý thuế của doanh nghiệp trên địa bàn toàn quốc, không phân biệt địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở, nên đăng thông tin trên các phương tiện thông tin ở địa phương hiệu quả không cao.
Đột phá trong quản lý nợ thuế là việc thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14. Thưa ông, triển khai Nghị quyết này, nợ thuế XNK chắc chắn sẽ giảm mạnh?
Đúng thế, như tôi đã nói, nợ thuế XNK chủ yếu là do nợ cũ không khoanh, không xóa được, nên cứ mỗi ngày qua đi nợ sẽ phát sinh do tính tiền chậm nộp. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt đối với doanh nghiệp không có khả năng nộp ngân sách nhà nước chắc chắn nợ thuế do ngành hải quan quản lý sẽ giảm mạnh.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 94/2019/QH14, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tập hợp hồ sơ thuộc đối tượng được xóa nợ, khoanh nợ và thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo đúng quy định.