'Nợ' tiếng Anh đầu vào, học phí chương trình liên kết quốc tế tới 1,2 tỷ đồng
Chỉ xét tuyển bằng học bạ với điểm trung bình lớp 12 từ 6,0 điểm, thí sinh chưa có chứng chỉ IELTS 5.5 vẫn có thể trở thành SV chương trình liên kết quốc tế.
Băn khoăn giữa chương trình quốc tế và liên kết quốc tế
Trong những năm qua, Trường Đại học Tài chính - Marketing đã mở rộng hợp tác đào tạo đại học với một số trường đại học trên thế giới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm 2022, Trường Đại học Tài chính - Marketing tiếp tục tuyển sinh các chương trình quốc tế và liên kết quốc tế. Mặc dù cùng là chương trình đào tạo của Viện Đào tạo quốc tế (Trường Đại học Tài chính - Marketing) và cùng đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, song, lại khác nhau từ chuẩn đầu vào, mô hình học tập, phân phối chương trình, đến đội ngũ giảng viên và học phí...
Chương trình quốc tế (còn gọi là chương trình Chất lượng cao tiếng Anh toàn phần) do Trường Đại học Tài chính - Marketing cấp bằng: Tuyển sinh 3 chuyên ngành gồm Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing. Tất cả các sinh viên trúng tuyển vào Trường Đại học Tài chính - Marketing đều có thể đăng ký học chương trình này, với điều kiện tiếng Anh đầu vào phải đạt từ 250 TOEIC trở lên.
Chuẩn đầu ra của sinh viên theo học chương trình quốc tế sẽ bao gồm bằng tiếng Anh chuẩn IELTS 6.5 hoặc tương đương; Tin học đầu ra MOS theo chuẩn quốc tế; các kỹ năng mềm theo quy định của chương trình và các chương trình đào tạo tiên tiến, tương đồng với các chương trình đào tạo trên thế giới, giảng dạy và học tập toàn bộ bằng tiếng Anh.
Theo giới thiệu, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng đại học chính quy, kèm theo giấy chứng nhận và bảng điểm ghi rõ chương trình quốc tế, đồng thời sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo và học lực của sinh viên.
Bên cạnh chương trình đào tạo quốc tế hệ chính quy lấy bằng của Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhà trường còn tuyển sinh và đào tạo hệ liên kết quốc tế.
Đây được giới thiệu là một trong những chương trình đào tạo tiên tiến của nhà trường, thực hiện liên kết với các trường đại học trong và ngoài khu vực, đưa các chương trình đào tạo của nước ngoài về giảng dạy ngay tại Việt Nam.
Trường Đại học Tài chính - Marketing thực hiện liên kết với các trường đại học trong khu vực, gồm Trường Đại học UCSI - Malaysia (chuyên ngành Quản trị kinh doanh) và Trường Đại học HELP - Malaysia (gồm các chuyên ngành: Tài chính; Kế toán; Marketing; Kinh doanh quốc tế).
Ngoài ra, Trường Đại học Tài chính - Marketing còn có chương trình liên kết hình thức chuyển tiếp du học tại Canada: Liên kết với Trường Đại học Thompson Rivers (Canada) đào tạo theo mô hình 2+2 chuyên ngành Marketing; Kinh doanh quốc tế.
Đăng ký chương trình đào tạo liên kết, sinh viên có thể lựa chọn học tập theo 1 trong 3 mô hình sau: Mô hình 4+0 (học toàn phần tại Việt Nam); mô hình 3+1 (3 năm học tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, 1 năm học tại Malaysia); mô hình 2+2 (2 năm học tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, 2 năm học tại Malaysia).
Ngoài ra, sinh viên đăng ký chương trình này, có cơ hội chuyển tiếp du học tại các quốc gia khác ngoài Malaysia. [1]
Chương trình quốc tế điểm trúng tuyển thấp hơn chương trình đại trà
Thống kê qua một số năm gần đây cho thấy, điểm trúng tuyển của các chuyên ngành thuộc chương trình quốc tế qua các năm gần đây đều thấp hơn so với điểm trúng tuyển cùng chuyên ngành thuộc chương trình chuẩn (đại trà).
So sánh chuyên ngành Marketing (theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông): Năm 2019, điểm trúng tuyển của chương trình đại trà là 24,5 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 18,5 điểm. Năm 2020, chương trình chuẩn lấy 26,1 điểm, chương trình quốc tế lấy 24,8 điểm. Năm 2021, điểm chuẩn của chương trình đại trà là 27,1 điểm, trong khi chương trình quốc tế lấy 24,0 điểm. Năm 2022, chương trình chuẩn lấy 26,7 điểm, trong khi chương trình quốc tế lấy 25 điểm.
So sánh chuyên ngành Quản trị kinh doanh (theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông): Năm 2019, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 22,3 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 18,7 điểm. Năm 2020, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 25,3 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 20,7 điểm. Năm 2021, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 25,9 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 24,0 điểm. Năm 2022, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 25,0 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 23,0 điểm.
So sánh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế (theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông): Năm 2019, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 23,75 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 20,0 điểm. Năm 2020, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 25,8 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 21,7 điểm. Năm 2021, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 26,4 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 24,0 điểm. Năm 2022, điểm trúng tuyển chương trình chuẩn là 25,7 điểm, trong khi chương trình quốc tế chỉ lấy 24,3 điểm.
Trong khi đó, đối với chương trình liên kết quốc tế, Trường Đại học Tài chính - Marketing chỉ nhận xét tuyển dựa trên điểm học bạ trung học phổ thông.
Đối với trình độ đại học các chương trình liên kết đào tạo, đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 4, theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (tương đương trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu hoặc IELTS 5.5-6.5), theo quy định cụ thể tại Điều 16 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018.
Theo đó, điều kiện xét tuyển chương trình liên kết quốc tế năm 2022 với 200 chỉ tiêu, là thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (từ năm 2016 đến nay); có điểm trung bình lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên; có chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt từ 5.5 trở lên (trường hợp chưa có chứng chỉ, vẫn được nhà trường “cho nợ” và tổ chức thi xếp lớp, đào tạo lại từ đầu về tiếng Anh).
Đối với thí sinh có IELTS từ 5.5 trở lên, sẽ được học thẳng vào năm 2 chuyên ngành, rút ngắn thời gian học đại học chỉ còn 3 năm.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến 2022 - Giới thiệu chương trình liên kết quốc tế, Thạc sĩ Vũ Thị Tình - Phó Trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Viện Đào tạo quốc tế (Trường Đại học Tài chính - Marketing) khẳng định: “Chương trình học tiếng Anh của hệ liên kết quốc tế hầu như bắt đầu từ cơ bản, không khó. Các thí sinh sau khi học 7 năm tiếng Anh ở bậc phổ thông thì sẽ theo được chương trình tiếng Anh đại học, đặc biệt của chuyên ngành thuộc hệ liên kết quốc tế”.
Có thí sinh đặt câu hỏi: “Không phải học sinh phổ thông nào cũng học tốt tiếng Anh, nếu trình độ tiếng Anh chỉ ở mức trung bình - khá thì liệu có theo kịp chương trình không?”.
Thạc sĩ Vũ Thị Tình giải đáp: “Các em sinh viên hãy yên tâm, khi đã học xong chương trình trung học phổ thông thì các em đã có khối lượng kiến thức khá cơ bản về tiếng Anh. Và chương trình liên kết quốc tế của nhà trường được xây dựng từ mức rất cơ bản, nên nếu các em ở mức trung bình, thì trong năm đầu tiên, các em cố gắng học, các em vẫn có thể theo được. Thực tế chứng minh, các bạn sinh viên khóa trước vẫn học và học khá tốt.
Nếu thực sự các em có quyết tâm học chương trình liên kết quốc tế, thì khi tiếng Anh chưa đủ đáp ứng, các em có thể lựa chọn học chậm hơn một chút, để dành thêm một năm học thêm tiếng Anh chẳng hạn”. [2]
Chương trình liên kết quốc tế mô hình 3+2, học phí lên tới 1,2 tỷ đồng
Theo danh sách các chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn trong nước của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (cập nhật đến ngày 30/11/2022): Trường Đại học Tài chính - Marketing có một số chuyên ngành chương trình chuẩn được đánh giá ngoài, công nhận đạt trên 90% bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Có thể kể đến các chuyên ngành như: Tài chính - Ngân hàng, Marketing, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Kế toán... Tuy nhiên, không thấy dữ liệu về các chuyên ngành thuộc chương trình quốc tế hay liên kết quốc tế của nhà trường. [3]
Tương tự, theo danh sách các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (cập nhật đến ngày 30/11/2022): Trường Đại học Tài chính - Marketing có một số chuyên ngành chương trình chuẩn và chương trình chất lượng cao được đánh giá ngoài, công nhận đạt trên 90% bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, có các chuyên ngành Marketing; Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Kế toán; Quản trị kinh doanh tổng hợp (chương trình đào tạo chất lượng cao)... Tuy nhiên, không thấy dữ liệu về các chuyên ngành thuộc chương trình quốc tế hay liên kết quốc tế của nhà trường. [4]
Học phí năm học 2022-2023 đối với sinh viên hệ chính quy của Trường Đại học Tài chính - Marketing như sau:
+ Chương trình chuẩn: cao nhất là 19,5 triệu đồng/sinh viên/năm, tương đương 78 triệu đồng/khóa.
+ Chương trình chất lượng cao: cao nhất 36,3 triệu đồng/sinh viên/năm.
+ Chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần (chương trình quốc tế): 55 triệu đồng/năm, tương đương 220 triệu đồng/khóa (gấp 2,8 lần học phí chương trình chuẩn).
+ Chương trình liên kết quốc tế:
Mô hình 2+2 (dành cho sinh viên có chứng chỉ IELTS 5.5 đầu vào): 2 năm học tại Trường Đại học Tài chính - Marketing (Việt Nam) + 2 năm cuối chuyển tiếp học tập tại Trường Đại học Thompson Rivers (Canada).
Mô hình 3+2 (dành cho sinh viên chưa có chứng chỉ IELTS 5.5 đầu vào): 3 năm học tại Trường Đại học Tài chính - Marketing (năm 1 - học tiếng Anh, năm 2 và năm 3 - học chuyên ngành) + 2 năm cuối chuyển tiếp học tập tại Trường Đại học Thompson Rivers.
Căn cứ vào mô hình học tập mà sinh viên lựa chọn, mức học phí sẽ có sự thay đổi. Chẳng hạn, với mô hình 4+0, sinh viên học toàn phần trong nước, học phí là 57 triệu đồng/năm, tương đương 228 triệu đồng/khóa.
Với các mô hình khác: Sinh viên sẽ chi trả học phí tại Việt Nam khoảng 57 triệu đồng/năm/2 học kỳ. Sau khi chuyển tiếp sang Canada, sinh viên đóng khoảng 18.000 CAD/năm/2 học kỳ cùng tiền sinh hoạt phí khoảng 12.000 CAD/năm, tức là tổng 30.000 CAD/năm (tương đương hơn 520 triệu đồng/năm).
Như vậy, nếu một sinh viên học theo mô hình 3+2, tổng học phí toàn khóa sẽ khoảng hơn 1,2 tỷ đồng (gấp hơn 15,5 lần học phí chương trình chuẩn trong một khóa).
Các trường đại học liên kết được xếp hạng ra sao?
So sánh xếp hạng ngày 12/12/2022 tại Ranking Web of Universities: Trường Đại học HELP (Malaysia) đứng thứ 7047 theo xếp hạng thế giới, Trường Đại học UCSI (Malaysia) đứng thứ 2312 theo xếp hạng thế giới; Trường Đại học Thompson Rivers (Canada) đứng thứ 1778 theo xếp hạng thế giới.
Trên trang universityguru.com, bảng xếp hạng các đại học thế giới được Tổ chức xếp hạng Webometrics (Phòng thí nghiệm Cybermetrics, một thành viên của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha - CSIC) công bố vào tháng 1/2022 cho thấy: Trường Đại học HELP xếp thứ 5252; Trường Đại học UCSI xếp thứ 2438; Trường Đại học Thompson Rivers xếp thứ 1784.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuyensinh.ufm.edu.vn/vi/thong-tin-tuyen-sinh-lien-ket-quoc-te/dh-tai-chinh-marketing-tuyen-sinh-chuong-trinh-quoc-te-lien-ket-quoc-te-bang-cap-quoc-te-chi-phi-viet-nam
[2] https://www.youtube.com/watch?v=iIhQS2EyeaE
[3] https://moet.gov.vn/content/tintuc/lists/news/Attachments/8336/3-ds-ctdt-hoan-thanh-tdg-30112022.pdf
[4] https://moet.gov.vn/content/tintuc/lists/news/Attachments/8337/4-ds-ctdt-duoc-cong-nhan-dat-tccl-30112022.pdf