Nổ túi ngực khi đi máy bay: Bác sĩ lý giải sự thật bất ngờ

Các bác sĩ thẩm mỹ khẳng định túi ngực không bị ảnh hưởng bởi áp suất khi đi máy bay và càng không thể nổ khi đi máy bay mà bởi những lý do khác.

Túi ngực chứa silicone dạng gel đặc nên dù có bị vỡ cũng không gây chảy máu như nhiều người lầm tưởng

Túi ngực chứa silicone dạng gel đặc nên dù có bị vỡ cũng không gây chảy máu như nhiều người lầm tưởng

Vỡ túi ngực do áp suất máy bay?

Thời gian gần đây có khá nhiều thông tin về vỡ túi ngực khi đi máy bay. Gần đây nhất là chuyến bay của Vietnam Airlines khởi hành từ TP HCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái nghi ngờ do nổ túi ngực sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Thông tin này khiến không ít chị em hoang mang. Tuy nhiên, theo chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, chiếc túi nâng ngực không bị vỡ, không phải là "thủ phạm" khiến người phụ nữ bị chảy máu.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trường hợp của nữ bệnh nhân trên không thể là nổ túi ngực do chênh lệch áp suất. "Áp suất khí quyển bình thường và trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương ở mặt đất. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng trong máy bay sẽ giữ nguyên, trừ trường hợp vào vùng không khí loãng, máy bay rơi tự do gây ra chênh lệch, dẫn đến chảy máu mũi, khó thở. Với áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất nên không thể xảy ra hiện tượng nổ túi ngực. Ngoài ra, độ bền của túi rất cao, có thể đặt chúng dưới đất để ô tô đi qua không hề vỡ" - bác sĩ Thọ khẳng định.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hải, chuyên về Laser - Phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lý giải trên thực tế vỡ túi ngực do chênh lệch áp suất khi đi máy bay là trường hợp rất khó xảy ra vì hiện nay các loại túi độn ngực đều có cấu tạo gồm 2 phần: Phần vỏ túi và phần gel silicon, phần vỏ túi có cấu tạo khác nhau tùy từng hãng; còn phần gel silicon bên trong là chất liệu silicon y tế tổng hợp dẻo, dai, chịu được lực tác động lớn, rất bền với áp suất.

"Nếu có lỗi kỹ thuật làm chất gel rò rỉ ra bên ngoài thì cũng chỉ khu trú tại khoang đặt chất liệu, không lan tỏa trong mô tổ chức xung quanh. Khi đó có thể gây viêm nhiễm tại chỗ hoặc gây biến dạng ngực chứ không gây chảy máu. Nếu không có lỗi kỹ thuật thì túi chỉ vỡ khi bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, do tai nạn, hoặc do chỗ gấp của vỏ túi lâu ngày gây ra rách thủng" - bác sĩ Hải giải thích thêm.

Túi ngực có "tuổi thọ" bao lâu?

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hải, trường hợp ngực bị chảy máu mà bệnh nhân hoặc người khác có thể nhìn thấy thường là từ vết mổ mới sau phẫu thuật hoặc là do vết mổ liền chậm hoặc do bệnh nhân mới nâng ngực, đang theo dõi nhưng đã làm những thao tác nặng, khiến viết thương bị ảnh hưởng. Do đó, để hạn chế nguy cơ chảy máu sau nâng ngực, cần được băng ép tối thiểu 1 tháng bằng băng thun hoặc áo định hình để hỗ trợ việc ổn định vết mổ. Dùng đúng và đủ theo đơn thuốc. Nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh sau mổ và tránh các loại thức ăn mà cơ thể dễ dị ứng (tùy từng người). Bên cạnh đó, nên bổ sung các thức ăn và trái cây giàu vitamin A, C, E... để cải thiện vùng da sau phẫu thuật, cho cơ thể khỏe mạnh. Tái khám đúng hẹn sau phẫu thuật thẩm mỹ. Sau phẫu thuật độn ngực ổn định vẫn có thể đi khám tuyến vú định kỳ thông thường, túi độn không gây trở ngại đến việc phát triển của các khối u vú.

Túi ngực chịu được tác động rất lớn nên không thể bị nổ trên máy bay

Túi ngực chịu được tác động rất lớn nên không thể bị nổ trên máy bay

Bác sĩ nội trú Trần Sinh Lục (Đại học Y Hà Nội) cho biết trường hợp người phụ nữ đi máy bay chảy máu ở ngực có thể là người này bị chảy máu sau phẫu thuật chứ không phải túi nâng ngực bị vỡ. Trên thực tế, vật liệu nâng ngực trải qua rất nhiều nghiên cứu và thực nghiệm. Các nhà sản xuất phải lấy mẫu túi ngực ngẫu nhiên trong lô sản xuất để thử nghiệm bằng cách sử dụng ôtô trọng lượng 2.200 kg chèn qua; sử dụng búa gõ nhiều lần vào từng vị trí; sử dụng máy kéo thử độ co giãn túi lên đến 300% chiều dài túi; sử dụng túi đưa vào môi trường có nhiệt độ -43,2 độ C.... Túi ngực có độ bền từ 15 - 20 năm, thậm chí nếu kỹ thuật đặt túi tốt, "tuổi thọ" của có thể lên đến 30 năm. Vì thế, trong phẫu thuật thẩm mỹ, túi ngực không thể bị nổ trên máy bay.

Tránh vận động, va chạm mạnh sau nâng ngực

Cũng theo bác sĩ Hải, sau nâng ngực, chị em nên đi lại nhẹ nhàng để khí huyết lưu thông và nhanh phục hồi, không nên nằm một chỗ. Tránh vận động mạnh, chơi thể thao, kéo, bê vác nặng, giơ tay cao cho đến khi vết thương ở ngực liền tốt (2-4 tuần), đồng thời tránh va chạm mạnh vào bầu ngực. Vùng ngực sẽ ổn định sau 6 tháng (tương tự như các phẫu thuật thông thường khác). Chỉ vệ sinh vết mổ bằng nước muối sinh lý và thuốc sát trùng, không để vết thương dính nước hoặc cọ sát trực tiếp lên quần áo ảnh hưởng đến khả năng phục hồi. Trong vòng 6 tháng, hạn chế mặc các loại áo lót có gọng.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/no-tui-nguc-khi-di-may-bay-bac-si-ly-giai-su-that-bat-ngo-20190818094717631.htm