Nợ xấu kiểm soát tốt, chất lượng tài sản của VPBank đứng trong top đầu ngành

Trong bối cảnh thị trường phức tạp như hiện nay, lợi thế cạnh tranh không chỉ thuộc về các ngân hàng có room tăng trưởng tín dụng cao mà còn thuộc về những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và nguồn vốn dồi dào.

Tăng trưởng mạnh đi kèm siết chặt quản trị rủi ro

Trong 9 tháng đầu năm, VPBank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 19.700 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 45.000 tỷ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng TMCP tư nhân.

Nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy, động lực tăng trưởng lợi nhuận của VPBank là từ dịch vụ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất trong 9 tháng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 59,2%, đưa tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trên thu nhập hoạt động của ngân hàng hợp nhất lên trên 30%.

Bên cạnh đó, thu nhập từ lãi của ngân hàng vẫn giữ được phong độ khi tín dụng tăng trưởng tới 15,45% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn tốc độ trung bình ngành (10,96%).

Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng vừa qua, đại diện ban lãnh đạo VPBank cho hay, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiên định room tín dụng 14%, VPBank tập trung tối ưu hóa danh mục, không cạnh tranh khốc liệt mảng huy động vốn.

Được biết, mảng tín dụng bán lẻ hiện đang chiếm tới 70% tổng dư nợ tín dụng của VPBank, tốc độ tăng trưởng lên tới gần 23% trong 9 tháng đầu năm, thuộc top dẫn đầu thị trường về bán lẻ. Nhiều sản phẩm cho vay bán lẻ của VPBank đang có mức độ tăng trưởng rất mạnh như: cho vay mua ô tô tăng trưởng 23%, dẫn đầu thị phần cho vay mua xe du lịch cá nhân; cho vay mua nhà tăng 39% so với cùng kỳ…

“VPBank đang kiểm soát danh mục cho vay tốt, đảm bảo bền vững và đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước”, ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân, VPBank chia sẻ.

Mảng tín dụng bán lẻ hiện đang chiếm tới 70% tổng dư nợ tín dụng của VPBank.

Mảng tín dụng bán lẻ hiện đang chiếm tới 70% tổng dư nợ tín dụng của VPBank.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh tăng trưởng tín dụng và tối ưu hóa danh mục cho vay, VPBank cũng tiếp tục siết chặt quản trị rủi ro, tăng cường xử lý nợ xấu.

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro của VPBank tăng 8,4% (riêng thu hồi nợ đã xử lý rủi ro trong quý 3/2022 tăng 16,2% so với quý trước).

Bên cạnh đó, hoạt động cơ cấu nợ của ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực. Cụ thể, nợ cơ cấu hợp nhất tiếp tục giảm 39% so với quý 2 và chỉ còn chiếm 1,5% tổng dư nợ. Nợ cơ cấu giảm mạnh giúp ngân hàng kiểm soát được mục tiêu nợ xấu và dự phòng rủi ro.

Tính đến cuối quý III/2022, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank ở mức dưới 2% và trong xu hướng giảm so với quý 2. Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của ngân hàng lên tới 15,2%, nằm trong top dẫn đầu toàn ngành.

Trường vốn, vững thanh khoản, VPBank đặt nhiều mục tiêu tham vọng

Báo cáo của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm, tín dụng tăng 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,04%. Huy động tăng chậm trong khi tín dụng tăng nhanh cho thấy thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng. Trong quý 3/2022, nhiều ngân hàng tăng trưởng huy động vốn rất chậm khiến tỷ lệ an toàn thanh khoản (LDR) đã mức chạm trần (85%). Trong bối cảnh này, những ngân hàng có thanh khoản tốt, chất lượng tài sản cao, nguồn vốn dồi dào có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Từ cuối quý III/2022, khi thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng, công tác bảo vệ thanh khoản tại VPBank được đặt lên hàng đầu. Trong thời gian này, ngân hàng cho biết đã liên tục đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quản trị hệ thống.

Nhờ thắt chặt quản trị rủi ro, thanh khoản của VPBank tiếp tục trong trạng thái tốt. Tỷ lệ LDR của VPBank tại thời điểm cuối tháng 9/2022 là 76%, và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 27% (quy định tối đa là 37%). Tính tới cuối tháng 9/2022, huy động vốn của VPBank hợp nhất và riêng lẻ lần lượt tăng 8,4% và 11,9%, cao hơn gấp đôi, gấp 3 tốc độ huy động vốn toàn ngành, giúp ngân hàng đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn thanh khoản.

Xét về quy mô vốn, VPBank là một trong những ngân hàng có tiềm lực lớn nhất hệ thống hiện nay. Vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank tại thời điểm 30/09/2022 đạt 102.27 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cuối năm 2021, trở thành 1 trong 3 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống tại thời điểm hiện tại.

Ngày 8/11 tới đây, khi gần 2,24 tỷ cổ phiếu chia cổ tức của VPBank về tài khoản nhà đầu tư, vốn điều lệ VPBank cũng chính thức tăng lên 67.000 tỷ đồng, dẫn đầu vốn điều lệ toàn hệ thống.

“Với chỉ số vốn này, chúng tôi có đủ sức đối mặt với mọi tình huống và có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh nếu có”, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank khẳng định.

Theo bà Thảo, với nguồn vốn dồi dào, VPBank đang có nhiều kế hoạch tăng trưởng tham vọng. Tuy vậy, trước mắt, trong bối cảnh thị trường hiện nay, VPBank tập trung bảo vệ thanh khoản và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản. Với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lãnh đạo VPBank tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh mà ĐHĐCĐ thường niên đã đề ra.

Lam Giang

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/no-xau-kiem-soat-tot-chat-luong-tai-san-cua-vpbank-dung-trong-top-dau-nganh-1667524385511.htm