Nợ xấu tăng cao đang đe dọa bức tranh tài chính các ngân hàng ra sao?

Các chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề nợ xấu cần phải quan tâm là phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản, bởi đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này.

Áp lực nợ xấu tăng cao. (Ảnh: Vietnam+)

Áp lực nợ xấu tăng cao. (Ảnh: Vietnam+)

Dù được giãn, hoãn nợ, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2024 vẫn tăng gần 5% so với cuối năm ngoái, trở thành thách thức không chỉ của ngành Ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế.

Nợ xấu tăng

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý. Hiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.

"Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền là tiền gửi của nhân dân," ông Đào Minh Tú cho biết.

Cũng theo Phó Thống đốc, nợ xấu trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại, kể cả những ngân hàng được cho là nhỏ, được giám sát tăng cường, ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt cũng đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Ba ngân hàng “0 đồng” đã hoàn thành định giá và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt những khâu cuối cùng.

Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy nợ xấu cũng tăng lên đáng kể. Trong đó có ACB cập nhật báo cáo tài chính quý 2 với kết quả tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn, lũy kế 6 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 10.490 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù tín dụng tăng trưởng 12,7% lên mức 543.853 tỷ đồng nhưng thu nhập lãi thuần chỉ tăng 11% lên mức 13.833 tỷ đồng.

Nợ xấu cũng là vấn đề với ACB. Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/6 là 1,49%. Tính theo con số tuyệt đối, nợ xấu đã tăng 39% so với cuối năm 2023 lên mức 8.122 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 42% so với đầu năm, lên hơn 5.525 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) cũng tăng 37% lên hơn 1.287 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 25% lên hơn 1.309 tỷ đồng.

 Các chuyên gia cho rằng cần phải vực dậy thị trường bất động sản vì đa số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng cần phải vực dậy thị trường bất động sản vì đa số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản. (Ảnh: Vietnam+)

Trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, xét về số tuyệt đối, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính nợ xấu nội bảng đã tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024 sửa đổi Thông tư 02/2023 tăng khá mạnh, tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Ngoài ra, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

Kịch bản nào ứng xử với nợ xấu?

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ. Trong khi đó, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu nhập của người dân đều giảm sút, khả năng trả nợ suy giảm, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản đảm bảo, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.

Vì vậy, ông Phạm Đức Ấn đề nghị các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, Giám đốc tài chính của DGCapital đưa ra quan điểm, cái khó của các ngân hàng là xử lý dứt điểm nợ xấu. Việc gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng thực chất là kiểu che đi con số thực tế. Hết thời gian gia hạn, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ trở lại nếu khách hàng không trả được nợ.

Hiện nay, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực đồng thời phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.

"Việc thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn. Trong khi đó, sức mua của thị trường chưa mấy cải thiện khiến khả năng và tiến độ trả nợ của doanh nghiệp sụt giảm, kéo theo nợ xấu đi lên," ông Phương nêu quan điểm.

Tổ chức FiinRatings cũng cho rằng năm 2024, tình hình kinh tế khó khăn đang gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trên toàn ngành ngân hàng.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định nợ xấu vẫn tăng dù trong tầm kiểm soát, song là thách thức lớn khi Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề nợ xấu cần phải quan tâm là phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản, bởi đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và đa số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản, 80%-90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản. Nếu muốn xử lý nợ xấu nhanh thì phải vực dậy thị trường bất động sản, còn nếu thị trường bất động sản vẫn "đóng băng" ngân hàng cũng không thể xử lý được nợ xấu.

Nhiều ý kiến kỳ vọng những điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu tháng Tám tới sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đồng thời lãi suất cho vay tiêu dùng đã hạ nhiệt nhiều so với thời điểm trước đó cũng giúp tăng khả năng trả nợ của khách hàng.

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/no-xau-tang-cao-dang-de-doa-buc-tranh-tai-chinh-cac-ngan-hang-ra-sao-post967638.vnp