Nợ xấu tăng chóng mặt, ngân hàng đẩy mạnh thanh lý bất động sản
6 tháng đầu năm, hầu hết nợ xấu tại các ngân hàng đều có chiều hướng tăng lên, song hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là biệt thự, 'sổ đỏ', nhà máy…
Dồn dập xử lý nợ
Gần đây, hoạt động rao bán nợ, đấu giá khoản nợ, xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng diễn ra dày đặc, phản ánh tình trạng nợ xấu của hệ thống đang gia tăng. Dù đã thông báo nhiều lần, thậm chí còn giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay, nhiều ngân hàng vẫn chật vật trong việc bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Mới đây, BIDV thông báo sẽ thu giữ tài sản bảo đảm của CTCP gỗ Phú Minh để xử lý nợ. Khoản nợ tính đến ngày 15/6/2023 có giá trị hơn 51 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 35 tỷ và nợ lãi là 16 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo thực hiện thu giữ là quyền sử dụng đất có địa chỉ tại Tổ 3, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội có diện tích 286 m2. Ngoài ra, tài sản còn có Biệt thự tại Lô III – 1/1, 151A Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, diện tích 120,5m2.
Ngân hàng này cũng thông báo bán đấu giá loạt bất động sản tại thành phố Hà Nội, trong đó có nhiều biệt thự giá trị hàng chục tỷ đồng. Theo đó, bất động sản có diện tích 93,99 m2 tại số 485 phố Đội Cấn, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội được rao bán với giá khởi điểm hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu chợ thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội có diện tích 127,2m2 được bán với giá hơn 17,4 tỷ đồng.
Trước đó vào tháng 6, BIDV cũng ra loạt thông báo bán nợ, đấu giá tài sản, nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua. Theo đó, ngân hàng bán đấu giá khoản nợ của CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng. Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum...
MSB mới đây cũng thông báo đấu giá nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, 2 bất động sản của CTCP thép Việt Pháp tại thành phố Đà Nẵng được rao bán với giá khởi điểm hơn 15,6 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu của một khách hàng cá nhân đem thế chấp 11 “sổ đỏ” tại đây để vay vốn. Trong đó, 3 bất động sản có địa chỉ tại Thôn Trại, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Ninh Bình. 8 bất động sản còn lại có địa chỉ tại Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Giá khởi điểm của toàn bộ 11 bất động sản là hơn 7,6 tỷ đồng, giá của từng tài sản là từ 63 - 846 tỷ đồng.
VietinBank cũng phát thông báo đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của Công ty Nosco Shipyard với giá khởi điểm hơn 2.302 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so lần rao bán trước.
Nợ xấu phình to
Thống kê tại báo cáo tài chính của 29 ngân hàng cho thấy, nợ xấu trong quý II/2023 đã tăng lên nhanh chóng, tăng 33,7% so với cuối năm trước, ghi nhận ở mức gần 220.000 tỷ đồng. Chỉ có 2 đơn vị ghi nhận nợ xấu giảm.
VPBank đang là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất hệ thống với 31.864 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2022. 3 vị trí tiếp theo đều thuộc nhóm “Big 4”, BIDV ghi nhận 25.970 tỷ đồng, tăng mạnh 47%, riêng nợ nghi ngờ tăng gấp 2 lần so với đầu năm lên gần 5.300 tỷ đồng. Nợ xấu Agribank ở mức 25.945 tỷ đồng, tăng 9% và VietinBank là 17.308 tỷ đồng, tăng 10%.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, nợ xấu có xu hướng tăng cao hơn. TPBank là đơn vị ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên tới 188%, với 3.900 tỷ đồng. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh còn bao gồm Sacombank tăng 91%, NamABank tăng 81%, VietABank tăng 74%, MSB tăng 70%, LPBank tăng 65%, Techcombank tăng 65%,…
Đáng chú ý, có đến 10 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay quanh 3%. Cá biệt, một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống, lên đến 25,65% nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại thấp nhất hệ thống, chỉ 8,1%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, sau 2 năm COVID-19, doanh nghiệp vừa khởi động lại thì hứng chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Nhiều khách hàng phản ảnh thiếu đơn hàng, thậm chí không có, có doanh nghiệp phải bán tài sản để duy trì và cầm cự.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Rất nhiều khoản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng. "Thêm nữa, định giá phát mại tài sản không theo giá trị thực tế, mà tính cả gốc và lãi thì sao bán được. Mỗi lần giảm cũng chỉ được 5-10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được", ông Hùng nhận định.
Ngoài ra, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai.
Bà Hiền đề cập, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022, nợ nhóm 2 tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong quý II/2023.