Nợ xấu tăng vọt, VietABank tham vọng mang 500 tỷ nợ có khả năng mất vốn lên HoSE
Tổng nợ xấu của VietABank tại ngày cuối quý 2 đã tăng 52% so với đầu năm, lên mức 1.675 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng theo đó tăng từ 1,59% vào cuối năm 2023 lên 2,26% vào cuối tháng 6/2024.
Nợ xấu của VietABank tăng vọt
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – mã VAB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 332 tỷ đồng, tăng 16,6%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 580 tỷ đồng, tăng 9,5% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả này, VietABank đã thực hiện 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kết quả năm 2023; tổng tài sản tăng 4,3% lên gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 12,36% lên 77.741 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 5,6% lên 92.027 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của VietABank giảm 3.266 tỷ so với đầu năm, xuống còn hơn 108.930 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm chủ yếu do khoản mục tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng giảm 34,4% so với đầu năm, còn 14.410 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng giảm nhẹ so với đầu năm xuống mức 86.327 tỷ đồng.
Ngược lại, dư nợ cho vay khách hàng đạt 73.796 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là chất lượng tín dụng của VietABank đã đi xuống rõ rệt. Tổng nợ xấu của ngân hàng tại ngày cuối quý 2 đã tăng 52% so với đầu năm, lên mức 1.675 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng theo đó tăng từ 1,59% vào cuối năm 2023 lên 2,26% vào cuối tháng 6/2024.
Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 30 tỷ đồng lên mức 605 tỷ, tương đương tăng 5% so với đầu kỳ là gần 575 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng hơn 224 tỷ đồng lên mức hơn 246 tỷ đồng, gấp 11 lần so với đầu kỳ là gần 22 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 319 tỷ đồng lên mức 823 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu kỳ là gần 504 tỷ đồng.
VietABank sẽ mang nghìn tỷ nợ xấu lên sàn HoSE?
VietABank thành lập tháng 6/2003, do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 9/2021 ông Phương Hữu Việt rút lui, vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Phương Thành Long, đảm nhiệm. Ông Phương Thành Long là con trai ông Phương Hữu Lĩnh, anh trai ông Phương Hữu Việt.
Ông Phương Thành Long, (SN 1983), tốt nghiệp ngành Quản trị doanh nghiệp Đại học Bremen (CHLB Đức), thạc sĩ tài chính ĐH Benedictine (Mỹ) và có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc tại các tổ chức tài chính, ngân hàng như Techcombank, VPBank, VietABank…
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT vào năm 2021, ông Long là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc VietABank. Trong giai đoạn này, ông Long phụ trách Khối tài chính kế toán và quản trị rủi ro của ngân hàng.
Dưới thời ông Phương Thành Long, VietABank phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó có sự gia tăng đáng lo ngại của nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao, các khoản nợ khó đòi kéo dài, gây áp lực lớn lên nguồn vốn và khả năng duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Văn Trọng, quyền Tổng giám đốc VietABank đã bất ngờ chia sẻ kế hoạch niêm yết trong năm 2024. Hồ sơ đã được Ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng để khi ĐHĐCĐ thông qua sẽ tiến hành hoàn thiện thủ tục sớm nhất.