Nobel 2024: Demis Hassabis, từ kỳ thủ cờ vua nhí đến nhà tiên phong về AI

Để đạt đến đỉnh cao của giới khoa học, Demis Hassabis đã trải qua một con đường khá đặc biệt: từ một kỳ thủ cờ vua nhí tài năng, giờ đây trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về AI.

Lễ công bố giải Nobel Hóa học năm 2024 tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, ngày 9/10/2024. (Ảnh: AA/TTXVN)

Lễ công bố giải Nobel Hóa học năm 2024 tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, ngày 9/10/2024. (Ảnh: AA/TTXVN)

Ngày 9/10, chuyên gia Demis Hassabis-một nhà tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)-đã được vinh danh với giải Nobel Hóa học nhờ những đóng góp đột phá trong việc phát triển công nghệ dự đoán cấu trúc protein.

Tuy nhiên, để đạt đến đỉnh cao của giới khoa học, Demis Hassabis đã trải qua một con đường khá đặc biệt: từ một kỳ thủ cờ vua nhí tài năng, giờ đây trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về AI.

Sinh ra tại London (Anh), trong một gia đình đa văn hóa với cha là người Cộng Hòa Cyprus gốc Hy Lạp và mẹ là người Singapore, Hassabis bắt đầu chơi cờ vua từ khi mới 4 tuổi. Đến 13 tuổi, Hassabis đã trở thành một kiện tướng (master - cấp độ dùng để chỉ những người chơi có xếp hạng trên 2200 Elo).

Demis Hassabis cho biết những ngày tháng đầu tiên tiếp xúc với cờ vua đã hình thành trong ông niềm đam mê mãnh liệt với việc cải thiện tư duy. Điều này đã thôi thúc ông theo đuổi nghiên cứu AI trong thời gian sau đó.

Demis Hassabis chia sẻ: “Chính cờ vua đã đưa tôi đến với AI. Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn suy nghĩ về cách cải thiện quá trình tư duy của mình.”

Sau khi tốt nghiệp trung học ở tuổi 16, Demis Hassabis dành 1 năm để thiết kế trò chơi điện tử, trong đó có tựa game nổi tiếng "Theme Park" phát hành năm 1994. Ở tuổi 20, ông đã có 5 lần vô địch Pentamind - một giải đấu kết hợp nhiều trò chơi trí tuệ như cờ vua, cờ vây và Scrabble.

Với niềm đam mê các trò chơi, ông Hassabis khuyến khích giới trẻ không chỉ chơi mà còn tìm cách tạo ra trò chơi, vì đó là cách tốt nhất để phát triển tư duy sáng tạo.

Dù xuất phát từ lĩnh vực trò chơi, nhưng Demis Hassabis đã chuyển hướng đam mê của mình sang nghiên cứu AI và não bộ.

Ông theo học ngành thần kinh học tại Đại học College London, với mục tiêu tìm hiểu cách bộ não hoạt động để áp dụng vào việc phát triển AI. Năm 2007, công trình nghiên cứu của ông được tạp chí Science vinh danh là một trong những đột phá khoa học của năm.

Năm 2010, ông Hassabis cùng các cộng sự thành lập công ty DeepMind, tập trung vào phát triển mạng nơron nhân tạo mô phỏng hoạt động của não bộ con người. Chỉ 4 năm sau, Google đã mua lại DeepMind.

Năm 2016, DeepMind trở nên nổi tiếng toàn cầu khi chương trình AI AlphaZero đánh bại kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới. Một năm sau, AlphaZero lại khiến giới cờ vua kinh ngạc khi đánh bại chương trình cờ vua vô địch thế giới Stockfish.

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Hassabis không chỉ là chiến thắng trong các trò chơi. AlphaZero được tạo ra nhằm mở rộng khả năng học hỏi của AI, đưa nó tiến xa hơn những trò chơi trí tuệ đơn thuần.

Sau thành công trong các trò chơi trí tuệ, ông Hassabis đã chuyển hướng sang một vấn đề khoa học cơ bản hơn: dự đoán cấu trúc của protein, những khối xây dựng của sự sống.

Protein có vai trò quan trọng trong các chức năng sinh học của tế bào, nhưng việc dự đoán chính xác cấu trúc 3D của chúng đã thách thức giới khoa học suốt hàng thập kỷ.

Năm 2018, nhóm nghiên cứu của ông Hassabis tại DeepMind đã tham gia cuộc thi Olympic Protein và chương trình AI AlphaFold của họ đã đạt độ chính xác gần 60%, cao hơn nhiều so với mức 40% của các phương pháp trước đó.

Đến năm 2020, AlphaFold đã giải quyết triệt để vấn đề này, khiến giới khoa học công nhận rằng thách thức dự đoán cấu trúc protein kéo dài suốt 50 năm qua đã được chinh phục.

Hiện nay, AlphaFold đã trở thành công cụ quan trọng cho hơn 2 triệu nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, thúc đẩy các nghiên cứu từ thiết kế enzyme cho đến phát triển dược phẩm. Dù rất lạc quan về tiềm năng của AI, nhưng ông Hassabis vẫn cảnh báo về những rủi ro mà công nghệ này có thể mang lại.

Ông nhấn mạnh: “AI là công nghệ có khả năng mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại, nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro.”

Ông tin rằng nếu được phát triển và sử dụng đúng cách, AI sẽ là công cụ mạnh mẽ để cải thiện cuộc sống của con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nobel-2024-demis-hassabis-tu-ky-thu-co-vua-nhi-den-nha-tien-phong-ve-ai-post982478.vnp