Nobel hòa bình thuộc về Chương trình lương thực thế giới

Vượt qua 318 ứng cử viên bao gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức, Chương trình Lương thực Thế giới (The World Food Programme - WFP) đã giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Giải thưởng được công bố vào chiều ngày 9/10.

Cơ quan lương thực của Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đã giành giải Nobel Hòa bình chiều ngày 9/10 (giờ Việt Nam) cho những nỗ lực chống nạn đói và những cống hiến cho hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và tranh chấp. Tổ chức này là một tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, họ luôn hành động để ngăn chặn việc hậu quả của chiến tranh và xung đột là nguyên nhân dẫn tới nạn đói ở nhiều nơi.

Tổ chức WFP, có trụ sở tại Rome cho biết họ giúp khoảng 97 triệu người ở 88 quốc gia mỗi năm để chống lại nạn đói bởi theo thống kê, cứ 9 người trên thế giới thì có một người vẫn không đủ ăn. Phát ngôn viên WFP Tomson Phiri nói giải Nobel Hòa bình là vinh dự và là "một khoảng khắc đáng tự hào" đối với tổ chức của LHQ.

Một máy bay của WFP thả bao tải thực phẩm trong một chuyến bay gần thị trấn Nyal ở Nam Sudan vào năm 2018

Một máy bay của WFP thả bao tải thực phẩm trong một chuyến bay gần thị trấn Nyal ở Nam Sudan vào năm 2018

Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch ủy ban giải Nobel nói trong một cuộc họp báo: “Nhu cầu đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương là điều dễ thấy hơn bao giờ hết. WFP luôn nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một vũ khí trong chiến tranh và xung đột”. Với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 càng làm tăng mức độ nạn đói trên toàn cầu, bà nói.

"Đại dịch coronavirus đã góp phần làm tăng số lượng nạn nhân bị đói trên thế giới", ủy ban Nobel cho biết trong trích dẫn của mình. WFP đã tuyên bố: "Cho đến ngày chúng ta có vắc xin, thực phẩm là loại vắc xin tốt nhất chống lại sự hỗn loạn."

Bà Reiss-Andersen ước tính dựa trên ngân sách hiện có của WFP, có thể sẽ có 265 triệu người chết đói trong vòng một năm nữa. “Vì vậy, đây cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cung cấp tài chính cho Chương trình Lương thực Thế giới,” bà nói.

Người phát ngôn Tomson Phiri cho biết: “Bản thân việc đề cử đã là vinh dự, nhưng để được xướng tên và đoạt giải Nobel Hòa bình là một kỳ tích,” phát ngôn viên Tomson Phiri cho biết tại một cuộc họp báo ở Geneva.

Trong đại dịch COVID-19 khi các hãng hàng không không còn hoạt động, bản thân hoạt động của tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn.

Năm nay rất nhiều ứng cử viên cho Giải Nobel hòa bình nhưng cũng như mọi năm Ủy ban Nobel thường giữ bí mật đến phút chót, điều này cũng khiến dư luận suy đoán trước thời điểm công bố. Nhiều ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng cũng được dự đoán như Tổ chức Y tế thế giới với vai trò trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển, hay thậm chí cả Tổng thống Mỹ Donald Trump. .. Tổng cộng có tới 318 ứng cử viên - bao gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Các cá nhân, tổ chức có quyền đề cử cho Giải thưởng này là các nhà lập pháp quốc gia, nguyên thủ quốc gia và các tổ chức quốc tế ….

Giải thưởng Nobel có phần thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu krona (1,5 triệu USD) và huy chương sẽ được trao tại một buổi lễ ở Oslo, Nauy, vào ngày 10/ 12. Đây là buổi lễ kỷ niệm ngày mất của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel.Buổi lễ năm nay sẽ được thu nhỏ lại do đại dịch.

Hải Yến

(CBC)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nobel-hoa-binh-thuoc-ve-chuong-trinh-luong-thuc-the-gioi--n181242.html