Nobel Văn chương 2019 Peter Handke: 'Trải nghiệm làm người'
Từ cái đêm tối trời, mưa lạnh sau khi bước ra khỏi hầm rượu ấy, là hành trình kỳ dị bất định của ba người đàn ông mang theo gánh quá khứ sau lưng. Người lái xe câm-lặng với bức thư dán kín được ai đó khâu vào trong áo, nhà cựu vô địch Olympic môn trượt tuyết, và một thi sĩ đã từng nổi tiếng. Trên chiếc xe hơi cà tàng, họ chạy theo những đường hầm xuyên qua mọi thế giới…
Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình” là tác phẩm đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của Peter Handke - nhà văn 77 tuổi người Áo vừa giành giải Nobel Văn chương 2019 được dịch ra tiếng Việt (Domino Books và NXB Đà Nẵng ấn hành quý 2/2019, dịch giả Ngụy Hữu Tâm).
Chuyện khởi từ Taxham, một thị trấn kỳ lạ được mô tả nằm bên rìa biên giới nước Đức, mà như nằm bên rìa thế giới. Một nơi hầu như chẳng có ai viếng thăm và ở lại, trừ những người tị nạn sau Thế chiến, những con người bị xua đuổi. Nơi chỉ có “tôi” – nhân vật không tên, và anh chàng Andreas Loser - giáo viên về ngôn ngữ cổ đặt chân đến. Nhưng anh chàng có cái tên dịch theo tiếng Anh là “Kẻ thua cuộc” ấy “giờ đã đi đâu chẳng ai biết”. Còn “tôi” cũng rời khỏi đó từ lâu rồi, đem theo một câu chuyện. Nơi có một tiệm thuốc tây – điểm công cộng đầu tiên mà những cư dân Taxham có thể đến được, mà ông chủ của nó (cũng không có tên) hàng ngày đến để làm việc rồi về lại nhà mình ở thành phố.
Trong ngôi nhà bên bờ sông nơi thành phố cách không xa Taxham ấy, ông dược sĩ sống ly thân với vợ. Mỗi người một không gian. Đến nỗi khi vợ có việc đi vắng, “ông làm chủ toàn bộ ngôi nhà”, nhưng “chẳng biết phải đi đâu, khó tìm lại chỗ đứng cho mình”. Ông chơi ván cờ vua một mình, và cho “đối thủ” thắng. Ông mở tivi, đúng khi cái người trên màn hình mở miệng - trước khi hắn nói được từ đầu tiên, là ông tắt. Ông thỉnh thoảng cũng nhớ về những người thân đã mất. “Khi ấy ông chợt nhớ ra cậu con trai. Thế nhưng nó hoàn toàn chưa mất cơ mà? Không, ông đã đuổi cậu ta đi mà thôi. Hay không, chỉ đơn giản là ông đã khước từ cậu, mất hút, gạt bỏ, quên bẵng?”. Ông cũng có cô con gái đã tốt nghiệp đại học về làm cùng tiệm thuốc. Nhưng rồi cô cùng bạn trai cũng là dược sĩ đã rời “Đảo Vô Vọng” – cách ông gọi Taxham, để sang một hòn đảo khác. Điều mà ông nghĩ “Chính sự vắng mặt của cô hay nói chung của người thân, lại mang may mắn cho ông”.
Một châu Âu, hay một thế giới khắc kỷ, già nua nhàm tẻ, cô đơn, như cái “Đảo Vô Vọng” mang tên Taxham mà Peter Handke muốn dẫn chúng ta vào chăng? Để “khám phá được ngoại diên và sự độc đáo của trải nghiệm làm người” như lời khen tặng của Ủy ban Nobel về văn học. Ngoại diên của những con người đang muốn vứt bỏ đi thời gian và cả đời sống này. “Kể từ hôm nay cho đến khi lịch sử kết thúc, chẳng đọc một tờ báo nào nữa!”. “Kể từ hôm nay, và cho đến khi lịch sử kết thúc, mi sẽ chẳng còn có tên nữa!”. Như những lời sấm nguyền trong trạng thái lơ mơ của viên dược sĩ khi nằm trên chiếc xe hơi to đùng cũ kỹ vừa rửa xong. Trước khi bắt đầu một hành trình “trải nghiệm” không lường trước.
Hành trình khởi đi sau cú đấm bí ẩn giáng mạnh vào đầu viên chủ tiệm thuốc khi bước qua khu rừng mưa buổi tối để đến quán rượu. Để bỗng chốc bị mất tiếng, đến “bập bẹ cũng chẳng được. Không phát ra được lời nào”. Hai kẻ đồng hành với ông là Ngài thi sĩ đang muốn tìm lại đứa con rơi đã bao năm chưa hề biết mặt của mình. Nhà cựu vô địch muốn tìm lại cảm giác của chiến thắng thuở nào. Những con người với lý lịch và câu chuyện như đến từ một kiếp nào đó. Còn viên dược sĩ tìm gì? Ít ra lúc đầu ông ta còn chưa biết phải tìm gì, chỉ bị “buộc phải đi”, trong vai một Tài xế câm-lặng. Một vụ tấn công rất mơ hồ đã đưa con người nhàm chán, vị kỷ ấy sang một “trạng thái mới” mà với khiếu nhận biết mùi vị đặc biệt, ông ta nhận ra “đó là một vụ tấn công qua tổ tiên tôi - ít nhất tôi cũng có thể ngửi thấy thế rất lâu sau cú đấm”.
Những thế giới khác bắt đầu hiện dần ra, với một không-thời gian khác. Theo chiếc xe/chuyến xe dị kỳ không chạy vượt những đường đèo châu Âu, mà xuyên qua những “đường hầm chạy dưới châu lục” đã không còn trạm kiểm soát biên giới nào. Như “đi trong bí hiểm âm u của ma quỷ” mà điểm đến có vẻ như nằm ngay bên cạnh điểm xuất phát. Bên ngoài cửa xe là những bảng hiệu ghi đủ mọi địa danh trên thế giới, ở mọi châu lục.
Hành trình tạm ngưng lại nơi thị trấn xa lạ có biển đề Santa Fe: Thành phố Dạ phong. Mà ai cũng thấy đó như là nơi chốn đã thân thuộc từ lâu với mình. Chỉ có vẻ nơi đó đang ở một “thời gian khác”. Khi cư dân thị trấn không ai còn nhận ra những con người vốn từng được biết đến ấy. Dường như họ đã dọn đi nơi khác, hay những thế hệ ấy đã chết hết rồi? Như Từ Thức trở về với nhân gian.
Nơi đó, thi sĩ đã tìm ra được đứa con gái bị bỏ rơi, nay đang vào vai nữ hoàng của một lễ hội đường phố. Viên dược sĩ dường như cũng chợt nhận ra đứa con trai “mất tích” của mình, dưới hình ảnh một chàng nhạc công trẻ trong đám người Digan. Trong giây phút gặp gỡ cùng cái ôm cha con thật mơ hồ.
Nhưng, hành trình “trải nghiệm làm người” chưa dừng lại cùng cỗ xe chở chúng ta đi. Mà vẫn mải miết men theo biên giới của tự nhận thức. “Tiếng cười vang lên. Chính bản thân ông cười đấy, trong mơ ư? Từ bao lâu nay rồi ta không cười nữa!”.
Những con đường hầm siêu thực bí hiểm thăm thẳm xuyên qua tâm thức con người giữa đời sống hiện đại. Như những cái giếng cạn xuyên qua thế giới của Haruki Murakami, căn hầm của ngôi làng loài người của Kazuo Ishiguro,… đang dẫn dắt chúng ta đi.