Nỗi ám ảnh của người mắc sỏi thận

Bệnh nhân 60 tuổi, mắc sỏi thận san hô tái phát, tiền sử bệnh từ 2011. Đã trải qua 3 lần mổ mở lấy sỏi, nhưng chỉ sau 5 năm, sỏi lại hình thành. Bác sĩ cho biết, đối với bệnh nhân mắc sỏi thận, sỏi san hô luôn là nỗi sợ hãi trong điều trị và phẫu thuật.

Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai tiếp nhận bệnh nhân N.T.H., 60 tuổi, mắc sỏi thận san hô tái phát, tiền sử bệnh từ 2011. Đã trải qua 3 lần mổ mở lấy sỏi, nhưng chỉ sau 5 năm, sỏi mới lại hình thành.

Trước đây, sau mỗi lần trải qua mổ mở, bệnh nhân rất đau, hạn chế vận động, thời gian nằm viện dài đã trở thành nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân.

Sau khi được BSCKI. Nguyễn Đức Hùng, Phòng khám Thận niệu - Nam khoa kiểm tra và tư vấn thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả cho thấy bệnh nhân có sỏi san hô phức tạp, lấp đầy các xoang thận với kích thước 6 - 7cm.

Với trường hợp bệnh nhân này, có 2 lựa chọn phẫu thuật là mổ hở hoặc nội soi tán sỏi qua da. Tuy nhiên, bệnh nhân đã trải qua 3 lần phẫu thuật trước đây nên giải pháp mổ mở sẽ khó khăn do xơ dính vùng hông lưng, rất khó tiếp cận vào bên trong thận để lấy sỏi.

Hình ảnh chụp X-quang trước và sau phẫu thuật sỏi san hô phức tạp. Ảnh: BV.

Hình ảnh chụp X-quang trước và sau phẫu thuật sỏi san hô phức tạp. Ảnh: BV.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thể gặp phải biến chứng khi mổ mở như mất máu, rách màng phổi, thủng ruột... thời gian hậu phẫu dài vì vết thương lớn, rất đau và thương tổn các tổ chức mô trong quá trình phẫu thuật.

Với sự hỗ trợ từ PGS.TS Trần Lê Linh Phương (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh), BSCKI. Nguyễn Đức Hùng đã lên kế hoạch phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ.

Vết mổ tạo một đường hầm từ ngoài vào thận để đưa ống soi vào bên trong quan sát, dùng laser tán sỏi thành các mảnh nhỏ và hút ra ngoài. Sau đó, đặt dẫn lưu thận ra da làm đường hầm tán sỏi lần 2 qua đường hầm đã có.

Kết thúc ca mổ, sỏi được lấy khỏi các vị trí phức tạp trong đài thận. Sau phẫu thuật 4 tiếng, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân được rút ống thông tiểu, đau ít và có thể vận động nhẹ. Sau 1 tuần, các bác sĩ tiến hành tán sỏi lần hai qua đường hầm và đạt kết quả tốt.

Theo BSCKI. Nguyễn Đức Hùng, khi có các dấu hiệu sỏi thận như đau lưng, đi tiểu rắt hoặc nước tiểu có máu… đặc biệt khi gặp những cơn đau điển hình như đau quặn thận, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Các chuyên gia sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để đánh giá kích thước, số lượng, vị trí. Từ đó, sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Phạm Hiền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-am-anh-cua-nguoi-mac-soi-than-post601069.html