Nỗi ám ảnh, đau xót mang tên tai nạn lao động
Thời gian qua, tuy các cơ quan chức năng thường xuyên có nhiều giải pháp tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra các ngành nghề trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhưng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) gây thiệt hại về người và tài sản vẫn có chiều hướng gia tăng…
Vào cuối tháng 5 vừa qua, chị L.T.B.H. (SN 1986, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Xuyên Á cấp cứu trong tình trạng đau đớn vì vết thương chảy máu nhiều ở vùng mang tai, cổ, ngực. Trước đó khi đang làm việc tại nhà máy, người phụ nữ bị máy xay thịt, chả cuốn lấy tóc và kéo theo vùng đầu mặt bên trái. Vết thương gây sưng nề, chảy máu vùng hàm mặt, với vết cắt chi chít dài 15cm. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu lập tức xử lý vết thương và kích hoạt quy trình báo động đỏ toàn viện, chuyển bệnh nhân qua phòng mổ để tiến hành phẫu thuật khẩn.
Trước đó, BV này cũng tiếp nhận một trường hợp bị máy xay thịt cuốn mất 1/3 cánh tay khi đang làm việc trong nhà máy. Bệnh nhân là một nam thanh niên (SN 1994), khi đang làm việc thì bị máy xay thịt nghiến 1/3 cẳng tay phải, trong tình thế không thể cứu vãn và phải mang thương tật suốt đời.
Cũng tại BV này, vào ngày 9/5, BV đã tiếp nhận một trường hợp bị TNLĐ rất nghiêm trọng. Bệnh nhân là L.V.N. (SN 1991) nhập viện trong tình trạng cẳng chân bên trái bị đứt lìa hoàn toàn, đùi bên phải bị tổn thương. Đáng nói, trước khi nhập viện, anh L.V.N. đang làm việc tại một công ty chuyên về sản xuất vải phục vụ may mặc. Do sơ ý trong lúc làm việc anh đã bị máy cuốn vào, khi được đồng nghiệp tắt máy và đưa ra ngoài thì chân trái của nạn nhân đã bị đứt lìa...
Tương tự, mới đây ngày 5/6, BV TP Thủ Đức cũng đã phẫu thuật cấp cứu cho một nam thanh niên bị kẹt bàn tay phải vào máy xay thịt, được bạn làm cùng đưa vào cấp cứu với tình trạng tay còn kẹt trong máy.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tháo máy xay, xử lý vết thương, hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Lúc này, tình trạng bàn tay và các ngón tay bệnh nhân bị tổn thương rất nặng… Các bác sĩ đã tỉ mỉ cắt lọc phần xương bị nát và các dị vật, cố gắng giữ thêm một phần các ngón tay cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ đồng hồ. Sau 3 ngày, búp các ngón được nối lại vẫn ấm và hồng, cử động nhẹ…
Ở một dạng TNLĐ khác, khi đang sửa chữa đường cáp ngầm trên đường Dương Bạch Mai (quận 8) thì bất ngờ xảy ra sự cố chập điện, phát nổ khiến 4 công nhân Công ty Điện lực Chợ Lớn (quận 5) bị bỏng nặng phải chuyển đến BV Chợ Rẫy cấp cứu vào đầu tháng 5 vừa qua.
Cụ thể, khoảng 8h30 ngày 8/5, Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy tiếp nhận 4 bệnh nhân này. Trong đó, bệnh nhân nam L.H.T (SN 1996, ngụ tại quận 8) nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng toàn thân cấp (độ 2, 3), bỏng 80% vùng đầu; ngực bụng; tay chân; mắt. Ngoài ra, bệnh nhân có dị vật kết mạc 2 mắt…
Các bệnh nhân khác gồm P.A.H (SN 1980, ngụ tại quận 8) nhập viện trong tình trạng bỏng độ 2, bỏng 2% vùng đầu mặt. Bệnh nhân N.V.L (SN 1987, ngụ huyện Bình Chánh) bị bỏng tai bên phải (độ 2), bỏng 3% ở 2 tay. Bệnh nhân L.Q.T (SN 1987, ngụ tại Tây Ninh) bị bỏng (độ 1, 2) ở bàn tay trái, bỏng 3% cổ bàn chân trái. Sau khi được xử trí ban đầu, 3 bệnh nhân trên đã được cho xuất viện.
Vào cuối tháng 12/2023, Công an TP Thủ Đức cũng đã vào cuộc điều tra vụ TNLĐ sập sàn nhà làm một nam công nhân tử vong trên địa bàn phường Trường Thạnh (TP Thủ Đức). Nạn nhân được xác định là ông Đ.T.T. (SN 1983, trú phường Long Trường, TP Thủ Đức) là công nhân xây dựng được lực lượng chức năng tìm thấy dưới đống đổ nát của sàn nhà.
Theo báo cáo của UBND phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, chủ đầu tư công trình thừa nhận, đã tự thuê 3 nam công nhân đến thi công, tháo dỡ căn nhà không số ở cuối hẻm 190 Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh). Trong lúc thi công tháo dỡ, một số bộ phận sàn nhà bê tông bị sập, đã khiến ông Đ.T.T. tử vong. Rất may, 2 nam công nhân còn lại thoát nạn…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn năm 2023, TNLĐ xảy ra 703 vụ, giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 44 vụ TNLĐ có người chết (giảm 45%), 44 người chết (giảm 42,8%) và 98 người bị thương nặng (giảm 39,5%) nhưng các số liệu giảm nhưng thực tế thành phố vẫn là địa phương có số người chết vì TNLĐ cao. Trong 4 tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra 13 vụ TNLĐ làm 13 người chết (nhiều hơn 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023).
Cũng theo Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh, qua công tác điều tra TNLĐ chết người cho thấy, số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao. Kế đến là trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện kim loại, sửa chữa bảo dưỡng máy móc. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, không có quy trình an toàn và biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Không ít vụ TNLĐ xảy ra do yếu tố chủ quan, xem thường công tác an toàn, thiếu biện pháp bảo hộ. Thực tế cũng cho thấy, công tác an toàn lao động tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức cũng là do công tác quản lý bị buông lỏng, chế tài chưa cao.
Thời gian qua, Thanh tra Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh đã thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động và phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở LĐTB-XH đã kiểm tra 67 đơn vị, xử phạt 25 đơn vị vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động với tổng số tiền 663 triệu đồng. Cùng với việc cương quyết xử lý vi phạm hành chính, trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, Thanh tra Sở LĐTB-XH sẽ chuyển hồ sơ, kiến nghị xử lý hình sự đến cơ quan Công an.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua (2019-2023), Sở LĐTB-XH, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động thành phố, Công an thành phố, Viện KSND thành phố đã tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp, góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác điều tra TNLĐ, giúp cho Đoàn điều tra TNLĐ thành phố kết luận các vụ TNLĐ nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả, giải quyết tốt các chế độ cho người lao động.
Ngoài ra, Thanh tra Sở LĐTB-XH cũng tăng cường tuyên truyền về ý thức chấp hành quy định huấn luyện an toàn trong thi công với nhiều hình thức khác nhau. Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong quá trình làm việc.
Kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/noi-am-anh-dau-xot-mang-ten-tai-nan-lao-dong-i735114/