Nỗi ám ảnh đồ chơi bạo lực
Thằng này, hết trò nghịch rồi à? Sao lại dí súng vào đầu bà thế!...Tiếng dằn hắt, cáu kỉnh của bà Phượng, ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) với thằng cu Bi (cháu nội bà) vọng từ phía bếp làm nhiều người lắc đầu ngao ngán. Nhà bà có thằng cháu đích tôn mới được 3 tuổi. Cu cậu được chiều, thường được mua đồ chơi. Ngoài đồ chơi người máy, siêu nhân... thì cu Bi còn cả một bộ 'sưu tập' các loại súng. Đây là thứ đồ chơi mà cu cậu thích nhất. Ngoài những lúc ở lớp, về nhà lúc nào Bi cũng kè kè khẩu súng bên người. Mà cứ hễ cầm súng là Bi lại nhắm vào bà nội và người khác để... bắn. 'Nói mãi nó có chịu nghe đâu, nhiều lúc phát bực...' - bà Phượng phân bua.
Cũng giống như nhà Phượng, bà Mai, ở phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) suốt ngày đau đầu với tiếng pằng, pằng, chíu chíu... phát ra từ những khẩu súng đồ chơi của 2 đứa cháu. "Là con trai nên chúng nó chỉ thích súng ống, dao kiếm. Chiều con nên lần nào đưa chúng nó đi chơi là bố mẹ nó lại mua mấy thứ đồ chơi này về. Kia kìa, cả chục khẩu súng chứ có ít gì”, chỉ về rổ đồ chơi phía góc nhà bà Mai ngao ngán.
Trao đổi với chúng tôi, chị Vân - chủ một cửa hàng đồ lưu niệm, đồ chơi trẻ em ở trên đường Thịnh Lang thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Các loại đồ chơi như siêu nhân, người máy, súng các loại là những thứ cửa hàng chị bán chạy nhất. Nhất là vào các dịp như Tết thiếu nhi, trung thu thì lượng tiêu thụ các mặt hàng này tăng mạnh.
Qua thực tế tìm hiểu trên thị trường hiện nay, phần lớn đồ chơi trẻ em đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Do hình thức mẫu mã bắt mắt nên trẻ con rất thích. Tuy nhiên, đây hầu hết là những loại đồ chơi nghèo tính giáo dục nhưng lại mang đậm tính bạo lực như: dao, kiếm, súng, mặt nạ kinh dị... Chúng có hình thù, màu sắc bắt mắt được nhiều trẻ em, nhất là các bé trai ưa thích. Cho dù đây là những loại đồ chơi gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và tâm hồn của trẻ thơ nhưng vẫn được bày bán công khai trên thị trường. Trong số đó có những đồ chơi nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ như súng bắn đạn nhựa cứng, cung tên, dao, kiếm...
Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Thị Hằng, chuyên khoa Nhi, phòng khám Nhất Tâm, tổ 8, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình), hiện nay, trên thị trường ngoài các loại đồ chơi bạo lực thì đáng sợ nhất là các loại đồ chơi, vật dụng, quần áo, giày dép gắn với hình ảnh của các siêu nhân. Cái này nó tác động rất mạnh, gây nên sự ám ảnh về tâm lý của trẻ. Nhiều trẻ khi mặc lên người bộ quần áo siêu nhân lại tưởng mình đã hóa thành siêu nhân nên có những hành động giống như các nhân vật chúng xem trên phim, ảnh. Thực tế, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp trẻ nhỏ bị thương tích khá nặng khi mặc lên người bộ quần áo siêu nhân. Bởi trong suy nghĩ, tâm lý của trẻ khi đã là siêu nhân thì phải biết... bay và có những hành động anh hùng như trong phim. Do đó, các cháu cứ leo trèo lên chỗ cao để... bay xuống và có những hành động đánh đấm, bắt chước như các nhân vật trong phim. Điều này hết sức nguy hiểm. Như vừa rồi, chúng tôi sơ cứu cho một cháu bé 7 tuổi nhà ở gần phòng khám bị gãy tay và chấn thương vùng đầu, mặt. Nguyên nhân là sau khi được bố mẹ mua cho bộ đồ siêu nhân cu cậu đã trèo lên bàn, tủ để... bay xuống. Quá trình "bay” đã va đập vào thành giường, cạnh ghế bên dưới.
"Nhà cũng có trẻ nhỏ, nhưng tuyệt đối chúng tôi không bao giờ mua cho trẻ những đồ chơi mang tính bạo lực và nhất là không cho xem những bộ phim siêu nhân, anh hùng trên internet, điện thoại. Bởi chính từ những bộ phim siêu nhân, anh hùng ngập tràn hình ảnh bạo lực, đánh đấm đã trở thành nỗi ám ảnh của trẻ. Thế nên, các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ cần phải nhận thức rõ được những nguy hại do đồ chơi mang tính bạo lực và những bộ phim nghèo tính giáo dục để có biện pháp phòng vệ, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, gây nên sự lệch lạc về nhận thức và tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ” - bác sỹ Hằng chia sẻ thêm.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/132262/noi-am-anh-do-choi-bao-luc.htm