Nỗi ám ảnh mang tên 'nhạy cảm', 'chặt chém' tiền làm phim
Các nhà làm phim băn khoăn kịch bản hay bị loại vì có yếu tố 'nhạy cảm', kịch bản hay nhưng phim không hay nổi vì đã bị 'cắt xén', 'chặt chém' tiền làm phim.
Sợ kịch bản hay bị gạt vì hai chữ 'nhạy cảm', phim bị cắt xén tiền sản xuất
Chiều 14/9, Cục Điện ảnh tổ chức lễ phát động sáng tác kịch bản điện ảnh năm 2020. Đây là hoạt động không có trong kế hoạch của Cục Điện ảnh năm nay. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu hiện trạng kịch bản phim Việt đã đến mức báo động vì thiếu và yếu, chưa kể cuộc thi sáng tác kịch bản gần nhất của Cục Điện ảnh cũng đã cách nay 10 năm, chỉ 3 phim được sản xuất. Trong khi đó nhìn sang CJ CGV, công ty này thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhà biên kịch tài năng và đầu tư sản xuất nhiều phim ngắn đi dự nhiều LHP uy tín quốc tế.
Ông Vi Kiến Thành mới nhậm chức được nửa năm và tuyên bố chừng nào mình còn làm Cục trưởng sẽ cố gắng tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản 2 năm một lần, nhen nhóm hy vọng sẽ có thêm nhiều phim Việt có chất lượng được sản xuất và ra rạp. Điều này được nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả kịch bản phim Quyên đánh giá là rất táo bạo và dù nhận là dân ngoại đạo nhưng ông tuyên bố sẽ "chơi" lần này và gửi kịch bản dự thi.
Không đơn thuần là lễ phát động thông thường, sự kiện thu hút nhiều biên kịch kỳ cựu như Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã, Đinh Thiên Trúc, Đào Tuấn, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thị Thu Huệ, đạo diễn Nhuệ Giang và Bùi Tuấn Dũng với những ý kiến sắc bén. Cuộc thi đã được phát động và như kỳ vọng của Cục trưởng Vi Kiến Thành có thể thu hút được chừng 40-50 kịch bản dự thi. Ông Thành nói sẽ cố gắng đầu tư cho hai kịch bản nhất, nhì, còn lại Cục sẽ "gửi gắm" các hãng phim.
Đây được cho là sự kiện nhằm tìm ra những kịch bản chất lượng nhưng nhiều nhà làm phim lo ngại những kịch bản hay không được ban giám khảo chọn vì có yếu tố nhạy cảm. Như băn khoăn của đạo diễn Nhuệ Giang: "Tôi vẫn rất e ngại ban giám khảo thấy kịch bản hay nhưng chỉ vì hơi nhạy cảm đã sợ và gạt đi". Nữ đạo diễn chia sẻ từ lâu thấy các hội đồng thẩm định kịch bản bị sa vào lối mòn. Những kịch bản 'nhạt' nhưng an toàn thường được chọn thay vì những kịch bản đột phá nhưng có yếu tố nhạy cảm, dễ gây tranh cãi khiến nhiều tác phẩm tốt không thể bước lên màn ảnh.
Bùi Tuấn Dũng, người đã có nhiều năm lăn lộn với cả mảng phim nhà nước lẫn phim tư nhân cả trong Nam ngoài Bắc, đặt vấn đề thẳng thắn: "Cuối cùng mục tiêu phát động cuộc thi này là để làm cái gì? Có nhiều kịch bản hay mà phim chẳng ra gì. Có nhiều lý do, một là do các NSX ăn nhiều quá, ăn hết cả tiền làm phim làm sao có phim hay được, "chém" hết cả phim còn tiền đâu mà làm phim? Có phim hay thì phải quản lý tiền cho tốt. Giao phim cho các hãng phải có cơ chế giám sát chứ nếu không không có phim hay được đâu".
Phim đâu rồi?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thẳng thắn nhận xét rằng các cuộc thi không làm chặt quy chế chấm giải nghệ sĩ thường có xu hướng xuê xoa, nể tình mà bầu chọn cho nhau. Do vậy không nên chấm điểm bằng hình thức bỏ phiếu kín bởi dễ rơi vào lợi ích nhóm mà yêu cầu các thành viên giám khảo tranh luận công khai, ký phiếu bình chọn mới có hy vọng tìm được kịch bản tốt.
Trước những băn khoăn này, Cục trưởng Vi Kiến Thành nói ông không dám hứa sẽ có hội đồng tuyệt hảo nhưng sẽ là tốt nhất có thể. Đặc biệt giám khảo chấm phải ghi điểm ra phiếu và phải bảo vệ quan điểm trước toàn hội đồng.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với VietNamNet bên lề: "Nếu Cục điện ảnh mời được những nhà sản xuất tư nhân, những nhà làm phim tư nhân tham gia, kể cả ở lĩnh vực ban giám khảo, ban tổ chức hay đơn thuần là gửi phim tới tham dự cuộc thi này thi chắc chắn kết quả sẽ khác, sẽ đưa ra được những kịch bản có chất lượng phù hợp với xã hội này hơn. Hiện các phim nhà nước số lượng rất thấp so với lượng phim khổng lồ sản xuất hàng năm của tư nhân.
Nếu sau cuộc thi có thêm một buổi Pitching kịch bản dự thi cho các hãng sản xuất cả khu vực tư nhân và nhà nước thì cuộc thi sẽ có kết quả tốt. Làm phim hay mà không phát hành tốt thì cũng sẽ thất bại. Bây giờ truyền thông mạnh mẽ, không như trước nữa. Sản xuất phim nếu không đưa được phim ra thị trường dư luận sẽ thắc mắc và sẽ vô cùng kỳ dị. Gần đây tôi hiếm khi thấy các phim nhà nước ra rạp. Phim đâu rồi? Các nghệ sĩ làm phim bị thiệt thòi. Hay dở gì thì cũng nên được phát hành chứ?...
Dù phim thế nào thì bao công sức của cả một tập thể cũng nên được thấy nó ngoài rạp để khán giả để giới truyền thông được biết và lúc đó người ta có quyền mổ xẻ. Họ chê khâu này, khen khâu kia hoặc chê tất cũng không sao. Ít ra bộ phim còn được nhắc tới. Phim mà không được nhắc tới thì nó đã bị khai tử trước khi ra rạp rồi.
Qua việc này, phim làm như nào, xã hội sẽ có cách đánh giá công bằng. Nhà nước cũng sẽ có cơ chế quản lý chất lượng tác phẩm mềm mại hơn thông qua công chúng và truyền thông. Cơ chế quản lý việc sản xuất phim không gì tốt bằng đưa phim ra rạp. Việc xếp phim vào kho đồng nghĩa với việc xếp công lao của bao nhiêu nghệ sĩ, kỹ thuật viên vào kho. Đây chính là sự phung phí tài chính của nhà nước".