Nỗi ám ảnh trong 'trại sửa giới tính' ở Trung Quốc (kỳ 1)

Không chấp nhận con cái mang giới tính thứ ba, gia đình tống Huang Xiaodi (ở Giang Tô, Trung Quốc) vào 'trại sửa giới tính' với những hình phạt, quy định tàn nhẫn.

Tháng 3/2018, Huang Xiaodi bước sang tuổi 17, gia đình gọi cô về nhà ở Jiangyin, Giang Tô, Trung Quốc, để tổ chức tiệc sinh nhật. Thay vì bữa tiệc với bánh và nến, Huang bị bố, chị gái, anh rể tống vào chiếc xe hơi.

“Họ nói muốn đưa tôi đi mua sắm. Tôi đã rất ngạc nhiên và nghĩ ‘Mua sắm gì giờ này?’”, Huang nhớ lại buổi tối hôm đó. Chiếc xe chạy hơn 20 phút, Huang bắt đầu nhận ra điều gì đó không ổn khi nó rẽ vào đường cao tốc, hướng thẳng ra ngoại ô.

“Mọi người đưa con đi đâu vậy?”, Huang hỏi.

“Chúng ta sẽ chữa khỏi bệnh cho con”, người cha nói.

Vài giờ sau, Huang bắt đầu hiểu ra mọi chuyện khi một người hướng dẫn khoảng 40 tuổi, vóc dáng tròn trịa, chắc nịch, mặc đồ rằn ri và chào đón họ.

“Đây là đâu? Người đàn ông đó là ai?”, cô phản ứng.

“Ông ấy sẽ chữa khỏi cho em”, chị gái lặp lại lời của cha. Sau đó, gia đình 3 người nắm lấy tay Huang, kéo cô ra khỏi xe, đẩy về phía người đàn ông đáng sợ mà họ gọi là “lão Trương”.

 Chuyến xe trong đêm đưa Huang rời nhà, đến địa ngục mà cô không hề hay biết. Đồ họa: SCMP.

Chuyến xe trong đêm đưa Huang rời nhà, đến địa ngục mà cô không hề hay biết. Đồ họa: SCMP.

"Tôi thấy mình giống quái vật trong dáng hình con trai"

Trung Quốc đã bỏ đồng tính ra khỏi danh sách những bệnh tâm thần vào năm 2001. Tuy nhiên, bảng phân loại các rối loạn tâm thần ở quốc gia này tiếp tục gồm chứng rối loạn nhận dạng giới (GID). Nó định nghĩa “bệnh nhân là những trường hợp ăn mặc hoặc tham gia vào các hoạt động của người khác giới, liên tục từ chối đặc điểm sinh học và hoạt động xã hội của bản thân từ 6 tháng trở lên”.

Tổ chức Y tế thế giới đã loại bỏ GID khỏi danh sách bệnh tâm thần trong lần sửa đổi thứ 11 của bảng phân loại bệnh quốc tế, chính thức có hiệu lực vào năm 2022. Nhưng chẩn đoán GID từ một viện y tế vẫn là con đường duy nhất để những người tại Trung Quốc được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Huang sinh ra tại Trùng Khánh vào mùa xuân năm 2001. Trước cô còn có một chị gái và anh trai. Họ sống cùng ông bà trong khi cha mẹ làm công nhân ở nhà máy, giống hàng trăm nghìn người lao động nhập cư khác trên khắp Trung Quốc.

Đến tuổi đi học, cha mẹ Huang đưa 3 đứa con đến Jiangyin - nơi họ tìm thấy công việc ổn định hơn. Rời Trùng Khánh, Huang mang theo hy vọng nơi ở mới sẽ dễ thở hơn. Nhưng ở đó, các bạn cùng lớp trêu chọc Huang và gán cho học sinh mới nhiều điều định kiến về giới. “Ở nhà tôi thường chơi với các bạn nữ khác, giả vờ cỏ là rau và đặt nó vào bát đất sét”.

 Yang Teng (còn được gọi là Xiao Zhen) đứng trước Tòa án Nhân dân quận Haidian, Bắc Kinh ngày 19/12/2014. Anh cầm một bức tượng Astraea, lá cờ LGBT Pride và bản án chống lại việc sử dụng liệu pháp chuyển đổi giới tính bằng điện giật. Ảnh: AP.

Yang Teng (còn được gọi là Xiao Zhen) đứng trước Tòa án Nhân dân quận Haidian, Bắc Kinh ngày 19/12/2014. Anh cầm một bức tượng Astraea, lá cờ LGBT Pride và bản án chống lại việc sử dụng liệu pháp chuyển đổi giới tính bằng điện giật. Ảnh: AP.

Trong một lần, khi đang đi dạo cùng cậu bé khác, Huang nắm tay bạn và lắc qua lại, như những bạn nữ ở lớp vẫn làm. Lập tức, những đứa trẻ khác gọi họ là đồng tính và chế nhạo rằng họ muốn kết hôn. Đến tuổi dậy thì, cơ thể Huang bắt đầu có những thay đổi. “Nhìn người trong gương, tôi thấy mình giống quái vật”, Huang bộc bạch.

Sau khi học xong năm nhất THCS, Huang bỏ học và đi làm. Cô làm nghề sửa xe, chuyển ra ở riêng. Huang bắt đầu lên mạng tìm người để chia sẻ vấn đề của mình. Trong một lần tình cờ, cô tìm thấy bài báo mô tả nhóm có tên yaoniang hay những cô gái nghiện thuốc. Đó là những chàng trai dùng thuốc nội tiết để giúp cơ thể phát triển với đường nét nữ tính. Huang làm theo. Dần dần, giọng nói của Huang trở nên cao hơn, ngực cũng nở ra.

“Cha mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận con. Ngay cả khi cha mẹ làm vậy, con sẽ không chịu nổi cách xã hội nhìn nhận về những người như con”.

Huang Xiaodi

Cha mẹ bận rộn với công việc nên không để ý điều này. Cuối cùng, Huang cũng có thể nhìn thấy mình trong gương như cách cô muốn.

Và rồi, ngày định mệnh đến vào tháng 2/2018. Huang quyết định bỏ nhà đi, để lại cho gia đình lá thư. Trong đó, cô tiết lộ mình đã uống thuốc nội tiết. “Cha mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận con. Ngay cả khi cha mẹ làm vậy, con sẽ không chịu nổi cách xã hội nhìn nhận về những người như con”, Huang viết trong thư.

Cha mẹ của Huang bắt đầu tìm kiếm “cậu bé 16 tuổi mất tích”. Một đêm thứ 7, cảnh sát tìm thấy Huang sau khi theo dõi bằng CCTV chiếc taxi cô lên để đến Tô Châu.

Vài ngày sau, cha đưa Huang chiếc áo phông, quần jean nam như thường lệ và chở đến Bệnh viện Trùng Khánh. Trong cuộc đánh giá kéo dài hàng giờ đồng hồ, bác sĩ hỏi Huang liệu có cảm thấy thoải mái với bản thân không hay liệu cô có tự thấy ghét mình không. Huang khẳng định không. Bác sĩ kết luận Huang không bị GID. Cô không hiểu điều này nghĩa là gì. Sau đó, Huang nói chuyện với cha.

 Các trường tư nhân áp dụng hình phạt khắt khe, tàn nhẫn với lời quảng cáo "chỉnh sửa" giới tính cho con cái của nhiều cha mẹ tại Trung Quốc. Đồ họa: Caleb Walsh.

Các trường tư nhân áp dụng hình phạt khắt khe, tàn nhẫn với lời quảng cáo "chỉnh sửa" giới tính cho con cái của nhiều cha mẹ tại Trung Quốc. Đồ họa: Caleb Walsh.

"Chưa từng có ai trốn thoát"

Tại thời điểm Huang trò chuyện cùng cha, người đàn ông này nghĩ rằng “chỉ có hai giới tính tồn tại”, vì vậy, “nếu sinh ra không phải con gái, cô buộc phải là con trai”.

Sau đó, chủ đề này không được bàn luận thêm. Huang trở về nhà trước khi tìm việc làm ở Tô Châu, cách đó khoảng một giờ chạy xe. Nhưng giờ đây, cô bị “áp giải” tới một ngôi trường ở Trùng Khánh, cách nhà hơn 1.000 km.

Huang nhớ lần đầu tiên bước xuống hành lang hẹp, tối tăm ở trường Kỹ thuật Thông tin Trùng Khánh Lishi, đi ngang qua những căn phòng, vài đứa trẻ bước ra và chào hỏi gia đình. Cô có cảm giác “họ không có linh hồn”.

Sau đó, Huang bị bỏ lại trong ký túc xá ở cuối hành lang cùng 8 đứa trẻ khác, độ tuổi từ 9 đến 18. Tất cả đều mặc đồng phục rằn ri, đầu cạo trọc. Gối và chăn cho giường tầng được chất thành góc. Cửa sổ phòng tắm nhỏ ẩm thấp, có những song sắt chắn ngang.

Gia đình Huang trả tiền và rời đi, không nói lời từ biệt với con. Vài phút sau, lão Trương vào phòng nói chuyện với cô. Trong những tháng tới, nơi này sẽ áp dụng “phương pháp chữa trị” cho giới tính và thói quen bị cho là lệch lạc hoặc phạm pháp của các học sinh. Nó được thiết kế dưới hình thức đào tạo kiểu trại huấn luyện. Họ bị đánh đập thường xuyên.

Các dịch vụ mà trường cung cấp không có tư vấn tâm lý thật sự. (...) Ngôi trường này là nơi phơi bày nhiều vấn đề xã hội ở Trung Quốc.

Lesley, giáo viên tâm lý

Theo hồ sơ công khai, nơi này là cơ sở đào tạo tư nhân, được thành lập vào năm 2007 để giáo dục thanh, thiếu niên. Một điều khoản trong bản hợp đồng đề cập dịch vụ “can thiệp khủng hoảng tâm lý, huấn luyện quân sự, lao động, giáo dục lòng hiếu thảo, biết ơn”.

Trên khắp Trung Quốc, các “trại tập trung” như vậy tồn tại để “điều chỉnh” hành vi của thanh, thiếu niên, từ việc là đồng tính nam, chuyển giới, nghiện game hay đơn giản bị cho là không vâng lời, nổi loạn. Họ cho rằng đây là cách hiệu quả để giáo dục lại những đứa trẻ mắc sai lầm.

Lão Trương hướng dẫn Huang các quy tắc cơ bản. Sinh viên sẽ ăn cùng nhau, bị tịch thu thiết bị điện tử, đồ trang sức hay trang điểm. "Thử thách này chỉ kéo dài một tuần," lão nói với cô.

Đêm đó, Huang ngủ chung giường với một cậu bé. Cô run rẩy dưới tấm chăn mỏng. 5h ngày hôm sau, họ bị đánh thức. Các sinh viên bắt đầu ngày mới bằng cách sắp xếp đồ đạc trong phòng. 6h, họ được dẫn vào nhà ăn với bữa sáng gồm cháo, rau muối và bánh. Vào mỗi thứ 2, họ sẽ được ăn thêm trứng.

Sau bữa sáng, Liao Zihao, bạn cùng phòng của Huang đưa cho cô bộ đồng phục kèm theo câu: “Mặc vào đi. Nếu không, chúng ta sẽ bị trừng phạt”.

Buổi tập thể dục mỗi sáng gồm chống đẩy, nhảy xa và chạy 5 km. Buổi chiều, các học sinh tham gia lớp toán cơ bản, tiếng Trung và đôi khi là tâm lý học. Đêm đầu tiên khi Huang trở lại ký túc xá, cô hỏi những đứa trẻ khác vì sao lại bị vào đây. Lý do rất đa dạng như chơi điện tử quá nhiều, xăm mình, không về nhà vào ban đêm, đánh nhau…

“Tại sao bạn không trốn chạy?”, Huang hỏi. Câu trả lời là chưa từng ai trốn thoát thành công.

Một giáo viên tâm lý, có tên Lesley, tới “trại tập trung” đào tạo một tuần. Trước đây, người này làm việc tại cơ sở của trường ở Thành Đô. “Họ tuyển các giáo viên tâm lý để tư vấn cho trẻ em. Nhưng đó là trò giả dối”, Lesley cho biết thêm hầu hết cha mẹ, ngay cả khi con họ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, đều xem nó không có vấn đề gì.

 Nhiều cha mẹ Trung Quốc mất mặt vì giới tính thứ 3 và sức khỏe tâm thần của con. Họ chọn cách đưa con vào trường học cải tạo khắc nghiệt. Đồ họa: Jun Cen/Human Rights Watch.

Nhiều cha mẹ Trung Quốc mất mặt vì giới tính thứ 3 và sức khỏe tâm thần của con. Họ chọn cách đưa con vào trường học cải tạo khắc nghiệt. Đồ họa: Jun Cen/Human Rights Watch.

Lesley giải thích rằng các bậc cha mẹ cảm thấy “mất mặt” vì con mắc bệnh như vậy. Một số “trường học” cho rằng họ có thể chữa trị căn bệnh này, dựa trên sự sợ hãi và thiếu hiểu biết của phụ huynh về nó. “Các dịch vụ họ cung cấp không phải tư vấn tâm lý thực sự. Thay vào đó, họ sẽ yêu cầu cố vấn đảm nhiệm một số công việc giảng dạy. Họ cũng không cung cấp phòng riêng cho giáo viên hay dụng cụ liên quan trị liệu. Tôi có thể khẳng định ngôi trường này là nơi phơi bày nhiều vấn đề xã hội tại Trung Quốc”, Lesley thừa nhận.

Năm 2017, Yuzhang Shuyuan, một trong những học viên của ngôi trường như trên ở Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc, tiết lộ trên mạng xã hội Weibo rằng các giáo viên ở đây thường xuyên đánh học sinh “phiền phức” bằng thước và dây cáp. Sau đó, họ bị nhốt vào những căn phòng không cửa sổ, chỉ có chiếc chăn bẩn và một xô nước, một bát cơm. Những hình ảnh đó ngay lập tức gây chấn động và dấy lên làn sóng chỉ trích, phẫn nộ khắp cả nước.

Được thành lập vào năm 2013, trường quảng cáo rằng họ sử dụng triết lý Nho giáo, văn học cổ điển Trung Quốc và thư pháp để “cải tạo” học sinh nghiện Internet, game. Các báo cáo tiếp theo trên phương tiện truyền thông của Trung Quốc cho thấy nơi này thường xuyên đối xử tệ bạc, tàn nhẫn với học sinh. Những học sinh cũ lên tiếng tố cáo và kiện nhà trường, nhưng cuộc chiến không có hồi kết.

Tháng 7 năm nay, theo hồ sơ tòa án công khai trên China Judgement Online, 4 giáo viên và quản lý trường học cuối cùng đã bị kết án tù từ 11 tháng đến hơn 2 năm vì giam giữ trái phép học sinh. Nhưng những hình phạt và tổn thương mà các học sinh phải chịu vẫn chưa bao giờ phai nhạt.

Một số người chia sẻ với truyền thông rằng họ bị trầm cảm, chấn thương. Số khác cho biết họ mất niềm tin và điểm tựa, sẽ không bao giờ hàn gắn được mối quan hệ với cha mẹ, gia đình - những người vì thể diện mà đẩy họ tới nơi này.

Trải nghiệm của Huang cũng như vậy, nó ám ảnh thiếu niên 17 tuổi và trở thành vết sẹo tâm lý không thể phai nhạt.

Thiên Nhan

Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-am-anh-trong-trai-sua-gioi-tinh-o-trung-quoc-ky-1-post1162622.html