Nỗi ấm ức của nàng dâu khi mẹ chồng chỉ chăm lo cho con gái, nhưng trách nhiệm thì 'con trai phải ôm tất'
Phận là nàng dâu nhưng Hoàn cũng chẳng thể đồng tình được với việc ông bà giao nhà cho con gái, nhưng trách nhiệm lớn nhỏ gì cũng đổ lên đầu mình con trai.
Hôm nay là Chủ Nhật, theo lệ thường, Hoàn lại đưa con về nhà ông bà nội chơi. Trái ngược với sự hào hứng của con trẻ, lòng cô lại trĩu nặng, chỉ riêng việc sắp phải đối diện với bà chị chồng vô tâm, vô ý là Hoàn đã đủ ngán ngẩm.
Vốn dĩ Hoàn lấy chồng là người thành phố, gia đình khá khẩm lại chỉ có mình chồng Hoàn là con trai nên ai cũng tưởng rằng cô như "chuột sa chĩnh gạo", chẳng phải lo lắng gì chuyện chỗ ở. Ai dè đâu, vừa cưới về được nửa tháng, hai vợ chồng đã lóp ngóp dắt tay nhau ra ngoài thuê nhà ở. Lý do thì rõ buồn cười: chị chồng vừa mới ly hôn.
Nhà bố mẹ chồng Hoàn không to nhưng cũng chẳng đến nỗi quá nhỏ. Căn nhà 4 tầng khang trang, ngoại trừ phòng của hai ông bà thì còn tới 2-3 căn phòng trống chưa có người ở. Nhưng chẳng hiểu lý do vì sao mà kể từ ngày con gái ly hôn chồng và chuyển về nhà sống, bố mẹ chồng Hoàn đã "đánh tiếng" tới lui để con trai và nàng dâu ra ngoài thuê nhà ở với lý do "nhường phòng cho chị". Chồng Hoàn vốn là kiểu người hiền lành, nhẫn nhịn, nên khi nghe bố mẹ nói như vậy, anh cũng vui vẻ bảo vợ tìm nhà thuê. Phía Hoàn thì vì mới về làm dâu, cho dù ấm ức nhưng cô cũng chẳng dám ho he nửa lời, vali vừa xách đến nhà mới chưa ấm chỗ đã vội xách sang nhà thuê. Chỉ cuối tuần, vợ chồng con cái mới đưa nhau về thăm ông bà và ăn cơm ở đó.
Sau này, trong một vài lần ngồi cùng cả nhà, mẹ chồng cô cũng rào trước đón sau như để thanh minh với nàng dâu rằng việc bà để hai vợ chồng con trai ra ngoài thuê nhà vì không muốn chị em dâu sống chung nhà, sợ va chạm rồi để lại điều tiếng không hay. Vả lại, "chị coi như đã lỡ dở cuộc đời, hôn nhân bất hạnh nên cả nhà phải chia sẻ với chị ấy", mẹ chồng Hoàn nói. Thôi thì cũng coi như được mẹ chồng quan tâm, với cả ai cũng không lạ lẫm gì tính tình đành hanh, khó chịu của chị nên Hoàn cũng vui vẻ chấp nhận, cũng không chất vấn gì thêm, mặc dù trong lòng vẫn có chút gượng gạo.
Thời gian cứ thế trôi đi, vợ chồng Hoàn gần như đã chấp nhận số phận ở nhà thuê vì chị chồng chẳng có động tĩnh gì về việc sẽ chuyển ra ngoài. Không ngờ, nhà chồng cô đã âm thầm sắp xếp tất cả. Một lần, Hoàn lại thoáng thấy mẹ chồng và chị chồng thì thầm to nhỏ trong bếp, cô lặng người khi phát hiện ra sự thật rằng căn nhà đã sớm được sang tên cho chị từ lâu nay mà hai vợ chồng cô không hề hay biết.
Đem câu chuyện về kể cho chồng, Hoàn lại càng thêm bực bội khi nghe anh thản nhiên đáp: "Nhà là của bố mẹ, ông bà muốn cho ai thì cho. Dù cho mình hay cho chị thì cũng đều là người một nhà cả, tính toán với nhau làm gì. Lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt". Không nhận được sự ủng hộ, Hoàn lại càng thêm bực bội trong lòng. Nghĩ đến chuyện thiệt hơn, cứ mỗi tháng đến hạn nộp tiền nhà mà chồng chẳng may chưa mang lương về kịp, Hoàn lại tranh thủ mỉa mai: "Nhà to thì mặc nhà to, lấy chồng thành phố thì vẫn phải đi thuê như thường. Đúng là cái số, không tránh được". Cô cũng tỏ thái độ không bằng lòng với bố mẹ và chị chồng ra mặt.
Chuyện tưởng sẽ chỉ dừng lại ở những cơn giận dỗi của Hoàn, không ngờ diễn biến lại càng trở nên phức tạp. Sau đó ít lâu, bố chồng Hoàn trở bệnh. Qua chẩn đoán ban đầu, bác sỹ kết luận ông bị ung thư gan, tế bào ung thư đã di căn và bệnh tình cứ ngày một trở nặng. Vì bố ốm nên cả nhà ai cũng chạy ngược xuôi, lo lắng tìm thầy tìm thuốc chữa trị, chăm sóc cho ông.
Vì là con trai trong nhà nên chồng Hoàn đương nhiên phải đứng ra làm trụ cột. Anh gần như nghỉ việc đến cả tháng nay để chăm bố. Mọi việc nhà, chăm con cái, giờ gần như trông cả vào Hoàn. Chưa kể, vì chồng tạm nghỉ việc nên phần gánh nặng kinh tế cũng dồn cả lên Hoàn. Có hôm đang đêm con lên cơn sốt cao, một mình cô bồng bế con vào viện, đến sáng con đỡ, hai mẹ con lại dắt díu nhau về. Hoàn chỉ kịp mang con sang nhà trẻ tư gần nhà gửi cô, về thay quần áo và vệ sinh cá nhân rồi lại lao đi làm. Đến tối, lòng thì sốt ruột con ốm nhưng cô vẫn phải rẽ qua bệnh viện xem tình hình bố chồng ra sao rồi mới về đón con.
Ấy vậy mà, Hoàn vẫn bị mẹ chồng trách rằng vô tâm. Số là, hôm vào bệnh viện thăm ông, mẹ chồng có ý trách nàng dâu là chưa làm tròn trách nhiệm. Bà bảo: "Lẽ ra hàng ngày con nên thay mẹ đem cơm vào cho bố. Chồng con thì trực ở đây cả ngày lẫn đêm rồi, mẹ thì đã lo cơm nước. Nhưng mẹ thấy con có vẻ bàng quan với bệnh tình của bố, ai đời con dâu kiểu gì mà đến tối mịt mới thấy ló mặt vào, ngồi dăm ba phút đã chực về. Như thế là không được!".
"Thế chị Lan đâu hở mẹ?" – Hoàn hỏi.
Mẹ chồng thấy nhắc đến tên con gái, quay sang gay gắt: "Chị Lan còn phải đi làm, nó đi làm công ty nước ngoài, ai người ta cho nghỉ. Đi làm về còn phải con cái, tắm rửa rồi cho con ăn uống. Chị ấy có một mình như thế mà có ai hỗ trợ gì cho chị ấy đâu".
"Nhưng con cũng một mình lo con cái mà, cái Xíu còn bé hơn cu Tôm nhà chị ấy những 2 tuổi, mà con cũng có được ai chia sẻ chút nào đâu. Mẹ tính, chồng con đã trực cả ngày ở đây rồi, lại còn phải lo tiền sinh hoạt, tiền nhà…", Hoàn đáp.
Hoàn chưa nói hết câu thì mẹ chồng vội vã cắt lời: "Tôi chỉ nói thế, còn tùy chị thấy trách nhiệm đến đâu thì làm. Chị lấy con trai một trong nhà thì phải hiểu và có nghĩa vụ đầy đủ với nhà chồng. Tôi biết là chị khó chịu việc tôi để anh chị ra ngoài thuê nhà, chị không phải nghiến thêm vào". Nói xong, bà bỏ ra ngoài, không quên ném lại ánh nhìn khó chịu. Biết sắp căng thẳng nên chồng Hoàn lên tiếng xoa dịu không khí. Hoàn về nhà mà lòng lại càng thêm nặng trĩu.
Kể từ hôm ấy, bà giận con dâu. Nhiều khi chạm mặt cũng không nói năng gì. Đến vài hôm, Hoàn không thấy mẹ chồng vào. Hỏi chồng thì mới hay, chị chồng gửi con nhờ bà chăm hộ vì đi du lịch cùng công ty, mà đi tận 4 ngày. Cơm nước bà nấu xong đành gửi xe ôm đem vào bệnh viện. Nghĩ đến chuyện chị chồng đang vui vẻ bên đồng nghiệp ở một nơi biển xanh nắng vàng nào đó, trong khi bố đang nằm viện, mẹ thì loay hoay ở nhà vừa nấu cơm người ốm vừa chăm con hộ, Hoàn chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Đúng là "của nả dành con gái, trách nhiệm phần con trai", chẳng còn từ nào để diễn tả!