Nỗi ân hận muộn màng của tài xế tông bảo vệ khóa bánh xe

Uống rượu xong, thấy xe ô tô bị khóa bánh, tài xế cự cãi rồi lái xe tông tử vong nam bảo vệ.

Sau vụ án, một người ra đi mãi mãi, một người vướng vòng lao lý, cả hai gia đình rơi vào cảnh lao đao vì mất đi trụ cột.

Tông chết người sau mâu thuẫn nhỏ

Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Bá Trọng (SN 1984, trú huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) với tội danh giết người.

Trọng là tài xế taxi đã tông chết nam bảo vệ khu đô thị Vinhomes sau khi xe ô tô của Trọng bị khóa bánh. Vụ án xảy ra hơn 1 năm trước, từng khiến dư luận xôn xao.

Hiện trường vụ án.

Trưa 28/3/2023, Trọng lái xe taxi đến một gara ô tô ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và để xe lại cho nhân viên rửa, rồi đến phòng trọ của bạn gần đó ăn cơm, uống rượu.

Sau khi rửa xe, nhân viên gara để ô tô của Trọng dưới lòng đường nên bị lực lượng bảo vệ khu đô thị Vinhomes khóa bánh vì họ cho rằng taxi đỗ không đúng nơi quy định.

Trở ra lấy xe vào chiều cùng ngày sau cuộc nhậu, Trọng thấy bánh ô tô bị khóa và xịt lốp.

Lúc này, nhân viên bảo vệ Vũ Trung Dũng (SN 1997, bị hại trong vụ án) và đồng nghiệp đến yêu cầu Trọng đến văn phòng để làm việc.

Tuy nhiên, Trọng từ chối và cho rằng nhân viên gara ô tô mới là người đỗ xe. Khi Trọng lấy dụng cụ ra thay lốp, nhóm bảo vệ lập tức ngăn cản khiến đôi bên lời qua tiếng lại.

Trọng tiếp tục lái taxi đi tìm nơi để thay lốp thì anh Dũng và nhóm bảo vệ đi trên nhiều xe máy đuổi theo.

Ra đến đường Biển Hồ, anh Dũng lái xe máy vượt lên thì Trọng đạp ga và tăng tốc xe lao về phía trước, tông trúng xe máy của nam bảo vệ, khiến nạn nhân bị hất văng vào phía sau một xe ô tô khác đang đỗ ven đường và tử vong.

Gia cảnh nạn nhân Dũng rất khó khăn. Bố mất sớm, Dũng phải nghỉ học khi đang dang dở lớp 12.

Đi làm sớm rồi lập gia đình năm 24 tuổi, vợ chồng Dũng sinh được hai con trai. Dũng là trụ cột gia đình, đi làm nuôi mẹ, hai con thơ dại.

Lúc Dũng mất, hai con của anh, một bé mới 28 tháng tuổi và một bé chưa đầy 3 tháng tuổi.

Lời ân hận muộn màng

Tại phiên tòa sơ thẩm, Trịnh Bá Trọng xuất hiện trước bục khai báo với ánh mắt thẫn thờ, khuôn mặt gầy gò, hốc hác.

Suốt thời gian diễn ra phiên xử, Trọng không dám ngoảnh lại để nhìn về phía sau, nơi có người thân của anh Dũng ngồi dự tòa.

Trọng thừa nhận cáo trạng và cúi gằm mặt xin được nói lời tạ tội với người thân của nạn nhân.

Bị cáo Trịnh Bá Trọng tại tòa.

Tuy nhiên, Trọng vẫn cho rằng "bị kết tội giết người thì nặng quá". Trọng cho biết, dù đã trình bày không phải là người trực tiếp đỗ nhưng bảo vệ vẫn không nghe mà kiên quyết yêu cầu bị cáo về văn phòng.

Đến khi lái xe rời đi, Trọng thấy nhóm bảo vệ khu đô thị chạy xe máy đuổi theo phía sau ô tô. Điều đó khiến cho người cầm lái có phần hoảng loạn.

"Thực tế, bị cáo đã lái xe sau khi sử dụng rượu bia, nồng độ cồn ở mức 0,454 miligam/lít khí thở.

Về nguyên tắc, khi có người đuổi theo thì bị cáo cần phải đảm bảo an toàn. Bị cáo lại đang sử dụng ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ", chủ tọa phân tích.

Đại diện VKS đánh giá Trọng khai báo quanh co. Trong vụ án này, nỗi đau mất mát người thân đối với gia đình nạn nhân không gì có thể bù đắp được.

Vì vậy, công tố viên khuyên bị cáo hãy khai báo thành khẩn. Cũng theo cơ quan tố tụng, vụ án là bài học, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật, biết hậu quả nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Công bố bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử kết luận, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng.

Nạn nhân tử vong là nỗi mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được cho gia đình, đặc biệt là người vợ và các con còn quá thơ dại của bị hại.

Cùng với mức án tù chung thân, tòa buộc bị cáo bồi thường hơn 215 triệu đồng cho gia đình bị hại, gồm chi phí mai táng và tổn thất tinh thần; đồng thời phải cấp dưỡng 2 triệu đồng/cháu/tháng cho hai con nhỏ của bị hại đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Là một trong những người tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, hành vi điều khiển ô tô lao vào người và phương tiện khác với tốc độ cao là đặc biệt nguy hiểm.

Theo luật sư, dù tài xế có thể không cố ý tước đoạt mạng sống người khác, nhưng thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra khi thực hiện hành vi nhưng vẫn thực hiện, để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Qua vụ án, luật sư Lưu Thị Kiều Trang khuyến cáo, đối với những trường hợp xảy ra xung đột giao thông, người điều khiển phương tiện phải xem xét các yếu tố, điều kiện để bình tĩnh xử lý tình huống.

Trong mọi trường hợp, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên chọn cho mình cách giải quyết văn minh, cần giữ thái độ bình tĩnh, trao đổi tích cực, tránh các thiệt hại nghiêm trọng không đáng có.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/noi-an-han-muon-mang-cua-tai-xe-tong-bao-ve-khoa-banh-xe-19224041910115344.htm