Nồi áp suất phát nổ, một người bỏng nặng

Bệnh nhân nam, sinh năm 1968 (Hà Nội) vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do dùng nồi áp suất đun nấu bị nổ.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng bỏng độ 1, 2 vùng mặt và trước ngực, bỏng hô hấp, bỏng kết mạc đỏ, gãy hở độ 3, 1/3 giữa xương chày, vết thương lóc da cẳng chân bên phải.

Bệnh nhân được đi mổ cấp cứu cắt lọc, kết xương chày trái, khâu vết thương, chăm sóc da và niêm mạc bị bỏng. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân ra viện, hiện tại tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo BS. Lê Khánh Ninh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bỏng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, là tai nạn thường gặp trong đời sống và trong công việc, có thể đe dọa đến tính mạng, để lại nhiều di chứng. Trong đó, bỏng nhiệt do nổ nồi hơi có thể gây bỏng diện rộng, bỏng sâu, kèm theo tổn thương các cơ quan do nổ: gãy xương chi thể, chấn thương ngực...

Hiện nay, nồi áp suất là vật dụng phổ biển với nhiều gia đình, tuy nhiên đã có không ít các trường hợp nồi áp suất trở thành vật dụng ẩn chứa nguy hiểm cho người sử dụng khi bỗng nhiên phát nổ, phát cháy. Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản sơ cứu khi bị bỏng. Nếu chẳng may bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rối nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu, không tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bên cạnh đó, cần lưu ý những việc không nên làm khi sơ cứu bỏng như: Không sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn. Đây là lỗi sai phổ biến mà mọi người cần lưu ý để không mắc phải.

Tuyệt đối không bôi những cách chữa bỏng truyền miệng như dùng nước mắm, củ chuối,... bôi vào chỗ bỏng. Đây là những điều phản khoa học và không nên thực hiện theo, chúng chỉ khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn. Bôi kem đánh răng lên chỗ bị bỏng là một quan niệm sai lầm, trong kem đánh răng có chứa một lượng ít bazơ, khi thoa lên vùng bỏng chỉ khiến bệnh nhân đau đớn hơn.

Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh tình trạng nhiễm trùng.

A.Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-ap-suat-phat-no-mot-nguoi-bong-nang-169230712121154929.htm