Nơi ấy anh ngã xuống
Giữa đồng thanh long của ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có một nhà bia được dựng lên với khuôn viên rộng, cây trồng rợp bóng. Đó là nhà bia tưởng niệm hơn 100 liệt sĩ Tiểu đoàn 263 đã anh dũng hy sinh trong trận Cầu Ván ngày mùng 7 tháng 4 Âm lịch năm Mậu Thân 1968.
Nơi ngã xuống của hơn 100 liệt sĩ
Trận đánh Cầu Ván và nhà bia trên ít người biết đến, chỉ có dân địa phương là hiểu rõ mà thôi. Dừng lại dọc đường trên địa bàn xã An Lục Long, hỏi bia Cầu Ván dường như ai cũng biết. Không biết sao được, bởi hơn 50 năm nay, người dân Cầu Ván nói riêng và An Lục Long nói chung vẫn âm thầm tổ chức lễ giỗ liệt sĩ hàng năm tại bia Cầu Ván.
Ông Phạm Văn Lựa - nguyên Bí thư ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, kể: Năm 1968, sau trận thắng ở Đồng Sơn (Gò công, Tiền Giang) và Quơn Long (Chợ Gạo, Tiền Giang), Tiểu đoàn 263 trên đường chuyển quân tạm dừng chân tại ấp Cầu Ván và bị địch phát hiện. Chúng đã huy động nhiều lính ngụy cùng máy bay, xe tăng, pháo các loại để đánh úp tiểu đoàn. Các đồng chí chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng, quyết không chịu đầu hàng địch và anh dũng hy sinh. Sau trận đánh, địch bắn pháo hủy diệt toàn bộ trận địa. Đến chiều ngày hôm ấy, dân công và người dân mới có thể đến chôn cất thi hài những chiến sĩ kiên trung hy sinh anh dũng. Nền nhà bia tưởng niệm hôm nay là nấm mồ tập thể của các chiến sĩ Tiểu đoàn 263 ngày ấy. Hiện gia đình đã đưa các chú, các anh về lại quê hương. Nhà bia được dựng lên để tưởng nhớ những người vì nước quên thân và nhắc nhở thế hệ sau về những mất mát, hy sinh của cha ông để gìn giữ nền độc lập.
Ông Lựa nói: “Ngày đó, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ cứ tới ngày giỗ là bà con lén làm con gà, con vịt nấu mâm cơm nho nhỏ bưng ra góc bờ nơi có nấm mộ tập thể cúng các chú, các anh. Thời đó, chiến tranh loạn lạc. Giặc mà bắt được, chúng sẽ
đánh chết nhưng bà con mình vẫn giữ lệ cúng không sót một năm nào”.
Đến năm 1975, người dân tổ chức lễ giỗ tại đình Song Tân. Năm 1996, người dân ấp Cầu Ván xin chuyển về tổ chức giỗ tại nơi diễn ra trận đánh năm xưa. Nhà bia được dựng lên trên nền nấm mồ tập thể xưa, thời điểm đó chỉ là vài tấm tôn ghép lại, còn đơn sơ, nhỏ, hẹp. Dần về sau, chính quyền địa phương và người dân chung tay xây dựng mới Nhà bia liệt sĩ ấp Cầu Ván như hiện nay. Bên trong nhà bia đặt bia tưởng niệm, 4 bát nhang, bên ngoài khuôn viên được trồng cây rợp bóng. Mỗi chiều, người dân Cầu Ván đến thắp hương tưởng nhớ.
Ông Lựa nói, từ trước đến nay, lễ giỗ liệt sĩ Cầu Ván đều xã hội hóa. Đến ngày 07-4 Âm lịch, không ai bảo ai, người dân tự giác tụ họp lại mỗi người góp chút công, chút của để làm lễ giỗ. Về sau, khi có nhiều khách đến dự, Ban Quản trị được thành lập nhằm đảm bảo công khai việc thu, chi.
Những năm gần đây, ngoài người dân và chính quyền địa phương, chính quyền các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang cũng về dự lễ giỗ liệt sĩ ấp Cầu Ván, thắp hương tưởng niệm tại bia. Bí thư, Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Phạm Văn Lành cho biết, mặc dù hy sinh trên địa phận An Lục Long nhưng đa số các chiến sĩ là người Tiền Giang, Bến Tre. Những năm gần đây, khi biết được thông tin người dân Cầu Ván tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trên trận địa năm xưa nên lãnh đạo tỉnh bạn đến dự, thắp hương tưởng niệm.
Tưởng nhớ và tiếp nối truyền thống
An Lục Long là mảnh đất anh hùng, được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ vào tháng 12-1998. Ngày nay, tiếp tục phát huy truyền thống ấy, chính quyền và người dân An Lục Long nỗ lực xây dựng quê hương. Bằng sự công khai, minh bạch, chính quyền địa phương tạo được niềm tin và huy động tốt sức mạnh tập thể của nhân dân trong xã. Từ năm 2015 đến nay, người dân đã “chung vai sát cánh” với chính quyền địa phương thực hiện 20 công trình giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 18 tỉ đồng, 10 công trình bồn lắng lọc nước theo công nghệ mới với tổng kinh phí trên 2,5 tỉ đồng. Không chỉ vậy, người dân còn hiến 21,45ha đất để mở rộng các tuyến kênh nội đồng và nâng cấp đường ranh liên xã.
An Lục Long giờ đây là xã nông thôn mới, cơ bản hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Bộ mặt địa phương có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Chỉ có tấm lòng tưởng nhớ các bậc cha anh đã hy sinh thì không có gì thay đổi. Ông Lựa nói: “Những hy sinh, mất mát như vầy cần phải được lưu giữ, tưởng nhớ để thế hệ trẻ sau này biết được hòa bình, độc lập được dựng xây trên xương máu của ông cha ngày trước”. Được biết, địa phương đang có kế hoạch đề xuất công nhận bia Cầu Ván là di tích lịch sử cấp quốc gia./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/noi-ay-anh-nga-xuong-a102311.html