'Nơi ấy là chiến trường': Cuốn nhật ký chân thực, cảm động về thời hoa lửa

Nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), hướng tới kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019); kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), sáng nay (21-4), buổi giới thiệu cuốn sách 'Nơi ấy là chiến trường' của tác giả Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã diễn ra tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền.

Tới dự buổi giới thiệu sách có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam…

Những ký ức gói trong trang nhật ký

Mở đầu trang sách “Nơi ấy là chiến trường”, tác giả Phạm Quang Nghị dành dòng đầu tiên kính tặng mẹ và bạn bè, đồng đội, người thân, những vùng đất gian lao và anh dũng - nơi ông đã sống và chiến đấu trong những tháng năm chiến tranh vô cùng ác liệt.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng tác giả Phạm Quang Nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng tác giả Phạm Quang Nghị.

Trong buổi giới thiệu sách, tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ: “Trong suốt những năm tháng chiến tranh cho tới ngày rời thành phố Sài Gòn ra Bắc, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc cản và bom pháo quá dữ dội; những lúc không có ánh sáng kể cả ánh trăng sao hoặc không có nơi ngồi để viết, còn lại hầu như mỗi ngày tôi đều ghi nhật ký. Ngày ấy, tôi viết không hẳn vì thói quen (tôi đã thường xuyên ghi nhật ký từ những năm học cấp 3), cũng không hẳn vì đức tính cần cù, chăm chỉ. Nhật ký với tôi như người bạn tâm giao, chuyện không nói được với ai thì… nói trong nhật ký”.

Tác giả cũng bày tỏ lý do thôi thúc ông hoàn thành cuốn nhật ký này: “Lẽ ra, tôi sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hay nằm yên ở đâu đó như nó đã nằm yên suốt gần nửa thế kỷ qua. Song thời gian khiến cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký đã bị hư hại hết sức nặng nề. Nhiều trang giấy đang tiếp tục bị mục nát, nhiều hàng chữ đã mờ hết mực… Và cái điều thiêng liêng đáng nói hơn là những ký ức một thời về những sự kiện, con người, địa danh đã được ghi trong đó. Những điều đáng được kể lại, được nhắc tới, bởi có những địa danh đã đổi thay và những con người đã hy sinh. Cách tốt nhất để lưu giữ lại những ký ức vốn từ lâu đã thành của chung là tôi phải in ra những trang viết ngày ấy”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng tác giả Phạm Quang Nghị tại buổi giới thiệu cuốn sách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng tác giả Phạm Quang Nghị tại buổi giới thiệu cuốn sách.

Cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường” là những ghi chép rất tỉ mỉ, cụ thể nhưng vô cùng xúc động qua lăng kính của chàng thanh niên trí thức lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lời tựa của cuốn sách cũng giới thiệu rõ ràng: “Tác giả Phạm Quang Nghị đã tình nguyện đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khi còn rất trẻ. Ông vừa cầm súng, vừa cầm bút ghi lại những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc của mình về gia đình, về đồng đội và về cuộc chiến tranh. Những trang viết thật giản dị và súc tích nhưng lại cho người đọc thấy được toàn bộ sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần dâng hiến cho Tổ quốc của những người lính. Vốn là sinh viên khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi tham dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn trước khi trở thành một phóng viên chiến trường, một người lính đi vào mặt trận, bởi lẽ đó những trang viết của ông dù thuộc thể loại nhật ký và ghi chép nhưng lại thực sự là những áng văn được viết từ trong lửa đạn và sự hy sinh với cách hành văn giản dị, cách chọn lọc chi tiết sống động, hình ảnh mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều thông điệp…”.

“Bộ phim chân thực” về lớp thanh niên trí thức thời chiến

Chia sẻ cảm nghĩ về cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái bày tỏ: “Cuốn sách như một bộ phim tái hiện chân thực về chiến tranh, về quê hương, đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sĩ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến. Cách viết không cường điệu, không tô hồng, không “lên gân lên cốt”. Điều đặc biệt, trong những năm ở chiến trường, ngoài việc phản ánh chân thực những nơi anh Nghị trải qua, anh luôn dành tình cảm đối với người mẹ kính yêu của mình".

Bìa cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường".

Bìa cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường".

"Cuốn sách còn cuốn hút tôi bởi một lẽ là một sinh viên như Nghị mới 21 tuổi xung phong vào chiến trường. Khi tạm biệt ngôi trường thân yêu vào chiến trường, anh viết say sưa cách nhìn, cách nghĩ như những người từng trải, già dặn và chín chắn. Ở chiến trường khắc nghiệt như vậy, mới hơn 20 tuổi nhưng vẫn không quên nhờ đồng đội đi chợ mua giúp mấy thẻ hương nhân dịp Tết cổ truyền. Hay băn khoăn, trăn trở nhớ ngày giỗ ông, giỗ em, ở nơi chiến trường có nén hương thắp cho ông và em…”, đồng chí Nguyễn Công Soái nói.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam xúc động bày tỏ khi đọc cuốn nhật ký của tác giả Phạm Quang Nghị: “Tôi thấy kỳ lạ là lúc ấy anh Nghị mới ngoài 20 tuổi thôi mà có suy nghĩ sâu sắc về cuộc chiến, về trách nhiệm của lớp thanh niên trí thức với vận mệnh Tổ quốc. Cách ghi chép của anh công phu, tỉ mẩn, cụ thể, đó không chỉ là những thông tin tư liệu lịch sử quý báu cho thế hệ sau này mà còn là bài học cho những người làm báo học hỏi. Cuốn nhật ký cho thấy tấm gương trong trẻo của một thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức thời đó với trách nhiệm với Tổ quốc…”.

Còn theo nhà báo Nguyễn Thế Khoa, giá trị lớn nhất của “Nơi ấy là chiến trường” không chỉ là ký ức về chiến tranh mà còn là những suy nghĩ của tác giả về con người, về hậu phương. “Tôi vô cùng xúc động khi đọc đến chương “Ngày trở về”, ở đó sáng ngời lên tình cảm của chàng thanh niên hết lòng vì đất nước nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ mẹ, nghĩ về mẹ trong mọi hoàn cảnh”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa bày tỏ.

Cuốn nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” được giới thiệu vào đúng Ngày sách Việt Nam, hòa trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã góp phần giúp công chúng nhiều thế hệ thêm tự hào về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hiểu hơn về lớp thanh niên trí thức một lòng vì sự nghiệp chung của đất nước.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/932776/noi-ay-la-chien-truong-cuon-nhat-ky-chan-thuc-cam-dong-ve-thoi-hoa-lua