Nơi ấy, là đảo xa...

Nhạc sĩ viết về đề tài biển đảo thì nhiều, nhưng số người có ca khúc thành công và ghim cài trong trí nhớ của công chúng yêu nhạc thì chưa phải quá nhiều. Trong số những người thành công, để lại ca khúc khiến nhiều người nhớ, nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn, có nhạc sĩ Thế Song. Dù ông đã không còn nữa, nhưng nhắc tới ông, là lại nhớ tới ca khúc 'Nơi đảo xa'.

Nhạc sĩ Thế Song.

Nhạc sĩ Thế Song.

Nhạc sĩ Thế Song họ Nguyễn, sinh ngày 1/12/1933 tại Hà Nội, là con áp út trong một gia đình đông anh em. Ông có một người em trai cũng là nhạc sĩ được công chúng biết đến, đó là nhạc sĩ Văn Dung- tác giả của ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”…

Năm 1955, Thế Song là diễn viên hát tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là cán bộ biên tập âm nhạc của Đài. Ông tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Hoạt động của ông chủ yếu là dàn dựng các tiết mục âm nhạc phát trên sóng, thành lập thêm các chuyên mục, làm phong phú thêm các chương trình phát sóng, khuyến khích phong trào ca nhạc của đông đảo người yêu nhạc.

Sau 40 năm làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Thế Song nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn cộng tác với ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia hoạt động âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội, với ba nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành (từ năm 1995-2010).

Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: “Nơi đảo xa”, “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình yêu bên suối”.

Tôi nhớ những lần đến nhà ông ở phố Hàng Bột cũ, nay là phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), và ngồi trò chuyện với ông về gia đình, về âm nhạc. Có lần tôi đến, ông mới đi đạp xe tập thể dục về. Hôm ấy, ông đạp xe từ nhà lên Hồ Tây, đi một vòng hồ, rồi về. Sau này, khi căn bệnh tai biến ập đến đã khiến ông không còn minh mẫn được nữa…

Nhạc sĩ Thế Song có một gia đình nề nếp. Ông có hai con trai là Thế Huy và Thế Hiển. Con út Thế Hiển đi theo âm nhạc, còn con trai cả Thế Huy là kỹ sư chế tạo máy nhưng vô cùng say mê các tác phẩm của bố. Anh Huy nhớ vanh vách các “mốc sự kiện” trong đời của bố, kể cả việc sáng tác lẫn tình yêu thời tuổi trẻ của bố mẹ.

Bản nhạc viết tay “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song.

Bản nhạc viết tay “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Thế Song là người viết nhiều, ở nhiều đề tài khác nhau. Nhưng có một mảng chiếm số lượng lớn, và cũng hình thành nên vệt, nên điểm nhấn đó là những ca khúc ông viết về biển và những người lính đảo. Có thể kể đến “Ngôi nhà lính đảo”, “Biển mưa”, “Biển chuyện tình hóa đá”, “Hoa hồng biển đảo”, “Mênh mang Trường Sa”, “Tình em theo cánh sóng”, “Hát từ vùng gió xoáy”, “Hòn mưa”, “Dấu chân Sa Vỹ”, “Sóng ru”... Bên cạnh đó, nhạc sĩ Thế Song có một số ca khúc thiếu nhi như “Em yêu mến anh bộ đội”, “Trồng hoa trên mộ liệt sĩ”... Nhưng lan xa tỏa rộng hơn, định danh một Thế Song trong lòng công chúng yêu nhạc, chính là ca khúc “Nơi đảo xa”:

“Nơi anh đến là biển xa,
Nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.

Nặng lòng với biển đảo quê hương, nhưng có một thú vị, nhạc sĩ Thế Song viết ca khúc “Nơi đảo xa” khi chưa hề được đặt chân đến quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Một lần, bên cây đàn piano, nhạc sĩ Thế Song kể với tôi rằng, ông viết “Nơi đảo xa” năm 1979. Khi đó ông có chuyến đi thực tế viết về biên phòng Thán Phún, Pò Hèn (Quảng Ninh). Trong đầu ông đã dự định sẽ viết về hình tượng hi sinh anh dũng của Hoàng Thị Hồng Xiêm. Tuy nhiên, chuyến đi có nhiều kỉ niệm ấy như một cơ duyên đã tạo nên những bước ngoặt. Trên đường đi, mới qua Quảng Ninh một đoạn, đến cây số 8 thì dừng chân ở trạm sửa chữa tàu biển Z48 của bộ đội Hải quân. Khi được biết nhạc sĩ đi thực tế sáng tác, anh em ở đây giữ ông lại, kể cho ông nghe những câu chuyện về biển đảo. Đã từ lâu ông mong viết một bài về hải quân, nhưng viết không thành. Ở đây, nghe các anh kể về hàng ngày đi chiến đấu, đi dọc mấy nghìn cây số bờ biển, khiến ông suy nghĩ. Đơn vị hải quân này đóng ngay bên cạnh biển Hạ Long thơ mộng, xa xa thấy từng đoàn thuyền căng buồm, xa nữa là những đảo núi nhấp nhô trên biển. Đảo và biển của ta đẹp quá, cùng với hình ảnh người lính hải quân hiền hậu và mến khách, ngày đêm vượt sóng gió để canh giữ biển đảo thân yêu. Vậy là khi cảm xúc đến, giai điệu bài hát được hình thành. Nhưng trong chuyến đi đó, ông cũng chỉ có thể hoàn thành xong lời 1 của bài hát, còn về Hà Nội ông mới viết tiếp được lời 2 của bài hát.

Nhạc sĩ Thế Song (phải) và nhạc sĩ Lương Nguyên trong chuyến đi Trường Sa năm 1995.

Nhạc sĩ Thế Song (phải) và nhạc sĩ Lương Nguyên trong chuyến đi Trường Sa năm 1995.

Phải 16 năm sau (năm 1995), nhạc sĩ Thế Song mới có cơ hội lần đầu tiên được đặt chân tới quần đảo Trường Sa. Chuyến ấy, ông đi cùng các nhạc sĩ Doãn Nho, Lương Nguyên, và các nhà báo Trần Bình Minh, Trần Gia Thái, Thu Uyên... Tôi vẫn nhớ ánh mắt ông sáng lấp lánh khi kể: “Các chiến sĩ khi biết trong đoàn công tác có nhạc sĩ “Nơi đảo xa” đều rất xúc động, thường nói là chú đã nói hộ nỗi lòng của chúng cháu”.

Chuyến đi ấy ông đã đặt chân lên 17 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đêm nào ông cũng cùng những người lính ở đảo hát vang bài hát này, tiếng hát, tiếng đàn hòa cùng sóng gió, thấm đẫm vào mỗi người tình yêu quê nhà, tình yêu biển trời Tổ quốc. Chuyến đi ấy cho ông gặp gỡ những người lính, được nghe “Nơi đảo xa” qua giọng hát, tiếng đàn của những người lính ngoài khơi xa. Điều ấy làm ông xúc động…

Người đầu tiên thể hiện bài hát “Nơi đảo xa” là ca sĩ Tiến Thành và ngay sau đó bài hát đã nhận được nhiều thư yêu cầu của thính giả nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị phát lại. Sau này ca sĩ Trung Đức và nữ ca sĩ Tuyết Mai là những người thể hiện thành công bài hát này. Các ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tùng Dương gần đây cũng mang lại nhiều sự mới mẻ cho “Nơi đảo xa”. Đặc biệt, khi bài hát đã được dựng thành clip với gần 1.000 người ở tất cả các tầng lớp trong xã hội như công chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên cùng đồng ca khiến ông vô cùng xúc động. Bởi các ca sĩ chuyên nghiệp hát có cái hay riêng, màn đồng ca của nhiều người cũng tạo nên một hiệu ứng đặc biệt, đó là tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người dân ta cất lên qua tiếng hát. Cũng giống như chính ông khi được nghe các chiến sĩ hải quân ôm đàn ghi ta hát “Nơi đảo xa” giữa biển trời bao la cũng gây nên sự xúc động khó kìm nén được.

Sau 7 năm chống chọi với bệnh tật, sẩm tối ngày 20/5/2018, nhạc sĩ Thế Song đã vĩnh viễn chia xa người thân, bạn bè. Con trai út của nhạc sĩ Thế Song ví rằng, ông chỉ “lên một chuyến tàu mới để ra khơi…”. Chuyến tàu đưa ông rong ruổi theo những hải trình mới, nơi ấy, sẽ luôn vang vọng những giai điệu thân thương mà ông đã tạo dệt:

“Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới
Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi…”.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/noi-ay-la-dao-xa-505651.html