Nơi ấy là quê hương

Dẫu đã thành danh với 'gió Lào cát trắng', những ngày Tết, những ngày đầu năm mới âm lịch ở đây là mùa mưa với tiết trời se lạnh. Bù lại, màu xanh đã che phủ những đồi cát trắng và với tôi, khung cảnh nơi đây vào mùa xuân đẹp tuyệt vời. Trên con đường từ thị xã Quảng Trị theo hướng đông về Cửa Việt, về làng Hà Tây quê tôi là những cánh đồng lúa xanh bát ngát, xăm xắp nước tràn bờ; những dòng sông nước trong xanh với hàng tre rợp bóng hai bên bờ và những chiếc cổng làng dẫn vào xóm nhà ấm cúng.

 Chùa Mai Xá -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Chùa Mai Xá -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Nhiều chiếc cổng làng cổ kính rêu phong mang những cái tên rất hay như làng Hà My, làng Bồ Liêu, làng Đại Hào, làng Bích Khê, làng Phú Hội, làng Hà Tây…như đã đứng đó từ bao đời mặc đạn bom và gió bão, như chứng nhân cho lối sống cộng đồng làng xã. Sâu bên trong cổng làng, những ngôi nhà dù lớn dù nhỏ đều bố trí giống nhau với gian thờ ở giữa, gian ngủ ở hai bên và thường chỉ che rèm chứ không có tường ngăn, có lẽ vì thời tiết nắng nóng nơi đây vào mùa hè. Bên dưới là dãy nhà ngang để nấu nướng và bày biện cho những ngày giỗ chạp. Cái đặc biệt của những ngôi nhà ở Quảng Trị nói riêng, vùng đất Bình Trị Thiên nói chung là có am thờ phía trước nhà để thờ vong hồn mà theo quan niệm địa phương là không được vào gian thờ chính.

Ở trung tâm của làng là đình làng, nơi thờ thành hoàng làng. Những ngày Tết, con cháu sinh sống khắp nơi trở về đoàn tụ, đình làng đông vui, những bậc trưởng lão áo dài khăn đóng thành kính dâng hương cúng bái, cầu cho mưa thuận gió hòa, làng quê hạnh phúc an vui. Cái Tết ở nơi đây không ồn ào náo nhiệt, mọi người, mọi nhà dường như đều hướng về tổ tiên ông bà, vì vậy việc thờ cúng rất trang trọng với nhiều thủ tục và mang nét văn hóa riêng rất hay, rất độc đáo mà nơi khác không có được.

Một nét đặc trưng nữa ở đây là những nhà thờ họ được xây theo kiến trúc cổ với những hình ảnh rồng phượng được chạm khắc công phu tạo nên nét uy nghi và long trọng. Những người trong một họ dù đã đi qua nhiều đời vẫn chung nhau một mái nhà thờ và nhờ vậy gần gũi gắn bó nhau hơn. Họ chia sẻ với nhau những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống và bên nhau trong tất cả niềm vui nỗi buồn của mỗi gia đình. Những ngày giỗ chạp, nhất là ba ngày Tết, con cháu lại xúm xít về cùng nhau nấu những món ngon, sắp đặt đồ lễ để các bậc trưởng thượng trong họ dâng lên tổ tiên, cảm tạ ông bà đã phù hộ cho một năm yên lành và cầu mong nâng bước cho con cháu trong năm tới để tất cả đều bình yên, may mắn, để năm sau ai cũng có thể từ khắp nơi tụ hội về thắp nhang cúng bái ông bà.

Những làng quê nơi đây trong chiến tranh tiêu điều xơ xác. Người dân nơi đây vẫn chưa quên những ngày bom đạn ác liệt khiến người quê ly tán, kẻ Bắc người Nam. Hòa bình lập lại, mọi người quay về làng, xây dựng nhà cửa từ đống đổ nát. Vùng cát trắng vốn khô cằn, chịu lắm thiên tai, nhưng với sự cần cù chịu khó của con người, màu xanh đã lấp đầy những hố bom trống hoác năm xưa, dù vẫn còn nhiều lắm những khó khăn qua bao thăng trầm của thời cuộc, thiên tai. Những năm gần đây, làng quê đã tươi đẹp hơn, khang trang hơn. Những ngôi nhà hiện đại với đầy đủ tiện nghi đã làm cuộc sống miền quê như thay da đổi thịt, có thể đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên.

Trai gái trong làng ngày nay phần nhiều đã Nam tiến làm ăn. Họ mang theo cái giọng quê nằng nặng và những tình cảm yêu thương không thể xóa mờ. Những chiếc cổng làng, những ngôi đình làng và nhà thờ họ với chan chứa tình làng nghĩa xóm vẫn lưu giữ một giá trị trường tồn để người đi xa mãi nhớ về, mãi xao xuyến những "mô, tê, răng, rứa". Mỗi khi Tết đến, xuân, họ lại trở về quê để hít đầy lồng ngực cái không khí trong lành của nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Họ lại về để được ngập tràn trong văn hóa làng quê, được ăn những chiếc bánh bột lọc nóng chấm mắm ớt cay nồng, được ra chợ quê nhìn những con tàu đầy ắp cá tôm cập bến mỗi sáng, được nói thoải mái giọng nằng nặng của quê mình.

Và tôi, tôi cũng sẽ trở về, vì nơi ấy là quê hương!

Nguyễn Thị Thúy Ái

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155426